Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Thủy sản, hải sản Việt Nam phải sạch cả về ý nghĩa thực phẩm và cả nguồn gốc. Từ nay đến tháng 5/2020, tất cả các địa phương phải chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu thuyền ngư dân khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài. Theo kế hoạch, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ tiến hành kiểm tra ngành khai thác hải sản của Việt Nam lần thứ 3”.
Trong nỗ lực gỡ “thẻ vàng” IUU, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện 9 khuyến nghị của EC từ việc thông qua và áp dụng Luật Thủy sản năm 2017.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu chia sẻ, Bình Định đã áp dựng những thiết chế mạnh đối với tàu thuyền và ngư dân vi phạm vùng biển nước khác như thu giữ phương tiện, tước bằng thuyền trưởng và giấy phép hành nghề... Từ đầu năm 2020 đến nay, không có tàu cá mang số hiệu Bình Định vi phạm vùng biển nước ngoài.
Ở khía cạnh này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cho biết, giải pháp mà tỉnh Phú Yên đang áp dụng là nếu tàu thuyền đăng ký tại Phú Yên mà không về Phú Yên trong vòng 6 tháng sẽ bị xóa tên đăng ký. Sau khi xóa, tỉnh Phú Yên sẽ thông báo cho các tỉnh khác để phối hợp thực hiện.
Phú Yên cũng là địa phương đưa ra sáng kiến áp dụng giám sát hành trình tàu cá bằng thuê bao di động. Ông Trần Hữu Thế cho hay, UBND tỉnh Phú Yên đã chuẩn bị xong đề án hỗ trợ thuê bao để quản lý hành trình tàu cá, sẽ trình Hội đồng nhân dân tỉnh sắp tới. Theo đề án này, tỉnh Phú Yên sẽ hỗ trợ một phần kinh phí để quản lý tàu cá qua mạng di động từ vệ tinh vinasat nhằm giảm thiểu kinh phí lắp đặt thiết bị quản lý hành trình cho ngư dân.
Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá cũng là một trong những trọng tâm phải thực hiện gấp rút. Theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ, toàn bộ tàu thuyền trong cả nước có chiều dài 24m trở lên lắp đặt thiết bị hành trình phải xong trước ngày 1/7/2019 (mới lắp đặt được 91%).
Tàu câu cá ngừ, lưới kéo có chiều dài từ 15 đến dưới 24m xong trước ngày 1/1/2020 (mới lắp đặt được 37%) và số tàu thuyền từ 15m còn lại xong trước ngày 1/4/2020. Nhưng đến nay, việc lắp đặt thiết bị hành trình này vẫn chưa hoàn tất. Một trong những trở ngại lớn nhất là kinh phí lắp đặt khá lớn, gây khó cho ngư dân và chủ tàu.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, đến 1/4/2020, toàn bộ tàu thuyền từ 15m trở lên phải được lắp đặt xong thiết bị hành trình. Các cơ quan quản lý nhà nước phải thống nhất về quy chuẩn, tiêu chuẩn, công nghệ về thiết bị và việc cung cấp thiết bị.
Hiện nay, tại 61 cảng cá chỉ định thuộc 28 tỉnh, thành ven biển đủ điều kiện thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác. Tất cả tàu có chiều dài từ 24m trở lên đều được kiểm tra xuất, cập bến theo tiêu chí kiểm tra đã được quy định. Một số địa phương đã thực hiện kiểm tra xuất, cấp bến 100% đối với tàu cá từ 15m trở lên.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến thông tin, cả nước hiện có 125 cảng cá và 146 khu neo đậu; nhưng mới chỉ có 46% cảng cá và gần 50% khu neo đầu được đầu tư xây dựng theo quy chuẩn.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các đơn vị chuyên môn trực thuộc, từ nay đến tháng 5/2019 phải hoàn thành việc rà soát, thống kê, lên kế hoạch xây dựng hoàn chỉnh các cảng cá, khu neo đậu theo quy chuẩn nhằm đề nghị Chính phủ đưa vào kế hoạch sử dụng vốn trung hạn.
“Thiết chế hạ tầng phải đáp ứng thực tiễn. Việc đánh giá, rà soát này cũng là để góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản, đặc biệt là hải sản theo hướng giảm khai thác, giảm lượng tàu và giảm sản lượng nhưng tăng về giá trị. Cùng với đó là giảm sản lượng đánh bắt và tăng sản lượng nuôi trồng”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị các địa phương, các bộ, ngành liên quan tham gia mạnh mẽ đưa thể chế pháp lý vào cuộc sống; hướng dẫn ngư dân áp dụng đúng luật, chính sách quy định và tập trung vào những nội dung mà EC đã khuyến nghị về IUU.