Phát triển trái cây thành ngành hàng chiến lược - Bài cuối: Áp dụng nhiều giải pháp

Càng vươn ra thị trường thế giới, hợp tác thương mại với nhiều quốc gia khác, ngành sản xuất và xuất khẩu trái cây Việt càng đòi hỏi một chiến lược phát triển bền vững, một quy chuẩn chất lượng để vừa có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới, vừa giữ vững vị trí tại thị trường nội địa. 

Phát triển thành ngành hàng chiến lược

Chú thích ảnh
Dây chuyền chế biến trái cây xuất khẩu của Công ty Cổ phần Nafoods miền Nam. Ảnh: Danh Lam / TTXVN

Trong định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trái cây được coi là một trong 9 ngành hàng chủ lực, bên cạnh các ngành hàng thủy sản, lúa gạo, hạt điều, chế biến và xuất khẩu gỗ, đồ gỗ, cà phê, cao su, tiêu. Theo đó, ngành hàng trái cây là một trong 3 thế mạnh của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cũng là xu hướng chuyển đổi diện tích sản xuất của khu vực này.

Theo thống kê của Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giai đoạn từ 2015 đến tháng 8/2019, diện tích cây ăn trái của khu vực phía Nam đạt khoảng 600.000 ha. Tổng sản lượng 6,6 triệu tấn, chiếm 67% sản lượng trái cây của cả nước; trong đó, có 14 loại cây ăn trái có diện tích trồng hơn 10.000 ha như: xoài, chuối, thanh long, sầu riêng, cam, bưởi, nhãn, dứa, chôm chôm, mít, bơ, mãng cầu…

Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích sản xuất cây ăn trái đạt 350.000 ha. Theo kế hoạch, diện tích cây ăn trái của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 sẽ tăng thêm 330.000 ha, đạt 680.000 ha. Để có thể phát triển diện tích sản xuất này, Cục Trồng trọt cũng đã có kế hoạch phối hợp với ngành nông nghiệp các địa phương, Trung tâm khuyến nông các tỉnh thúc đẩy cải tạo các vườn tạp trái cây, dừa, đa dạng hóa hệ thống canh tác cây ăn trái, kết hợp trồng xen các loại cây ăn trái khác dưới tán như xoài xen xây cảnh, dừa xen ca cao…

Là địa phương điển hình trong phát triển ngành hàng trái cây, tỉnh Đồng Tháp  đã có những giải pháp cụ thể trong việc thúc đẩy ngành hàng này. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tại Đồng Tháp, chuỗi giá trị các ngành hàng chủ lực như trái cây đã được hình thành và phát huy hiệu quả.

Cụ thể, năm 2018, giá trị sản xuất ngành hàng xoài Đồng Tháp ước đạt 1.630 tỷ đồng, tăng 65 tỷ đồng so với năm 2017. Đồng Tháp đã thực hiện liên kết tiêu thụ trong nước được 1.559 tấn xoài, xuất khẩu 74 tấn. Ngoài ra, tỉnh Đồng Tháp còn xây dựng thương hiệu và thúc đẩy phát triển trái quýt hồng Lai Vung, nhãn Ido Châu Thành…

Để xúc tiến quá trình này, tỉnh Đồng Tháp cũng đã tạo điều kiện cho các nhóm nông dân sản xuất cùng ngành hình thành nên các hội quán. Đây là tiền đề hình thành nên các hợp tác xã, tạo nền tảng cho mối liên kết chuỗi giá trị sau này. 

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để có thể chủ động thích ứng với những thay đổi của thị trường và điều kiện tự nhiên, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy hoạch dựa trên các biến động về nguồn nước, tính thích nghi về đất đai, phát triển bền vững thành 3 vùng. Đó là, vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển, xoay trục chiến lược của ngành nông nghiệp thành thủy sản, trái cây và cuối cùng là lúa gạo.

Đẩy mạnh liên kết chuỗi

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, nông dân  Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất cây ăn trái nhỏ lẻ, phân tán, gây khó khăn trong việc cơ giới hóa. Đồng thời, trái cây phục vụ cho chế biến, xuất khẩu, đặc biệt là sản phẩm xuất khẩu sang thị trường khó tính như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản phải đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng do thị trường đặt ra như GlobalGAP,… Nhưng, diện tích sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế lại khiếm tốn, khoảng 10% diện tích của toàn vùng.

