Cụ thể, chương 1quy định chung; chương 2 cách xác định xuất xứ hàng hóa; chương 3 chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa và chương 4 điều khoản thi hành.
Thông tư số 05/2022/TT-BCT quy định các nội dung về quy tắc xuất xứ hàng hóa bao gồm các trường hợp xác định hàng hóa được coi là có xuất xứ, cộng gộp, tỷ lệ không đáng kể nguyên liệu không trải qua quá trình chuyển đổi mã số hàng hóa nhưng vẫn được coi là có xuất xứ (De Minimis), công đoạn gia công chế biến đơn giản, vận chuyển trực tiếp, cơ chế kiểm tra và chứng nhận xuất xứ hàng hóa…
Nội dung của các điều khoản này trong quy tắc xuất xứ hàng hóa của Hiệp định RCEP nhìn chung không có sự khác biệt so với Hiệp định ATIGA và một số Hiệp định ASEAN+1 mà Việt Nam là thành viên.
Hàng hóa có xuất xứ của Việt Nam xuất khẩu sang các nước thành viên được xem xét cho hưởng ưu đãi thuế quan trong khuôn khổ Hiệp định RCEP khi có giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) được cấp theo quy định tại thông tư này.
Cùng với đó, hàng hóa có xuất xứ của các nước thành viên nhập khẩu vào Việt Nam được xem xét cho hưởng ưu đãi thuế quan trong khuôn khổ Hiệp định RCEP khi nộp C/O hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa do nhà xuất khẩu đủ điều kiện phát hành.
Cũng tại Thông tư số 05/2022/TT-BCT, Bộ Công Thương đã nội luật hóa điều khoản khác biệt thuế do một số nước trong khối RCEP như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam áp dụng mức thuế suất nhập khẩu khác nhau cho cùng một mặt hàng đối với các nước đối tác.
RCEP là Hiệp định thương mại tự do được 10 nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 5 nước đối tác của ASEAN là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia và New Zealand ký kết vào ngày 15 tháng 11 năm 2020 bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN. Hiệp định RCEP có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2022.