Hội thảo này là hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy đầu tư của tư nhân vào nông nghiệp carbon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam”. Dự án được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc thực hiện tại hai tỉnh Bình Thuận và Bạc Liêu từ năm 2021 nhằm thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân vào quá trình thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam.
Hội thảo nhằm chia sẻ định hướng về phát triển tôm ở Việt Nam, các giải pháp thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu thụ cho chuỗi tôm xanh, ít phát thải và tạo cơ hội thúc đẩy liên kết giữa người sản xuất - hợp tác xã - doanh nghiệp, cơ sở chế biến - cơ quan quản lý theo hướng phát thải carbon thấp, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Việt Nam tham gia vào các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, như Cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; Giảm phát thải khí mê-tan 30% so với 2020; Tuyên bố Glasgrow về rừng và sử dụng đất nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng mất rừng vào năm 2030, đã tạo ra sự chuyển biến lớn về cách tiếp cận phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững hơn. Tại Phiên họp lần thứ tư Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ "phát triển xanh chuyển đổi năng lượng và giảm phát thải là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược".
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, hiện nay, Bộ đang làm thủ tục tham gia “Tuyên bố Emirates về Nông nghiệp bền vững, hệ thống lương thực thực phẩm có khả năng chống chịu và hành động vì khí hậu”, dự kiến sẽ thông qua tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) vào tháng 12/2023. Việc chuyển đổi hệ thống lương thực của Việt Nam theo hướng xanh, carbon thấp, bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu, tích hợp đa giá trị với hệ thống quản trị hiện đại, minh bạch gắn với quá trình chuyển đổi số và liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong các chuỗi giá trị là một tất yếu, góp phần vào thực hiện các chiến lược, kế hoạch hành động quốc gia và các cam kết quốc tế của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, các chính sách của tỉnh về nuôi trồng thủy sản hướng tới giảm phát thải khí nhà kính và phát triển năng lượng tái tạo bao gồm nhiều chính sách liên quan đến lĩnh vực về ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển sản xuất theo hướng giảm phát thải; cơ chế chính sách hỗ trợ khuyến khích ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính; phát triển năng lượng tái tạo và các chính sách liên quan đến bảo vệ môi trường, tài chính trong chuỗi giá trị tôm. Nuôi tôm thời gian tới phải hướng đến hiệu quả bền vững cả về kinh tế và môi trường.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã trình bày kết quả ban đầu về xây dựng và triển khai phần mềm quản lý chuỗi tôm của Dự án "Thúc đẩy đầu tư của tư nhân vào nông nghiệp carbon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam" cho ngành hàng tôm tại Bạc Liêu; thực trạng nuôi trồng thủy sản và định hướng phát triển tôm ở Việt Nam; định hướng thị trường xuất khẩu và tiêu thụ trong nước cho sản phẩm tôm; phát triển chuỗi sản xuất tôm xanh: Dấu vết carbon và giải pháp giảm phát thải.
Theo ông Patrick Haveman, Phó Đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng để tái cấu trúc lại các chuỗi sản xuất cung ứng tôm tự nhiên với giá trị cao. Hiện nay, ở Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang và Bến Tre, nhiều cơ sở kinh doanh và hợp tác xã quy mô nhỏ và vừa có vùng nuôi tôm dựa vào tự nhiên. Nhiều nơi đã có các dòng sản phẩm tôm rừng, tôm lúa, tôm sạch nhưng chưa được tập trung quản lý và chứng nhận đúng với giá trị chất lượng tương xứng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có cơ chế khuyến khích các cơ sở và trang trại nhỏ và vừa này tăng cường liên kết hợp tác để tạo ra một dòng sản phẩm tôm hữu cơ, tôm sinh thái có thương hiệu đặc thù của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Song song với đó, chính quyền địa phương cần tạo điều kiện để giúp các cơ sở sản xuất này có truy xuất nguồn gốc và dấu chân carbon cho các dòng tôm sinh thái này. Từ đó, góp phần mở rộng và ổn định nguồn cung ứng tôm chất lượng cao, đáp ứng cho các chuối cung ứng tiêu dùng cao cấp trong nước hoặc xuất khẩu đi các thị trường quốc tế.
Trình bày mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh tuần hoàn dinh dưỡng không xả thải, ông Nguyễn Nhứt, Trưởng Phòng Sinh học Thực nghiệm, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 bày tỏ quan điểm, việc áp dụng các phương pháp nuôi trồng bền vững không chỉ giúp tăng cường hiệu quả kinh tế mà còn giữ gìn môi trường sống cho các loài sinh vật khác trong hệ sinh thái nước.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của quản lý và giảm phát thải liên quan đến bảo vệ môi trường; đề xuất các giải pháp và công nghệ giúp giảm phát thải trong ngành nuôi tôm và chế biến xuất khẩu; chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển mô hình nuôi tôm bền vững, hướng tới sản xuất sạch và thân thiện với môi trường; ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm giảm phát thải trong nuôi và chế biến tôm và thúc đẩy chuỗi giá trị tôm - lúa theo hướng chứng nhận quốc tế, hữu cơ...
Theo Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam, mục tiêu đến năm 2025, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 750.000 ha; tổng sản lượng tôm nuôi đạt trên 1 triệu tấn; tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm tôm đạt 10 tỉ USD. Thực tế năm 2022, diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 737.000 ha; sản lượng: 745.000 tấn nhưng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 4,3 tỉ USD...