Thay đổi thói quen của người dân
Trong xã hội hiện đại, với sự phát triển của khoa học công nghệ, việc thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến, không chỉ mang lại lợi ích đối với người dân, mà còn mang lại nhiều lợi ích cho Nhà nước và các bên tham gia.
Đông đảo người dân Quảng Ninh hiện nay không phải đi đến địa điểm theo quy định trước đó để nhận tiền trợ cấp thương tật hàng tháng, mà thông qua hệ thống ngân hàng, số tiền trợ cấp được chuyển đến số tài khoản cá nhân.
Được các ngành chức năng hỗ trợ trong kết nối để mở tài khoản ngân hàng, nhiều người lớn tuổi đã được mở tài khoản tại ngân hàng và được hướng dẫn cài đặt ứng dụng trên điện thoại, lĩnh tiền hằng tháng và sử dụng tài khoản để giao dịch ngay khi ngồi ở nhà.
Hiện nay, việc ứng dụng CNTT trong thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên phổ biến trong đời sống, sinh hoạt của người dân. Hình thức thanh toán trực tuyến giúp người dân dễ dàng mua hoặc thanh toán mọi dịch vụ một cách thuận lợi, dễ dàng chỉ bằng vài thao tác đơn giản trên các thiết bị điện tử.
Thời gian qua, để đảm bảo hạ tầng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, các ngân hàng thường xuyên đầu tư, nâng cấp, bổ sung tiện ích, dịch vụ theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng dịch vụ. Hệ sinh thái số, thanh toán số được thiết lập kết nối giữa dịch vụ ngân hàng với nhiều dịch vụ khác.
Nhiều ngân hàng thương mại triển khai các chính sách, giải pháp nhằm khuyến khích khách hàng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, như: Giảm phí dịch vụ, thường xuyên cập nhật công nghệ mới để đem lại trải nghiệm tốt hơn trên ứng dụng ngân hàng…
Cùng với đó, các doanh nghiệp viễn thông cũng quan tâm đầu tư nâng cấp, phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ chuyển đổi số toàn diện của tỉnh, bảo đảm hạ tầng kết nối phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt và các dịch vụ trung gian thanh toán; triển khai xóa vùng lõm sóng điện thoại, internet cáp quang…
Đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành xây dựng 54/54 trạm phủ lõm sóng cho 66 thôn, bản, nâng tỷ lệ vùng phủ sóng thông tin di động đạt 100% tại các khu dân cư trên địa bàn; hoàn thành cung cấp dịch vụ đến 97/113 thôn, bản về hạ tầng internet cáp quang băng thông rộng cố định. Tại các địa điểm nhà hàng, khách sạn, địa điểm cung cấp dịch vụ... khách hàng dễ dàng thanh toán bằng cách quét mã QR…
Đẩy mạnh chính quyền điện tử
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc thanh toán không dùng tiền mặt, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách hành chính từ tỉnh đến cấp xã. Trong đó, chú trọng xây dựng chính quyền điện tử, vận hành hiệu quả hệ thống Trung tâm Phục vụ hành chính công (HCC) tỉnh, Trung tâm HCC cấp huyện, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã, Trung tâm điều hành thành phố thông minh. Hiện 100% TTHC đưa vào giải quyết tại Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh và Trung tâm HCC cấp huyện, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã đã xây dựng quy trình nội bộ giải quyết TTHC, đảm bảo phân rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc, rõ thời gian giải quyết gắn với công tác rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết so với quy định và được cập nhật công bố, niêm yết công khai theo quy định.
Đến nay, 100% hồ sơ TTHC tiếp nhận, giải quyết tại Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh, Trung tâm HCC cấp huyện, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã được công khai trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và được đồng bộ công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Từ ngày 1/7/2023, Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh và các Trung tâm HCC cấp huyện triển khai không sử dụng tiền mặt trong thu phí, lệ phí giải quyết TTHC theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh; Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã thực hiện từ ngày 1/1/2024. Tỉnh tiến tới 100% đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước thuộc tỉnh thực hiện chi trả các khoản chi ngân sách nhà nước không sử dụng tiền mặt; 100% cơ sở giáo dục và đào tạo, y tế, bảo hiểm xã hội trên địa bàn thực hiện thu các khoản thu phí, lệ phí theo quy định bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Với quyết tâm đưa thanh toán không dùng tiền mặt trở thành thói quen trong đời sống hằng ngày, đến nay cơ bản các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm của tỉnh đã chấp nhận các hình thức thanh toán trực tuyến.
Tiêu biểu như: Công ty Điện lực Quảng Ninh hoàn thành cấp mã QR thanh toán tiền điện cho 100% hộ sử dụng điện; Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh cơ bản chuyển hoàn toàn sang thanh toán tiền nước trực tuyến; 100% bệnh viện, cơ sở y tế trong tỉnh đã chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt; cơ bản trường học trên địa bàn đã kết nối với các ngân hàng triển khai thu học phí bằng phương thức trực tuyến...; ngành Thuế hoàn thành xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cho phép người nộp thuế giao dịch và thanh toán điện tử; tăng cường hình thức nộp thuế qua hệ thống thuế điện tử eTax và eTax Mobile.
Trên địa bàn tỉnh, hạ tầng mạng lưới thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được đầu tư, phát triển mạnh, với nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, tiện ích, như: chuyển tiền nhanh 24/7, thanh toán di động, dùng tài khoản viễn thông thanh toán, sử dụng mã QR, ví điện tử... đã đáp ứng được nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong mua bán, trao đổi hàng hóa, sử dụng các dịch vụ...
Cùng với đó, là hàng chục tổ chức tín dụng triển khai thanh toán qua Internet, qua kênh điện thoại di động, hoặc cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động trên thị trường.
Ngoài ra, Quảng Ninh đã triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money đạt được một số kết quả tích cực, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Đến nay, khoảng 4 triệu tài khoản Mobile Money được mở; trong đó, hơn một nửa số tài mở ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.
Để đảm bảo hạ tầng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, các hạ tầng dùng chung như hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, hệ thống thông tin tín dụng quốc gia... thường xuyên được Ngân hàng Nhà nước tổ chức vận hành hệ thống đầu tư, nâng cấp, bổ sung tiện ích, dịch vụ theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng dịch vụ.