Với các kết quả thực hiện sau 9 năm triển khai còn cách rất xa so với mục tiêu đề ra, Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020 đã không đạt được mong muốn khi không thể đi vào cuộc sống nhằm hỗ trợ đối tượng thụ hưởng là các doanh nghiệp cơ khí tìm được chỗ đứng ngay chính trên sân nhà.
Chiến lược chưa khả thi
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, đến hết năm 2010, ngành cơ khí Việt Nam mới đáp ứng được 34% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước và giá trị xuất khẩu cũng chỉ đạt được 23,4%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra là 45-50% về nhu cầu và 30% về giá trị xuất khẩu. Đặc biệt, Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đã triển khai không thành công do mục tiêu quá rộng, lại chưa đề xuất được các giải pháp khả thi và hiệu quả gắn kết giữa phát triển ngành cơ khí với các ngành công nghiệp khác; khiến sản phẩm cơ khí nội địa khó “len chân” vào các dự án đầu tư công nghiệp nhiệt điện, xi măng, phụ kiện ngành dầu khí… Trong khi đó, chiến lược cũng chưa tạo được sự liên kết, hợp tác giữa tổ chức tư vấn thiết kế và nhà chế tạo, giữa doanh nghiệp chế tạo nhằm khai thác hết tiềm năng các đơn vị dẫn tới đầu tư trùng lắp, không hiệu quả. Ngoài ra, chiến lược cũng chưa đề cập đúng mức đến việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cho cơ khí.
Chế tạo trụ cầu vượt tại Công ty cổ phần Cơ khí 4 và Xây dựng Thăng Long (Tổng công ty Xây dựng Thăng Long). Ảnh: Huy Hùng – TTXVN |
Tại buổi làm việc giữa Bộ Công Thương với Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) mới đây, Phó Chủ tịch VAMI Đào Văn Long khẳng định: Ngành cơ khí nước nhà mới may ra đáp ứng được 25-28% nhu cầu, còn kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cơ khí cũng không hề khả quan như báo cáo của Bộ Công Thương.
Về nguyên nhân dẫn tới sự thất bại của chiến lược này, ông Long chỉ rõ: Do các cơ quan tham mưu chính sách, chiến lược cho Chính phủ không có chuyên gia “cứng” về cơ khí, đơn vị quản lý cả một ngành quan trọng rộng lớn cũng chỉ là Vụ Công nghiệp nặng thuộc Bộ Công Thương nên các chính sách ban hành ra khó sát thực.
Cùng quan điểm này, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) Bùi Ngọc Huyên khẳng định: Chính sách hỗ trợ của Nhà nước là đầy đủ nhưng doanh nghiệp chỉ được hưởng lợi trên giấy tờ. Dự án đầu tư đúc khuôn cho sản xuất thân vỏ ô tô của Vinaxuki theo tiêu chuẩn Nhật Bản có tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng là minh họa rõ nét nhất. Mặc dù dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho vay 250 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ năm 2009 nhưng đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa có được giải ngân từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam, trong khi dự án hiện đã sản xuất được 400 tỷ đồng tiền khuôn mẫu và dự kiến đến cuối năm nay sẽ sản xuất được 2.000 tấn khuôn phục vụ sản xuất xe ô tô con với tỷ lệ nội địa hóa đạt 50%. “Thút nắt” không thể giải ngân hỗ trợ của Chính phủ nằm ở chính các thủ tục rườm rà, cứng nhắc hiện nay, ông Huyên nhấn mạnh.
Chủ tịch VAMI Nguyễn Văn Thụ khẳng định: Luật Đấu thầu được ban hành năm 2005 đang “bó chân bó tay” chính doanh nghiệp Việt Nam khi chỉ chú trọng đến yếu tố giá mà không tính đến nguồn gốc xuất xứ và tỷ lệ nội địa hóa. Do vậy, doanh nghiệp cơ khí nội địa luôn bị thua doanh nghiệp Trung Quốc ngay trên sân nhà. Hiệp hội đã kiến nghị 7 năm nay nhưng Luật Đấu thầu vẫn không được sửa đổi. Tháng 3/2011, Hiệp hội đã kiến nghị lên Chính phủ về chủ trương nội địa hóa dự án nhiệt điện trên cơ sở tách ra làm 10 gói thầu cơ khí để doanh nghiệp trong nước có thể tham gia. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có chỉ đạo nhưng cho đến nay doanh nghiệp vẫn không có chính sách cụ thể để triển khai, ông Thụ bức xúc. Hiện Công ty chế tạo cơ khí Doosan tại Quảng Ngãi đã xuất khẩu được 20 chiếc cần cẩu sang Inđônêxia nhưng chỉ bán được duy nhất 1 chiếc tại Việt Nam và thực tế là Việt Nam vẫn tốn nhiều ngoại tệ cho nhập khẩu sản phẩm này. Vì vậy, nếu vẫn tiếp tục không có chủ trương rõ ràng, chính sách vẫn chung chung như công nghiệp phụ trợ thì chắc chắn ngành cơ khí không thể phát triển được, ông Thụ nhấn mạnh.
Thừa nhận về thất bại của Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chia sẻ: Trong sự không thành công của chiến lược này có sự đóng góp của Bộ khi tham mưu các chính sách quá chung và không sát thực. Trong khi đó, bản thân nhiều doanh nghiệp cũng chưa có được sự chủ động và nỗ lực cần thiết. Một ví dụ rõ nhất là cho dù Chính phủ đã đồng ý để chỉ định doanh nghiệp trong nước làm tổng thầu cung cấp thiết bị cho dây chuyền tuyển quặng Alumin Tân Rai (số 2) sau khi đã thành công ở dây chuyền số 1 nhưng chính doanh nghiệp lại muốn nhập khẩu cho tiện.
Mấu chốt là tạo ra thị trường
“Không tạo được thị trường thì đừng nói đến việc phát triển cơ khí trọng điểm”, Chủ tịch VAMI Nguyễn Văn Thụ đã khẳng định như vậy tại buổi làm việc ngày 14/3. Đây phải là chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành liên quan.
Nhật Bản, Ấn Độ vào WTO từ rất lâu nhưng vẫn bảo vệ quyết liệt ngành cơ khí nội địa. Trong khi đó, Việt Nam đang bị WTO trói chân tay. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra với cơ quan quản lý, tham mưu chính sách là phải tính toán các giải pháp để bảo vệ ngành cơ khí nội địa.
Thêm vào đó, hiện chủ trương phát triển 8 nhóm sản phẩm cơ khí trọng điểm của Chính phủ là quá nhiều nên không thể có đủ tiền cho doanh nghiệp vay vốn thực hiện, nhất là trong điều kiện kinh tế khó khăn chung như hiện nay. Đây chính là vòng luẩn quẩn cần phải tháo gỡ.
Đại diện Công ty cơ khí thiết bị Đông Anh đóng góp: Giải pháp quan trọng đầu tiên là tạo ra thị trường tiêu thụ sản phẩm cơ khí nhằm giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản phẩm. Theo đó, các nghị quyết, chỉ thị phải có biện pháp hướng dẫn với ngành hải quan để không cho thông quan các sản phẩm cơ khí mà trong nước đã sản xuất được cũng như có quy định cụ thể buộc chủ đầu tư phải sử dụng sản phẩm trong nước đã sản xuất. Với các dự án phải vay vốn nước ngoài, chủ đầu tư phải tách rõ phần vốn vay nước ngoài, phần vốn vay trong nước phải dùng để mua tối đa sản phẩm trong nước.
Đặc biệt, Luật Đấu thầu theo tiêu chí giá rẻ cần phải sửa đổi bởi hiện nay trong ngành điện, nhiều máy biến áp công suất lớn mua của Trung Quốc chỉ vận hành với 75% công suất vì nếu vận hành đủ thì máy sẽ bị nóng, dẫn tới cháy nổ. Hiện Nga, Ấn Độ đã có chính sách nhằm hạn chế sản phẩm chất lượng kém, giá rẻ tràn vào thị trường bằng việc ban hành quy định các nhà sản xuất phải có cơ sở đủ năng lực bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị tại chỗ để không phải chở ra nước ngoài sửa chữa. Quy định này hoàn toàn có thể áp dụng vào quá trình đấu thầu ở Việt Nam, đại diện Công ty cơ khí thiết bị Đông Anh gợi ý.
Đóng góp vào Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty Ô tô Trường Hải, ông Trần Bá Dương nhấn mạnh: Phát triển ngành cơ khí rất cần một chính sách xây dựng và phát triển một thị trường ổn định theo từng giai đoạn với sự chung tay của cả doanh nghiệp và Nhà nước. Trong điều kiện nguồn tài chính còn hạn hẹp, chính sách phát triển khoa học công nghệ cũng như chính sách vay vốn hỗ trợ của Nhà nước cần tập trung trọng điểm vào một số dự án, nhóm sản phẩm để mang lại hiệu quả, tránh sự đầu tư dàn trải như thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, các dự án về khoa học công nghệ không mang lại các lợi ích thực tế để phát triển sản phẩm cho thị trường cần phải bãi bỏ. Ngoài ra, để ngành cơ khí nước nhà phát triển được, Chính phủ cần sớm xây dựng lộ trình để Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu với các mục tiêu, giải pháp cụ thể nhằm tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm cơ khí.
Gợi mở những giải pháp tạo ra thị trường cho sản phẩm cơ khí Việt Nam, đại diện phòng nghiên cứu khoa học công nghệ, Học viện Kỹ thuật quân sự cho hay: Liên kết giữa công nghiệp quốc phòng với công nghiệp quốc gia vẫn chưa có cho dù công nghiệp quốc phòng là bộ phận quan trọng của công nghiệp quốc gia. Vì vậy, với nhu cầu chế tạo xe quân sự, máy móc, thiết bị thay thế dùng trong mục đích quân sự là rất lớn, nếu có được sự hợp tác giữa dân sự và quân sự sẽ tạo ra hiệu quả về đầu tư, tránh đầu tư chồng chéo cũng như tạo được các đơn hàng chế tạo cơ khí cho doanh nghiệp trong nước.
Đại diện Vinaxuki cũng cho biết: Hiện Trung Quốc đã thực hiện chính sách buộc các cơ quan sử dụng ngân sách Nhà nước phải tiêu dùng sản phẩm nội địa. Năm 2014, Vinaxuki sẽ cho xuất xưởng xe 4 chỗ với tỷ lệ nội địa hóa 50%, công suất xilanh 1.6, giá thành bằng 80% xe nhập khẩu, bảo hành 5 năm và theo tiêu chuẩn Euro 5. Vậy “Bộ trưởng Bộ Công Thương có dám tiên phong sử dụng xe nội địa do Vinaxuki sản xuất?” ông Huyên đặt câu hỏi.
Nguyễn Kim Anh