Hơn nữa, tiêu chí sản xuất khắt khe, nhưng kênh kết nối giữa các đơn vị sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn Global GAP với doanh nghiệp chế biến các sản phẩm đạt tiêu chuẩn này lại lỏng lẻo, chưa gặp nhau để có thể thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ. Số còn lại chạy theo số lượng, sản xuất dễ dãi nên khó thực hiện liên kết để cung ứng cho chế biến và xuất khẩu.  

Do đó, ông Đặng Phúc Nguyên nhấn mạnh, ngành trái cây muốn trở thành một ngành hàng chủ lực thì các kênh phải gặp được nhau mới phát huy thế mạnh của từng bên. Trái cây chất lượng phát huy được giá trị, sản phẩm chất lượng tìm được doanh nghiệp phù hợp để thẳng bước ra thị trường, thay vì những hàng hóa chất lượng và doanh nghiệp đang cần lại “đi trên hai đường thẳng song song” như hiện nay. 

Thêm vào đó, hiện nay cả nước có 150 nhà máy chế biến trái cây; trong đó, có 18 nhà máy chế biến sâu. Tuy nhiên, số lượng nhà máy có công suất lớn lại không nhiều. Dù vậy, sản lượng trái cây của toàn vùng đồng Đằng sông Cửu Long cũng chưa đáp ứng được hết công suất hoạt động của các nhà máy này.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện chỉ có 30% sản lượng trái cây được đưa vào chế biến, xuất khẩu, số còn lại chủ yếu xuất khẩu tươi và tiêu thụ trong nước. Khi được tiêu thụ tươi, thời gian bảo quản trái cây ngắn, làm tỷ lệ hao hụt cao và giảm giá trị mặt hàng. 

Theo ông Nguyễn Như Hiến, Trưởng Phòng cây lâu năm, Văn phòng Cục trồng trọt phía Nam, ngành sản xuất và chế biến trái cây phải tổ chức lại sản xuất và liên kết, các doanh nghiệp cũng cần đổi mới công nghệ chế biến. Như vậy, mới phát huy hết hiệu quả của từng khâu như sản xuất giống, sản xuất trái cây tươi, chế biến và tiêu thụ. Đó là chưa kể đến khâu xây dựng thương hiệu cho từng khâu và mở rộng thị trường cho các sản phẩm của ngành trái cây. Ngành nông nghiệp cũng đặt mục tiêu cho trái cây Việt Nam đến năm 2030 là tổ chức lại sản xuất 100% diện tích trái cây thành những vùng nguyên liệu tập trung, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn các quốc gia khó tính yêu cầu, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Đồng thời, bộ phận xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường trong nước có sự phối hợp chặt chẽ với tham tán thương mại các nước để tìm hiểu lịch thời vụ tại các nước sở tại. Từ đó, người sản xuất trong nước có thêm thông tin để điều chỉnh thời vụ sản xuất bằng giải pháp rải vụ, tránh sản xuất trùng lịch thời vụ của các nước, gây ra tình trạng thừa hàng, khó tiêu thụ, khó xuất khẩu. 

Khi những mắt xích trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ trái cây được thực hiện tốt từng khâu, mối liên kết chuỗi hình thành và phát triển chặt chẽ, ngành hàng trái cây Việt Nam mới đi vào sản xuất và tiêu thụ ổn định, người sản xuất cũng có động lực đưa ngành trái cây đi lên.

Hồng Nhung – Thanh Trà (TTXVN)
Phát triển trái cây thành ngành hàng chiến lược - Bài 2: Xây dựng vùng nguyên liệu vững chắc
Phát triển trái cây thành ngành hàng chiến lược - Bài 2: Xây dựng vùng nguyên liệu vững chắc

Khi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và ngành chế biến, xuất khẩu trái cây nói riêng sẽ gặp thế cạnh tranh lớn từ các quốc gia khác trên thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN