Đây là sự kiện quảng bá hình ảnh, đẩy mạnh xúc tiến thương mại sản phẩm na Chi Lăng nói riêng và các sản phẩm nông sản đặc sản của tỉnh Lạng Sơn nói chung.
Ông Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Trưởng Ban chỉ đạo ngày hội Na Chi Lăng năm 2018 cho biết, nhằm tăng hiệu quả kinh tế từ trồng na, chính quyền các địa phương vùng trồng na đã và đang thực hiện theo hướng sản xuất na an toàn. Vụ na năm nay, các địa phương tích cực hướng dẫn người trồng na thực hiện đúng các quy trình chăm sóc cây theo hướng VietGAP để nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra sản phẩm na sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngoài ra, để tăng giá trị và hiệu quả kinh tế cho na, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung đẩy mạnh quảng bá, cũng như xúc tiến thương mại để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm… Qua đó tiếp tục khẳng định vị thế là loại hoa quả đặc sản của Việt Nam, khẳng định thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam.
Trong khuôn khổ ngày hội diễn ra nhiều hoạt động như Hội nghị Kết nối tiêu thụ nông sản các tỉnh biên giới Việt Nam - Trung Quốc năm 2018 tại thành phố Lạng Sơn; Hội thảo “Hiệu quả trong xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu các sản phẩm, nông sản trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”; tham quan vùng sản xuất na an toàn tại huyện Chi Lăng, các mô hình vườn na mẫu theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm na Chi Lăng… Những hoạt động trên đã thu hút hàng chục nghìn lượt khách tham quan, mua sắm.
Huyện Chi Lăng và huyện Hữu Lũng là hai địa phương có diện tích na nhiều nhất tỉnh Lạng Sơn với gần 3.000 hécta. Trong đó huyện Chi Lăng là gần 1.600 ha, sản lượng hằng năm đạt từ 15.000 tấn trở lên; huyện Hữu Lũng trên 1.300 ha, ước tính sản lượng đạt trên 13.000 tấn. Theo dự ước của ngành nông nghiệp tỉnh Lạng Sơn, niên vụ na năm 2018, sản lượng có thể đạt từ 30 - 32 nghìn tấn, giá trị thu được ước gần 1.000 tỷ đồng, tăng từ 150 đến 200 tỷ đồng so với năm 2017.