Hiện nay, mực nước tại các hồ chứa lớn tại Quảng Trị đang ở mức cạn đáy, khoảng 2.800 ha lúa rơi vào tình trạng thiếu nước trầm trọng.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, trước tình trạng hạn hán xảy ra và kéo dài trên diện rộng, UBND tỉnh Quảng Trị đã lên các phương án, kịch bản phòng, chống hạn hợp lý.
Hiện nay, tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương và Công ty khai thác công trình thủy lợi chủ động thực hiện tưới phù hợp và tiết kiệm đề phòng hạn hán kéo dài và xâm nhập mặn trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã cân đối ngân sách dự phòng để cấp cho các địa phương bị hạn nặng tiến hành bơm, tát nguồn nước ở các sông, ngòi nước ngọt và thực hiện đắp đập chống xâm nhập mặn. Trước tình hình biến đổi khí hậu cực đoan, tỉnh cũng chủ động rà soát lại quy hoạch chuyển đổi lại cơ cấu cây trồng cũng như nâng cấp các công trình thủy lợi và công trình đập ngăn mặn...
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, hiện nay nguồn nước ở các hồ chứa đang giảm mạnh. Tính đến ngày 16/7, lượng nước các hồ chứa còn lại khoảng 27,7% so với dung tích thiết kế, đặc biệt một số hồ chứa lớn có dung tích rất thấp như: Ái Tử đạt 24,7%; Đá Mài đạt 24,4%; Tân Kim đạt 14,4%; Trúc Kinh đạt 21,8%; La Ngà đạt 19,1%; Kinh Môn đạt 26,8%...; riêng trên sông Cánh Hòm mực nước cạn kiệt nhanh ở cao trình từ +0,08÷0,1m.
Bên cạnh đó, hiện tượng mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng như: sông Bến Hải mặn đã xâm nhập vượt quá cầu Tiên An; sông Hiếu mặn xâm nhập đến cầu Đuồi. Trên sông Sa Lung xâm nhập mặn đã tác động đến chân đập ngăn mặn Sa Lung. Trên sông Thạch Hãn mặn đã xâm nhập đến khu vực tràn xã lũ Nam Thạch Hãn. Độ mặn đo được tại các vị trí này giao động từ 3,5 - 19,7‰.
Ông Trương Văn Hùng, Giám đốc xí nghiệp thủy nông Gio Cam Hà cho biết, hiện nay, mực nước trên các sông, hồ chứa đang ở mức dưới 20%, nhiều nơi có mực nước thấp hơn trình thiết kế để bơm. Chính vì vậy, nguồn nước dành cho sản xuất nông nghiệp đang rơi vào tình trạng cạn kiệt.
Để đảm bảo nước tưới cho 4.706 ha lúa trên địa bàn, đơn vị đang tiến hành triển khai nạo vét kênh mương, sông ngòi cũng như lắp đặt bơm dã chiến hỗ trợ tại các vùng hạn nặng ở Cam Lộ và Gio Linh. Bên cạnh đó, tiến hành xả nước từ trên các hồ về sông để bơm chống hạn. Tuy nhiên, nếu trong thời gian tới trời vẫn tiếp tục không có mưa thì nguy cơ thì hàng trăm hécta lúa trên địa bàn sẽ mất trắng do không có nước tưới…
Vừa qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có mưa nhưng lượng mưa không đáng kể, tình trạng hạn hán, thiếu nước vẫn diễn ra nghiêm trọng với tổng diện tích bị khô hạn trên địa bàn toàn tỉnh là khoảng 2.800 ha; trong đó, huyện Vĩnh Linh khoảng 600 ha, huyện Gio Linh khoảng 1.400 ha, huyện Cam Lộ khoảng 500 ha, thành phố Đông Hà khoảng 200 ha, huyện Triệu Phong khoảng 100 ha…
Ghi nhận tại các điểm hạn nặng cho thấy, các kênh mương dẫn nước đang trong tình trạng khô cạn, lúa vàng cháy do thiếu nước, đồng ruộng khô nứt nẻ. Nhiều địa phương đang tập trung lực lượng để tiến hành nạo vét và bơm dã chiến cứu nguy cho lúa.
Ông Nguyễn Đăng Trình, Trưởng phòng Quản lý thủy lợi và nước sạch nông thôn, Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Trị cho hay, trước tình hình nắng hạn kéo dài, đơn vị đã chủ động phối hợp với các địa phương tiến hành cấp nước tiết kiệm cho sản xuất nông nghiệp và điều kiện sinh hoạt trước mắt cho người dân.
Bên cạnh đó, huy động người dân tổ chức ra quân làm thủy lợi, nạo vét các kênh mương, cửa sông để tích trụ nước; Tiến hành lắp đặt các trạm bơm dã chiến để “vét nước” tại các hồ, đập, kênh mương phục vụ tưới tiêu cho diện tích lúa đang thiếu nước.
Mặt khác, tiến hành đắp đập tạm dâng nước tại các kênh để tạo nguồn bơm tưới. Cùng với đó, thực hiện điều tiết mực nước từ các hồ chứa, đặc biệt xả nước từ hồ Hà Thượng (Gio Linh) nhằm bổ sung nước nước cho sông Cánh Hòm để bơm tưới cho diện tích lúa sắp tới thời kỳ trổ đòng…
Để giảm thiểu thiệt hại do hạn hán trong vụ Hè Thu 2019, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị cũng đã chủ động chuyển đổi trên 267 ha, tập trung ở các địa phương như: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hướng Hóa, Cam Lộ, Đakrông. Các huyện đã sử dụng giống lúa ngắn ngày và cực ngắn. Bên cạnh đó, chuyển đổi 90 ha diện tích đất lúa thiếu nước sang cây trồng cạn như: đậu xanh, lạc, dưa hấu, dừa xiêm, mướp đắng…
Đặc biệt, mô hình trồng dưa hấu trái vụ do Hợp tác xã Lễ Môn ở xã Gio Phong, huyện Gio Linh thực hiện đã đạt hiệu quả tốt với thời gian trồng rất ngắn (2 tháng) nhưng mang lại hiệu quả cao. Mô hình này sau khi trừ chi phí mỗi hécta đạt từ 130 - 140 triệu đồng.
Ông Trần Mỹ, Chủ nhiệm Hợp tác xã Lệ Môn cho rằng, do nắng nóng kéo dài, nước từ hồ Kinh Môn không đủ tưới cho diện tích đồng ruộng của hợp tác xã nên đơn vị đã vận động bà con chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng dưa hấu trái vụ.
Mặc dù lần đầu tiên triển khai thử nghiệm nhưng hiệu quả thực tế mang lại từ mô hình trồng dưa hấu lãi gấp 10 - 12 lần so với trồng lúa bình thường. Dự kiến trong vụ Hè Thu năm 2020, hợp tác xã sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này với diện tích khoảng 20 - 25 ha ở một số vùng khó tiếp cận với nguồn nước tưới…
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Trị, lượng mưa trong 3 tháng tới (tháng 7, 8, 9) sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm, nắng nóng tiếp tục xảy ra trên địa bàn tỉnh với nhiệt độ phổ biến 37 - 39 độ C. Tình hình hạn hán sẽ còn kéo dài và gây tác động lớn đến ngành nông nghiệp cũng như sinh hoạt của người dân trên địa bàn.