Tại tọa đàm “Quy định về tải trọng thiết kế cho xe ô tô đầu kéo và cấp khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông của sơ mi rơ moóc: Thực tiễn và giải pháp” do báo Pháp luật ngày nay cùng Hãng luật Nguyên Giáp tổ chức ngày 27/12 tại TP Hồ Chí Minh,
Ông Đỗ Xuân Phú, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại vận tải Minh Liên phản ánh, hiện nay sơ mi rơ moóc nhập khẩu từ Trung Quốc có khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông cao hơn so với sơ mi rơ moóc do Việt Nam sản xuất trong khi thiết kế sơ mi rơ moóc của hai nước có cùng trục và chiều dài cơ sở.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc cấp tải trọng thiết kế, tải trọng tham gia giao thông áp dụng cho sơ mi rơ moóc như hiện nay là chưa phù hợp. Ảnh: TTXVN
|
Đơn cử, sơ mi rơ moóc mang biển kiểm soát 51R 072.56 do Trung Quốc sản xuất năm 2014 và sơ mi rơ moóc mang biển kiểm soát 51R 081.04 do Việt Nam sản xuất năm 2014 cùng có 3 trục, phương tiện của Việt Nam dài hơn 0,48m nhưng khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông của phương tiện Việt Nam chỉ là 35,95 tấn còn của Trung Quốc lên đến 36,71 tấn.
“Vì thế, việc Cục đăng kiểm Việt Nam hướng dẫn doanh nghiệp trong nước cải tạo sơ mi rơ moóc cho bằng phương tiện của Trung Quốc là không khả thi, gây lãng phí cho doanh nghiệp. Thậm chí sau khi cải tạo, nhiều sơ mi rơ moóc có thể trở thành phế liệu do không thể đưa vào hoạt động do tổng tải trọng sơ mi rơ moóc được cấp trước đây quá thấp, không thể chở được một container theo tiêu chuẩn quốc tế. Cùng với đó, khi lưu thông trên các đoạn đường đèo, dốc, nhiều khúc cua hoặc vào hệ thống kho tàng, bến bãi sẽ khó khăn hơn và dễ xảy ra tai nạn”, ông Đỗ Xuân Phú phản ánh.
Nói về sự khác biệt giữa sơ mi rơ moóc do Việt Nam sản xuất và nhập khẩu từ Trung Quốc, ông Nguyễn Hữu Trí - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, về sau nhà sản xuất Trung Quốc sử dụng công nghệ mới nên mặc dù cùng chiều dài cơ sở, cùng trục nhưng sức chở cao hơn thiết kế cũ từ 500kg - 1 tấn.
Việc cấp phép đăng kiểm phương tiện đầu kéo, sơ mi rơ moóc dựa trên nguyên tắc phân bổ và tổng tải trọng phương tiện. Do đó, cơ quan đăng kiểm Việt Nam không thể không cấp chứng nhận cho nhà sản xuất cũng như không thể yêu cầu họ phải sử dụng công nghệ nào.
“Việc cải tạo sơ mi rơ moóc rất đơn giản, các doanh nghiệp tự thực hiện và mang xe đến bất kỳ đơn vị đăng kiểm nào để kiểm tra, nghiệm thu và ghi nhận thay đổi. Đến nay, trên cả nước đã có 8.938 sơ mi rơ moóc thực hiện cải tạo, điều chỉnh vị trí chốt kéo, trục, cụm trục, riêng Tp. Hồ Chí Minh có gần 4.000 phương tiện được cải tạo”, ông Nguyễn Hữu Trí cho biết thêm.
Đối với đề nghị của doanh nghiệp công bố mẫu thiết kế sơ mi rơ moóc để áp dụng, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay, cơ quan đăng kiểm chỉ kiểm soát mức tối thiểu đảm bảo độ cứng, độ vững chiếu theo các quy định hiện hành còn doanh nghiệp chủ động thiết kế và sử dụng kết cấu mới.
Về kiến nghị cho tăng tải trọng sơ mi rơ moóc do Việt Nam sản xuất, đại diện Cục Đăng kiểm cho hay, Bộ Giao thông Vận tải đã cho phép doanh nghiệp tìm đến nhà sản xuất để xác nhận lại thiết kế tải trọng sau đó chỉ cần mang xác nhận đến đơn vị đăng kiểm thì sẽ được xử lý ngay.