Quy hoạch tuyến xe khách liên tỉnh

Bộ GTVT lần đầu tiên đã công bố quy hoạch chi tiết các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh. Đây được xem là một bước đột phá để tạo sự minh bạch, bình đẳng giữa các doanh nghiệp vận tải và hạn chế tối đa tình trạng “xin cho” khi cấp phép tham gia hoạt động tuyến.

Công khai luồng tuyến

Đại diện Công ty cổ phần Vận tải khách Hoàng Hà (Thái Bình) cho biết: Doanh nghiệp hiện có gần 300 đầu phương tiện các loại hoạt động cố định liên tỉnh. Tuy nhiên, trên các tuyến vận tải cố định hiện nay thường xuyên có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, nhất là có quá nhiều đầu xe của các doanh nghiệp hoạt động chồng chéo lên nhau, trong khi lượng khách chiếm tỷ lệ nghịch. Thực tế này là nguyên nhân của tình trạng phóng nhanh vượt ẩu để tranh khách và tai nạn giao thông. Kéo theo đó là tình trạng “bến cóc, xe dù” nở rộ tại nhiều địa phương, vì thiếu sự quản lý của cơ quan chức năng. Thậm chí, quản lý nhà nước về lĩnh vực này cũng đang bị thả nổi, phó thác hoàn toàn cho các doanh nghiệp vận tải. Do đó, các doanh nghiệp thường khoán trắng cho lái xe tự tung tự tác.

Xe khách hoạt động không theo luồng tuyến cố định đang tạo thị trường vận tải lộn xộn. Ảnh: Bộ GTVT



Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Phan Thị Thu Hiền cho biết: Cả nước hiện có gần 6.400 tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh. Cự ly trung bình của mỗi tuyến là 245 km, tuyến liên tỉnh có chiều dài dưới 300 km chiếm tới 60%, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn.

Trên thực tế, hoạt động vận tải hành khách cố định liên tỉnh đang tồn tại nhiều bất cập, nhất là chưa có quy hoạch các tuyến vận tải. Bên cạnh đó, tình trạng trùng tuyến dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Đặc biệt, việc trao đổi thông tin giữa Sở GTVT các địa phương chưa bảo đảm, gây khó khăn trong công tác quản lý cũng như phiền hà cho doanh nghiệp vận tải. Một số sở GTVT hiện nay còn chưa có quy hoạch bến xe, cũng đang gây khó khăn cho các sở khác đề nghị quy hoạch tuyến. Ngoài ra, trên một số tuyến còn xảy ra tình trạng cung vượt cầu và tình trạng “xe dù, bến cóc” nở rộ. Trước những bất cập và khó khăn trên, việc lập, phê duyệt và triển khai quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020 là rất cấp thiết.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Nguyễn Văn Quyền, để tuyến vận tải hoạt động hiệu quả, cần tới lưu lượng hành khách ổn định. Vì vậy, quy hoạch cần dự báo được lưu lượng hành khách trên tuyến. Đây là điều không dễ, nên Sở GTVT các địa phương cần xác định vai trò quản lý của mình trong việc nắm bắt nhu cầu vận tải dựa trên quy mô dân cư, phát triển đô thị, đặc thù kinh tế, du lịch... để định hướng phát triển vận tải hành khách, tránh tình trạng phát triển manh mún, phát triển cung vượt cầu, gây rối loạn môi trường kinh doanh vận tải.

Theo quy hoạch này, tới đây, định kỳ hàng năm, các sở GTVT công bố công khai trên tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh có bao nhiêu xe, lưu lượng xe cần thiết trên tuyến như thế nào, để các doanh nghiệp biết được nhu cầu thực tế khi đầu tư tham gia kinh doanh vận tải, tránh tình trạng “xin cho”, nhằm tạo cơ chế hoạt động cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp vận tải.

Đấu thầu các tuyến vận tải

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận xét: Trong thời gian tới, khi mở tuyến mới, các địa phương phải tiến hành đấu thầu, kể cả các tuyến hiện nay có lưu lượng lớn cũng cần phải đấu thầu lại. Việc đấu thầu công khai sẽ đảm bảo các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng dịch vụ, qua đó lựa chọn được các doanh nghiệp đủ năng lực; đồng thời tạo ra môi trường công khai minh bạch, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng: Đã đến lúc cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước về vận tải, đặc biệt là vận tải hành khách. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ chủ động xây dựng quy hoạch tuyến và định kỳ hàng năm bổ sung. Trong quá trình đề nghị bổ sung sẽ tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp vận tải có quyền nghiên cứu thị trường và đề xuất tuyến, vì doanh nghiệp vận tải hoạt động trên tuyến nhiều hơn và nắm bắt được thị trường trước khi đề xuất với cơ quan chức năng bổ sung tuyến.

“Cần giải quyết hài hòa giữa tăng cường quản lý nhà nước với khuyến khích tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng kinh doanh. Chủ trương chung là quy hoạch lần này mang tính động và mở. Động là điều chỉnh hàng năm, còn mở là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển”, ông Quyền khẳng định.



Tiến Hiếu
Giá cước vận tải “nhấp nhổm” tăng
Giá cước vận tải “nhấp nhổm” tăng

Sau lần thứ 3 giá xăng tăng kể từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp vận tải đang “nhấp nhổm” tăng giá cước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN