Do vậy, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và các đơn vị liên quan đang triển khai các giải pháp đưa các mỏ vào hoạt động.
Tại công trường thi công đoạn Km24+00 đến Km48+52 (dự án cao tốc Bắc - Nam xã thuộc xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa) đang được nhà thầu là Công ty cổ phần Xây dựng Trung Nam 18 E&C thi công. Tuy nhiên, việc xử lý một số đoạn tuyến có nền đất yếu gặp khó khăn do nhà thầu thi công không có nguồn vật liệu cát để đắp gia tải và phải chờ một mỏ cát tại địa phương đưa vào hoạt động.
Ông Lê Minh Phương, Giám đốc Ban điều hành gói thầu XL02, Công ty cổ phần Xây dựng Trung Nam 18 E&C cho biết, hiện tại các đơn vị thi công của công ty tại dự án cao tốc Bắc - Nam đang gặp khó khăn khi các mỏ đất, cát tại địa phương chưa được cấp phép hoạt động. Việc xử lý nền đất yếu và đắp nền đường đều thiếu đất để thực hiện. Nhà thầu phải tận dụng đất ở một số vị trí trên tuyến để đắp đường công vụ và những vị trí đường găng. Còn về thi công những hạng mục của dự án như: cầu Đà Rằng, cầu Bàn Thạch, cầu nút giao Hòa Tâm… nhà thầu đang phải mua cát trên thị trường để thi công đảm bảo tiến độ.
Thiếu nguồn vật liệu thông thường để thi công các hạng mục công trình cũng là khó khăn chung của các nhà thầu thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Phú Yên hiện nay. Nguyên nhân chính là do địa phương chậm cấp phép đưa vào hoạt động các mỏ khoáng sản để phục vụ dự án này.
Theo ông Hồ Xuân Thắng, Giám đốc Ban điều hành dự án cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong (Ban Quản lý dự án 7), đoạn cao tốc do đơn vị thi công cần khoảng 1,7 triệu m3 cát và khoảng 5,5 triệu m3 đất. Sau 5 tháng triển khai việc cấp phép hoạt động các mỏ khoảng sản để phục vụ cho dự án cao tốc Bắc - Nam, đến nay, trên tuyến này có 7 mỏ (gồm 3 mỏ cát và 4 mỏ đất) được lập hồ sơ trình phê duyệt. Nhìn chung trữ lượng của các mỏ đáp ứng được nhu cầu vật liệu để thi công. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chỉ có 1 mỏ được đưa vào hoạt động khai thác. Các mỏ các lại còn đang thực hiện các thủ tục cấp phép.
Việc lập và phê duyệt hồ sơ cấp mỏ còn chậm, một số doanh nghiệp làm sai hồ sơ phải sửa chữa nhiều lần. Bên cạnh đó, do một số mỏ khoảng sản thuộc diện tích đất rừng nên phải thực hiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất khoáng sản. Một số mỏ chưa được địa phương phê duyệt quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cũng ảnh hưởng đến việc hoàn thành thủ tục cấp phép. Ngoài ra, tỉnh Phú Yên cũng đang gặp vướng mắc về thủ tục thu hồi đất của người dân để doanh nghiệp khai thác khoáng sản thuê đất.
Trước những khó khăn về nguồn vật liệu thông thường để thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam, Ban điều hành dự án cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong đã chỉ đạo cho các nhà thầu thi công tập trung thực hiện các hạng mục dự án sử dụng vật liệu bê tông, cốt thép. Về việc xử lý nền đất yếu, hiện nay nhà thầu tập trung sử dụng nguồn vật liệu từ một mỏ đã được cấp phép hoạt động, qua đó đẩy nhanh tiến độ thi công trước mùa mưa năm nay.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Phú Yên, tổng nhu cầu vật liệu của dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Phú Yên khoảng 11,6 triệu m3 đất, cát và đá. UBND tỉnh đã cung cấp thông tin 29 mỏ khoáng sản trong quy hoạch để các nhà thầu khảo sát, lập hồ sơ cấp mỏ làm vật liệu thông thường. Đến nay, trong 8 hồ sơ đăng ký, tỉnh đã phê duyệt cấp phép hoạt động cho 3 mỏ khoáng sản; trong đó có 1 mỏ đã được đưa vào khai thác phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam.
Ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, UBND tỉnh đang chỉ đạo tất cả các cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt là Sở Tài nguyên và Môi trường cùng với các ngành tập trung, tích cực, dành nhiều thời gian để thực hiện việc cấp phép và đưa vào hoạt động các mỏ khoáng sản trên địa bàn phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn. Trước mắt, phải ưu tiên các mỏ cát để phục vụ cho việc xử lý các đoạn tuyến có nền đất yếu. Tinh thần chung của tỉnh là thực hiện đẩy đủ các quy trình, thủ tục cần thiết với phương pháp làm trong thời gian sớm nhất.
Ngoài ra, UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo cho các địa phương có dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua thành lập các tổ công tác phối hợp cùng các nhà thầu thực hiện việc thỏa thuận với người dân về giá đất bồi thường, tạo điều kiện cho các mỏ khoáng sản đi vào hoạt động. Đồng thời, thực hiện việc kiểm soát giá bán vật liệu xây dựng, giải quyết dứt điểm một số tồn tại về giải phóng mặt bằng, tái định cư và đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.