Tập đoàn cũng đã thông qua phương án phát hành trái phiếu 10.000 tỷ đồng, nhằm tăng quy mô vốn hoạt động của Masan và công ty con để thực hiện các dự án đầu tư, mở rộng kinh doanh, thanh toán các khoản nợ...
Tiềm năng tăng trưởng bán lẻ
Thực tế, miếng bánh từ thị trường bán lẻ là khá hấp dẫn khiến các tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới không thể bỏ qua. Ông Bod Hayward, chuyên gia của KPMG cho biết, thời gian qua đã có nhiều nhà bán lẻ lớn thâm nhập vào thị trường bán lẻ tại Việt Nam, nhưng vẫn còn rất nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài khi nhìn vào mật độ cửa hàng/dân số còn thấp và điều kiện phát triển ngành bán lẻ. Trong số này, có thể kể đến các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài đến từ Thái Lan, Hàn Quốc… hay các nhà bán lẻ Trung Quốc sẽ không thể bỏ qua thị trường Việt Nam.
Theo một báo cáo nghiên cứu của Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng, trong 9 tháng năm 2019, doanh thu ngành bán lẻ của Việt Nam tăng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trưởng doanh thu của ngành hàng tiêu dùng tại 4 thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng, thành phố Đà Nẵng đạt 5,5%, trong khi ở nông thôn có mức tăng trưởng cao hơn, khoảng 8,8% - đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 4 năm qua.
Dự kiến trong năm 2020, doanh số thị trường bán lẻ hàng hóa sẽ đạt 179 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng hằng năm duy trì ở mức 2 chữ số. Tốc độ tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh ( FMCG) tại Việt Nam đến năm 2022 sẽ là 8% mỗi năm, ngang bằng với mức tăng trưởng của các quốc gia phát triển.
Dự đoán trong tương lai, kênh bán lẻ hiện đại sẽ “soán ngôi” kênh bán lẻ truyền thống. Cụ thể đến năm 2020, tỷ trọng bán lẻ hàng hóa theo các loại hình phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị…) đạt tối thiểu 45%; năm 2025 là 50% và năm 2030 tăng lên 60%.
Báo cáo của Nielsen Việt Nam nhận định rằng, người mua hàng Việt Nam ngày nay đã dần ít đi vào chợ truyền thống, thay vào đó họ đến các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng bán các sản phẩm chăm sóc cá nhân, cửa hàng thuốc tây hiện đại và cửa hàng tạp hóa thường xuyên hơn.
Bên cạnh đó, dữ liệu từ Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IGD) tại Việt Nam cho thấy, tốc độ tăng trưởng kép cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini của Việt Nam trong giai đoạn 2017 - 2021 cao nhất khu vực Đông Nam Á, khoảng 37,4%.
Chính vì thị trường bán lẻ là “miếng bánh ngon” nên sự cạnh tranh trong lĩnh vực này là rất khốc liệt. Đặc biệt, có sự mạnh tay đầu tư của các thương hiệu bán lẻ lớn từ nước ngoài.
Báo cáo của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho thấy, hiện trên địa bàn thành phố có 207 siêu thị; trong đó có 116 siêu thị trong nước, chiếm 56% và 91 siêu thị có yếu tố nước ngoài, chiếm 44%; 43 trung tâm thương mại; trong đó có 29 trung tâm thương mại trong nước, chiếm 66,67% và 14 trung tâm thương mại có yếu tố nước ngoài, chiếm 33,33%.
Hệ thống phân phối hiện đại của TP Hồ Chí Minh còn có gần 2.280 cửa hàng tiện lợi, gồm: chuỗi cửa hàng tiện lợi trong nước và chuỗi cửa hàng tiện lợi có yếu tố nước ngoài. Các doanh nghiệp nội địa vẫn đang chiếm ưu thế về điểm bán đối với loại hình siêu thị và cửa hàng tiện lợi với tỷ trọng lần lượt là 79% và khoảng 70%. Ngược lại, các doanh nghiệp nước ngoài vẫn đang chiếm tỷ trọng cao tại loại hình trung tâm thương mại với 53,66%.
Thực tế, bên cạnh rất nhiều doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tham gia ngành bán lẻ từ rất sớm thì ngày càng có những thương hiệu bán lẻ toàn cầu tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam như: Mega Market (tên gọi cũ là Metro), B’smart, Big C, Robinson với chuỗi siêu thị thuộc doanh nghiệp Thái Lan, chưa kể Central Group cũng nắm 49% cổ phần hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim…
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư Nhật Bản cũng đã từng bước thâm nhập thị trường Việt Nam, với hệ thống đại siêu thị Aeon Mall, trung tâm thương mại Saigon Centre, hệ thống cửa hàng tiện ích như Family Mart, mới nhất là hệ thống 7-Eleven; Hàn Quốc gắn liền với tên tuổi của LOTTE Mart, Emart và mới đây là SG25…
Vấn đề sống còn
Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam nhận định, các sản phẩm của Masan đều phải qua kênh bán lẻ vì thế việc tập đoàn này sáp nhập Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp VinCommerce và Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco vào Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan có thể giúp Tập đoàn Masan chủ động được kênh phân phối, qua đó mở rộng thêm việc sản xuất các mặt hàng tiêu dùng.
Thực tế cho thấy, đối với lĩnh vực hàng tiêu dùng thì kênh phân phối bán lẻ là rất quan trọng, có thể quyết định việc doanh nghiệp sản xuất ra có bán được hàng hay không. Việc nắm quyền chi phối hệ thống phân phối là bước đi để có thể đảm bảo cho đế chế hàng tiêu dùng của Masan tồn tại một cách dài hạn, ông Ngọc nhìn nhận.
Câu chuyện cách đây không lâu khi các tập đoàn của Thái Lan là TTC Hodings và Central Group mua lại chuỗi Metro và BigC, thâu tóm hệ thống phân phối thì rất nhiều doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam đối mặt với việc có hàng hóa nhưng không thể đẩy vào các kênh phân phối. Việc này làm doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam suy giảm doanh số, thậm chí là mất thị phần.
“Đây rõ ràng là một hồi chuông cảnh báo và Masan phải bắt buộc đầu tư vào hệ thống kênh phân phối để đảm bảo cho sự tồn tại lâu dài của đế chế hàng tiêu dùng. Đây cũng là một trong những lý do mà ngành bán lẻ đang cạnh tranh khốc liệt nhưng Masan vẫn phải đầu tư vào vì là vấn đề sống còn”, ông Ngọc nói.
Theo vị chuyên gia này, khi Masan sở hữu kênh phân phối rồi thì dần dần Tập đoàn này sẽ mở rộng để sản xuất hàng tiêu dùng và phân phối trong hệ thống của họ. Việc này giúp Masan có lợi thế lớn, giống như “cá gặp nước”. Việc Masan tự sản xuất sản phẩm và đưa vào kênh phân phối do mình kiểm soát sẽ giúp chi phí để bán hàng giảm đi rất nhiều, chi phí sản xuất được tối ưu, khi đó thì biên lợi nhuận rất cao.
“Đây là lý do mà Masan liên tục mở rộng thâu tóm các công ty sản xuất hàng tiêu dùng. Đơn cử như thời gian vừa rồi Masan đã mở rộng mảng thịt và giờ đây là mảng bột giặt, sắp tới thì có thể sẽ có thêm rất nhiều các mặt hàng tiêu dùng khác", ông Đỗ Bảo Ngọc nhìn nhận.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, việc vận hành chuỗi không phải là vấn đề đơn giản. Bán lẻ hay hàng tiêu dùng về bản chất là đầu tư rất lớn cho mạng lưới, cho hệ thống phân phối và cho quá trình vận tải và hậu cần (logistics) hàng hóa. Theo ông Ngọc, việc vận hành có lãi cho hệ thống như vậy là một thách thức với Masan.
Trước khi Masan thực hiện hàng loạt các thương vụ, báo cáo kết quả kinh doanh của Tập đoàn này cho thấy, mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của Masan khá ổn định qua các năm. Mức doanh thu bình quân giai đoạn 2015 - 2018 đạt mức 38.696 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng năm 2019, Masan đạt 27.423 tỷ đồng doanh thu, không thay đổi nhiều so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 4.110 tỷ đồng, tăng 9%.
Rõ ràng, cơ hội từ mảng bán lẻ là rất lớn, nhưng cũng đầy rủi ro. Đối với Tập đoàn Masan, ngoài việc tìm kiếm lợi nhuận từ ngành bán lẻ thì Tập đoàn này đã bước vào “cuộc chơi” lớn để có thể duy trì đế chế sản xuất hàng tiêu dùng của họ trong lâu dài.
Trên thị trường chứng khoán, sau những biến động lớn từ việc mua bán, sáp nhập, tăng vốn, cổ phiếu MSN của Masan đã có biến động mạnh. Cổ phiếu MSN đã giảm từ mức giá 78.600 đồng (phiên giao dịch đầu năm 2/1) xuống 56.500 đồng/cổ phiếu (kết phiên ngày 31/12). Như vậy, trong năm 2019, cổ phiếu này đã giảm giá 28,1%. MSN cũng đang giao dịch với mức P/E là 12,54 lần.