Quỹ bình ổn xăng dầu dư hơn 55 tỷ đồng

Ngày 9/7, Bộ Tài chính cho biết tính tới hết ngày 30/6, hơn 2.932,3 tỷ đồng đã được sử dụng từ quỹ bình ổn giá xăng dầu, hiện quỹ đang có số dư là hơn 55,4 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong số 12 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phát sinh trích lập, sử dụng quỹ bình ổn, tính đến hết tháng 6 có 7 doanh nghiệp hiện có số dư. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là đơn vị có số tồn quỹ lớn nhất hơn 201,6 tỷ đồng. Tiếp theo là Tổng công ty Xăng dầu quân đội với số tiền tồn quỹ bình ổn xăng dầu khoảng trên 179,2 tỷ đồng.

Người dân mua xăng tại cây xăng trên đường Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN


Trong khi đó, danh sách thống kê tới 30/6 của những đơn vị đang âm quỹ đứng đầu là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) với số tiền âm trên 218,6 tỷ đồng. Tổng công ty Kỹ thuật và Đầu tư cũng có con số hụt quỹ khá lớn khi âm khoảng hơn 146 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cho rằng việc trích Quỹ bình ổn giá là nhằm tạo ra một nguồn lực tài chính để thực hiện bình ổn giá xăng dầu góp phần vào việc bình ổn mặt bằng giá nói chung, kiểm soát lạm phát của nền kinh tế và chỉ phục vụ mục tiêu bình ổn giá thị trường trong nước khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, không sử dụng vào mục đích nào khác.

Từ năm 2010 đến nay, nếu không có công cụ Quỹ bình ổn giá, giá xăng dầu trong nước lẽ ra đã phải tăng giá cao hơn và tần suất tăng giá cũng nhiều lần hơn. Ngay trong những tháng đầu năm 2013, nếu không có công cụ quỹ bình ổn thì giá xăng dầu trong nước đã phải tăng ngay từ những ngày đầu năm, đặc biệt trước và sau Tết Nguyên đán đã phải tăng giá xăng dầu ở mức cao, có thể lên mức 2.000 đồng/lít xăng tại thời điểm ngày 26/2/2013.

Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, cũng còn một số ý kiến khác nhau về Quỹ bình ổn giá, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổng hợp đánh giá tình hình thực hiện điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP để xem xét sửa đổi, bổ sung phù hợp; trong đó có nội dung về quỹ này.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã khẳng định Quỹ bình ổn giá được trích lập vào một khoản tiền cụ thể nằm trong giá cơ sở của giá xăng dầu, nghĩa là được hình thành từ tiền của người sử dụng xăng dầu. Cho nên việc đòi hỏi phải công khai, minh bạch quỹ này là một nhu cầu rất chính đáng và quỹ được hình thành như một van xả để đảm bảo bình ổn giá cả xăng dầu trên thị trường khi giá thế giới có biến động.

Bộ trưởng cũng cho biết, xăng dầu là mặt hàng rất thiết yếu trong sản xuất và đời sống của nhân dân và doanh nghiệp, Bộ Tài chính sẽ liên tục cập nhật báo cáo tình hình quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu và sẽ công bố công khai vào tháng đầu quý, qua đó công khai, minh bạch Quỹ bình ổn giá.


Thùy Dương
15 cửa hàng xăng dầu Hà Nội thiếu điều kiện kinh doanh

Theo Sở Công Thương Thành phố Hà Nội, kết quả kiểm tra đợt 1 đối với 52 cửa hàng xăng dầu tại 10 quận nội thành Hà Nội do các đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện vào trung tuần tháng 6 cho thấy có 15 cửa hàng cần phải di chuyển hoặc dỡ bỏ do không đủ điều kiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN