Ngành xuất khẩu chủ lực
Ngày 29/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 (theo Quyết định số 1643/QĐ-TTg).
Theo đó, da giày được xác định là một trong các ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước; có sản phẩm chất lượng, cạnh tranh trên thị trường thế giới, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước; giữ vững vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia sản xuất và xuất khẩu sản phẩm da giày hàng đầu thế giới.
Mục tiêu đến năm 2030, tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép, túi xách đạt 38 - 40 tỷ USD. Đến năm 2035, ngành sẽ phát triển hiệu quả và bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước; tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển được một số thương hiệu tầm khu vực và thế giới.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cao cấp, với chiến lược tổng thể nói trên, Việt Nam cho thấy sẽ cương quyết giữ ngành da giày là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực hàng đầu thế giới. Việt Nam sẽ làm mọi cách để giữ được sự cạnh tranh của ngành mình. Đây chính là cam kết của Chính phủ Việt Nam. Chính phủ Việt Nam sẽ từng từng bước xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện có hiệu quả chiến lược này. Các doanh nghiệp chính sẽ đóng góp cho việc hoàn thành chiến lược đó.
Theo ông Diệp Thành Kiệt - Phó Chủ tịch LEFASO, cùng với Chiến lược phát triển tổng thể ngành, các doanh nghiệp da giày, các nhà đầu tư cần quan tâm đến Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 9/1/2023 của Quốc hội.
Nghị quyết này chia cả nước thành 6 vùng kinh tế - xã hội, nhưng trong đó, 4 vùng được xem là có lợi thế tốt cho ngành thời trang là vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố; vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh, thành phố; vùng Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh, thành phố và vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố.
Hiện khoảng 65% năng lực sản xuất giày dép Việt Nam đang tập trung tại vùng Đông Nam Bộ; 16% tại vùng Đồng bằng sông Hồng; 15% tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long; 3% ở vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; 1% ở vùng Miền núi phía Bắc; trong đó, vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang có xu hướng giảm năng lực sản xuất. Các vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang có chiều hướng tăng lên.
Do vậy, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nếu muốn mở rộng sản xuất, nên quan tâm đến các xu hướng này, nếu không sẽ không dễ kiếm được lao động.
Theo ông Diệp Thành Kiệt, trên cơ sở phân tích và dự báo tình hình, LEFASO đã xây dựng kịch bản xuất khẩu cho năm 2023. Theo đó, nếu tình hình hình chuyển biến tốt, sản xuất phục hồi từ quý III, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt 25,8 tỷ USD, giảm 7,5% so với năm ngoái. Với kịch bản trung bình, đến quý IV/2023 sản xuất mới được phục hồi, kim ngạch xuất khẩu năm nay dự kiến đạt 25 tỷ USD, giảm 10,5% so với năm 2022. Kịch bản xấu, đến quý IV năm nay, sản xuất vẫn chưa phục hồi, kim ngạch xuất khẩu dự kiến chỉ đạt 24,4 tỷ USD, giảm 14,5% so với năm 2022.
Tuân theo quy định
Phó Chủ tịch LEFASO Kiệt, ông Diệp Thành Kiệt cho biết, trong lĩnh vực thời trang, các thị trường lớn và các thương hiệu lớn là người dẫn dắt cuộc chơi. Do vậy, để có thể thực hiện được các mục tiêu của chiến lược tổng thể, giữ vững được vị trí xuất khẩu cao, các doanh nghiệp da giày Việt Nam buộc phải tuân theo các quy định của cuộc chơi.
Theo đó, các doanh nghiệp cần tập trung vào các tiêu chuẩn của yêu cầu phát triển bền vững. Các FTAs sẽ không có ý nghĩa nếu các doanh nghiệp không đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững của thị trường. Việt Nam có thể xuất khẩu cao vào châu Âu nhờ Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA), nhưng khi cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU (CBAM) có hiệu lực, nếu không thỏa mãn tiêu chí của CBAM, dù có EVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam cũng không thể xuất khẩu vào châu Âu.
Đồng thời, doanh nghiệp phải phát triển được năng lực tự thiết kế; giá thành sản xuất phải có chi phí thấp nhất. Về phía nhà nước cần ban hành sớm các chính sách khuyến khích nội địa hóa nguyên liệu, khuyến khích thực hiện các yêu cầu về phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) trong buổi công bố chương trình xét chọn và trao danh hiệu Doanh nghiệp xanh năm 2023 khẳng định, một số doanh nghiệp sau khi tuân thủ quy trình sản xuất xanh đang gặt hái thành công khi quá tải đơn hàng. Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là hướng đi bắt buộc và sống còn không chỉ riêng doanh nghiệp mà cho cả nền kinh tế của quốc gia.
Thông điệp từ chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2023 sáng 31/5 vừa qua cũng đã nhấn mạnh, phát triển bền vững không phải là chi phí, là gánh nặng, mà chính là đầu tư và cơ hội cho doanh nghiệp.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, Chính phủ Việt Nam hiện rất cầu thị trong việc lắng nghe và ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để các chính sách có thể đáp ứng đúng yêu cầu thực tiễn, các doanh nghiệp cần phát huy vai trò của các hiệp hội đại diện của mình để truyền tải kiến nghị lên Trung ương, Chính phủ một cách cụ thể, rõ ràng và đầy đủ nhất. Khi đó, các chính sách ban hành mới có thể tháo gỡ được điểm nghẽn, điểm khó khăn của các doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu phát triển.
Liên quan đến sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước, TS. Nguyễn Minh Phong cho hay, theo lộ trình, sàn sẽ vận hành thí điểm từ năm 2025 và vận hành chính thức trong năm 2028 để phù hợp với các cam kết quốc tế. Các doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực hoàn toàn có đủ thời gian tìm hiểu và chuẩn bị để tham gia thị trường này. Thị trường này được hứa hẹn sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp hướng đến sản xuất xanh, phát thải thấp. Doanh nghiệp có tiềm năng giảm phát thải lớn với chi phí thấp có thể lập tức đầu tư chuyển đổi công nghệ giảm phát thải, từ đó có thể tăng thêm nguồn thu từ việc bán hạn ngạch dư thừa.
Ông Maxime Rogeon - Trưởng Bộ phận Da giày của công ty Decathlon Việt Nam cho rằng, mặc dù Việt Nam hiện hiện đang có nhiều lợi thế như: Hầu như tất cả các nhà sản xuất lớn của thế giới đều có cơ sở sản xuất tại Việt Nam; thị trường lớn nhờ các FTA; tự chủ được khoảng 50% nguyên liệu.
Tuy nhiên, với nhiều đối thủ cạnh tranh như Indonesia, hiện đang có mức thuế nhập khẩu vào Mỹ tốt hơn Việt Nam, Việt Nam cần phải có những giải pháp về logistics xanh, giải pháp về nguồn cung ứng và vận chuyển nhanh hơn nữa.
Ngành da giày Việt Nam cần phải có cuộc Cách mạng lần thứ tư thật sự; cần có chính sách khuyến khích ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất. Việt Nam cũng cần cơ cấu lại ngành sản xuất giày dép. Hiện có nhiều quy trình sản xuất, mô hình kinh doanh bền vững giúp tiết kiệm nhiều hơn mà Việt Nam có thể áp dụng. Việt Nam cũng cần sáng tạo các mô hình kinh doanh mới.
Tư vấn ở góc độ chuyển đổi số, TS. Lê Hùng Cường - Giám đốc kỹ thuật số công ty FPT Digital, trực thuộc Tập đoàn FPT khuyến nghị, các doanh nghiệp da giày cần tính toán xây dựng hoặc tham gia vào các nền tảng hệ sinh thái chia sẻ, qua đó sẽ tận dụng được lợi thế về công nghệ nguồn dữ liệu lớn.
Quá trình chuyển đổi số cần đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu, đảm bảo an toàn mạng. Việc bảo mật dữ liệu không chỉ là bảo mật dữ liệu của công ty mà cả thông tin dữ liệu khách hàng. Các doanh nghiệp cần quan tâm tối ưu hóa trải nghiệm và tương tác khách hàng đối với toàn bộ các khâu của quá trình kinh doanh.