Quảng Nam: Kỳ vọng giải ngân hết gần 10 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công

Chất lượng vốn giải ngân không cao, nguồn vốn chưa thật sự đến công trình. Nếu để mất vốn do không giải ngân hết thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm. Do vậy, giải quyết nhanh gọn thủ tục hồ sơ còn vướng mắc, bổ sung mỏ vật liệu, tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng... đồng thời, phân bố hết vốn cho các địa phương là những giải pháp trọng tâm nhằm đẩy mạnh khả năng tiêu thụ vốn đầu tư công trong những tháng còn lại trong năm 2023 đang được tỉnh Quảng Nam quyết liệt thực hiện.

Chú thích ảnh
Một đoạn kè bảo vệ khu dân cư Bằng La, xã Trà Leng đã được xây dựng hoàn thiện. Ảnh tư liệu: TTXVN phát

Sau một thời gian thi công cầm chừng vì vướng mặt bằng, khan hiếm nguồn vật liệu xây dựng, giá vật tư tăng cao, đến nay, các công trình chống sạt lở thượng nguồn sông Trường, nhằm bảo vệ cho hơn ba trăm hộ đồng bào ở thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My, đường giao thông nhằm xóa thế cô lập dài ngày trong mùa mưa lũ cho các xã Trà Leng, Trà Dơn, huyện Nam Trà My đã tiến đến những hạng mục cuối cùng.

Đây là hai trong số những công trình tiêu biểu ở nơi thường xuyên bị sạt lở núi và lũ quét, thuộc các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My đã gần về đích sau những chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam để vừa bảo vệ an toàn cho đồng bào, vừa nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.

Ông Nguyễn Văn Tân, đơn vị thi công kè Sông Trường chia sẻ, bên cạnh khó khăn do thời tiết ở miền núi cao thường xuyên có mưa, nguồn vật liệu xây dựng khan hiếm, giá tăng cao và vướng mặt bằng là những khó khăn đối với đơn vị thi công.

Tuy vậy, với tính chất cấp bách ngay sau khi nhận mặt bằng, chúng tôi tập trung tối đa phương tiện, vật tư để thi công, đảm bảo công trình hoàn thiện trước mùa mưa lũ năm nay. Cũng theo ông Tân, nhờ được chủ đầu tư giải ngân theo từng hạng mục công trình đã hoàn thiện đã giúp cho đơn vị có điều kiện để thi công hoàn thành, đưa công trình vào sử dụng trước mùa mưa lũ năm nay.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang, năm 2023, nguồn vốn đầu tư công của tỉnh Quảng Nam lên đến gần 10 nghìn tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư mới gần 7.800 tỷ đồng, phần còn lại của năm 2022 chuyển sang. Tuy vậy, đến cuối tháng 7/2023, nguồn vốn được giải ngân mới chỉ đạt 26%.

Nguyên nhân khiến tốc độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Quảng Nam trong những tháng đầu năm 2023 chưa đạt thì có nhiều, song chủ yếu là do vướng mắc về các thủ tục, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, nguồn vốn chậm được phân bổ vốn về cho các địa phương, giá cả vật liệu tăng cao. Nhiều công trình có quy mô lớn song phải dừng thi công vì khan hiếm về cát xây dựng, đất đắp nền và có tình trạng bỏ thầu giảm giá sâu để trúng thầu, song không triển khai thi công hoàn thiện công trình.  

Là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân khá, ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, từ nay đến cuối năm, huyện Nam Trà My sẽ giải ngân ít nhất đạt 97% vốn được phân bổ.

Để đạt mục tiêu này, một tuần hoặc nửa tháng, lãnh đạo huyện mời các đơn vị thi công, các ngành chuyên môn để nghe báo cáo tiến độ, báo cáo cụ thể những khó khăn cần được tháo gỡ, để trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp nhằm đẩy mạnh giải ngân.

Đối với những công trình hoàn thành tập trung nghiệm thu, quyết toán; công trình nào đang thi công thì nghiệm thu từng phần để giải ngân. Ngành nào, bộ phận nào cố tình làm khó trong việc giải ngân thì phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo huyện.

“Trong những tháng cuối năm 2023, cùng với việc yêu cầu các đơn vị tập trung nhân lực, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, thi công đến đâu lập hồ sơ đề nghị thanh toán khối lượng đến đó và tiếp tục cho ứng vốn để triển khai thi công, chúng tôi đã đang và sẽ tiếp tục kiên quyết điều chỉnh vốn của một số dự án không có khả năng giải ngân sang các dự án tiêu thụ tốt nguồn vốn, kiên quyết không để xảy ra tình trạng phải trả lại vốn do tiêu thụ không hết”, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Duy Dũng cho biết thêm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang nhấn mạnh, những tháng cuối năm 2023, Quảng Nam yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương rà soát toàn bộ dự án, qua đó đánh giá cụ thể tiến độ triển khai thi công, giải quyết dứt điểm những tồn tại vướng mắc, nhất là vướng mắt về giải phóng mặt bằng, thiếu nguồn vật liệu đối với công trình trọng điểm.

“Cùng với việc bổ sung các mỏ vật liệu để đáp ứng nhu cầu xây dựng, Quảng Nam đã thành lập Tổ công tác do Thường trực Tỉnh ủy làm trưởng đoàn để đôn đốc, chỉ đạo các ngành, các địa phương đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đồng thời kiên quyết điều chuyển vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có nhu cầu bổ sung vốn và khả năng tiêu thụ cao. 

Mặt khác, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã yêu cầu thanh tra công tác giải ngân đầu tư công các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương trong 2 năm 2022 và 2023. Kết quả thanh tra sẽ làm cơ sở để xem xét, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân không hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công theo tiến độ đã đề ra. Với những giải pháp quyết liệt trên, hy vọng Quảng Nam  sẽ giải ngân tốt nguồn vốn đầu tư công trong năm 2023”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang kỳ vọng.

Đoàn Hữu Trung (TTXVN)
Giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng: Làm sao để dòng tiền thực sự hấp dẫn?
Giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng: Làm sao để dòng tiền thực sự hấp dẫn?

Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, sau 3 tháng triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ cho chủ đầu tư và người mua nhà ở các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, mới có khoảng 95 tỷ đồng được giải ngân và 950 tỷ đồng được cam kết cho vay. Tiến độ này dường như còn quá chậm so với kỳ vọng. Nguyên nhân chậm trễ được giới chuyên gia nhìn nhận là đến từ nhiều phía, từ thủ tục pháp lý, quy hoạch... và cũng từ chính gói tín dụng này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN