Có được kết quả này có được là nhờ những nỗ lực của người dân nơi đây, đặc biệt là vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị ở tỉnh Quảng Bình trong công tác xử lý môi trường biển, triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, kịp thời giúp người dân khôi phục sản xuất.
Cơ sở chế biến nước mắm Bà Vinh (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) mỗi năm thu mua trên 20 tấn nguyên liệu, bán ra thị trường gần 5.000 lít nước mắm cá cơm cùng nhiều loại khác như ruốc quết, mắm quầy… thơm ngon và đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: Võ Dung - TTXVN |
Ngay sau khi sự cố ô nhiễm môi trường biển xảy ra, bám sát chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Quảng Bình đã tổ chức nhiều cuộc họp, bàn nhiều giải pháp, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để giúp dân tập trung khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất và vươn lên trong cuộc sống. Trong đó, tỉnh công tác đẩy nhanh tiến độ chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại do sự cố môi trường biển gây ra.
Tỉnh đẩy mạnh chỉ đạo các địa phương trong việc huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia từ khâu thống kê thiệt hại, công khai kế hoạch, chính sách đền bù một cách minh bạch để người dân biết và kiểm tra. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, hướng dẫn, đối thoại với người dân về các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ trong việc xử lý hậu quả sự cố môi trường biển cũng được tỉnh triển khai bài bản, nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân.
Việc đánh giá thiệt hại do sự cố môi trường biển gây ra ở tỉnh Quảng Bình được tổ chức khoa học với sự tham gia đầy đủ của các cơ quan chức năng. Đối với các địa phương có tình hình phức tạp, tiến độ thực hiện chậm hoặc có nhiều vướng mắc,
Quảng Bình chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã thành lập tổ công tác do đồng chí lãnh đạo UBND huyện, thành phố, thị xã làm tổ trưởng về các thôn, xã để kịp thời chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn giải quyết những phát sinh, vướng mắc ngay tại cơ sở.
Ở những địa phương có ý kiến người dân thắc mắc hoặc có đơn thư khiếu nại về chế độ đền bù, hỗ trợ, tỉnh Quảng Bình quan tâm tiến hành thanh, kiểm tra để xử lý kịp thời, tránh tình trạng để chậm làm phát sinh tiêu cực hoặc thiệt thòi cho nhân dân. Đến nay, tỉnh Quảng Bình đã thực hiện giải ngân tiền đền bù, hỗ trợ cho người dân khắc phục hậu quả môi trường biển được gần 2.800 tỷ đồng, bằng 99,7% so với tổng số tiền đã phê duyệt.
Song song với việc thực hiện đền bù, hỗ trợ người dân khắc phục sự cố môi trường biển, thời gian qua, tỉnh Quảng Bình còn tập trung đẩy nhanh và mạnh các chính sách an sinh xã hội và khôi phục sản xuất cho người dân, đặc biệt nhất là những người dân ven biển, những người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố môi trường biển gây ra.
Tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ bảo hiểm y tế cho hơn 100.000 người dân của 7/7 huyện, thành phố, thị xã có đối tượng bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển. Căn cứ số tiền Bộ Tài chính tạm cấp tại Công văn số 17109/BTC-NSNN ngày 19/12/2017,UBND tỉnh Quảng Bình đã cấp tạm ứng cho Bảo hiểm xã hội tỉnh 30 tỷ đồng để chi trả việc hỗ trợ bảo hiểm này.
Tỉnh Quảng Bình cũng hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học sinh đại học; hỗ trợ đào tạo nghề, việc làm, hỗ trợ người đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ lãi suất xử lý nợ vay cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển với số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Công tác bồi thường, hỗ trợ và các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời đã tạo điều kiện cho người dân ở đây sớm vượt qua khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất vươn lên trong cuộc sống.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh thủy sản tại Quảng Bình đã trở lại bình thường. Ngư dân đã mạnh dạn đầu tư, cải hoán phương tiện để vươn khơi bám biển. Các chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản đã tu sửa, cải tạo ao hồ để thực hiện việc nuôi trồng.
Trong năm 2017, sản lượng khai thác thủy sản tại Quảng Bình đạt gần 60.000 tấn, đạt 112,2% so với kế hoạch và bằng 118,5% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 11.682,7 tấn, bằng 100,7% so với cùng kỳ. Những tháng đầu năm nay, sản lượng khai thác, nuôi trồng ở tỉnh cũng đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, hoạt động kinh doanh buôn bán thủy sản ở tỉnh Quảng Bình đã khởi sắc trở lại. Các chợ thủy sản đã nhộn nhịp trở lại.
Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn tại tỉnh Quảng Bình nhưng sự cố môi trường biển đã làm chậm nhịp độ phát triển, làm mất cơ hội bứt phá ngoạn mục của ngành nghề này trong một thời gian. Thời điểm xảy ra sự cố môi trường biển, du lịch biển ở Quảng Bình tụt xuống thang “điểm chết”.
Nhưng nhờ có nhiều giải pháp tích cực và đúng hướng, tỉnh Quảng Bình đã phục hồi lại nhịp độ phát triển. Năm 2017 vừa qua, lượng khách du lịch đến tỉnh ước đạt trên 3,3 triệu lượt, tăng trên 70% so với năm 2016 . Những tháng đầu năm 2018, du khách đến Quảng Bình tiếp tục tăng từ 15-20% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu sự trở lại bền vững của ngành nghề mũi nhọn “công nghiệp xanh không khói” của tỉnh Quảng Bình.
Ông Trần Xuân Cương, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Bình chia sẻ, thời điểm xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển, lượng du khách đến Quảng Bình sụt giảm nghiêm trọng; trong đó, du lịch biển hầu như vắng bóng du khách. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc quyết liệt, tích cực của cả hệ thống chính trị đã giúp mọi người có niềm tin trở lại.
Chưa bao giờ, tỉnh Quảng Bình đưa ra nhiều hoạt động kích cầu du lịch đến vậy. Cũng chưa bao giờ các giải pháp đẩy mạnh du lịch được đưa ra nhiều và đạt được kết quả tốt như thế. Đó là một trong những nguyên nhân để tỉnh Quảng Bình vực dậy được ngành du lịch-ngành kinh tế mũi nhọn.
Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Lê Văn Bảo cho biết: Lệ Thủy là một trong 7 huyện, thành phố chịu ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, trong đó, nặng nề nhất là cư dân 3 xã vùng biển Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung và Ngư Thủy Nam. Thời điểm xảy ra sự cố môi trường, hàng chục ngàn hộ dân gặp muôn vàn khó khăn trong cuộc sống.
Tuy nhiên, sự vào cuộc, giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời của Trung ương, của tỉnh và của chính quyền địa phương, người dân đã dần vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống. Ngoài môi trường đánh bắt hải sản truyền thống chủ yếu là vùng lộng, giờ đây, ngư dân vùng biển huyện Lệ Thủy đã mạnh dạn vươn khơi để khai thác, đánh bắt hải sản. Một số người dân đã mạnh dạn chuyển đổi ngành nghề sản xuất, tạo việc làm và bước đầu cho thu nhập khá như mô hình nuôi chim cút trên cát, nuôi cá lóc, trồng rau, chăn nuôi gà, vịt đàn…
Hiện nay, Quảng Bình đang đẩy mạnh việc giải quyết dứt điểm việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại do sự cố môi trường biển còn tồn đọng; tập trung giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ; tiếp tục thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, chính sách khôi phục sản xuất; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá; thực hiện dự án khôi phục hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản cho người dân. Tất cả những việc làm này nhằm giúp người dân ổn định đời sống và phát triển kinh tế bền vững- ông Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chia sẻ.