Trong suốt chặng đường 35 năm Đổi mới, Việt Nam đã chủ động và tích vực tham gia vào các thiết chế kinh tế đa phương và khu vực như: Gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995, là thành viên sáng lập của Diễn đàn kinh tế Á – Âu (ASEM) năm 1998; trở thành thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và đặc biệt là gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007 đã đánh dấu sự hội nhập toàn diện vào nền kinh tế toàn cầu.
Tạo sự chuyển hướng
Thực tiễn đất nước trong những năm 1980 đã đặt Đảng trước những thách thức to lớn, đòi hỏi nhận thức rõ hơn quy luật khách quan của thời kỳ quá độ, kế thừa thành tựu, kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội. Do vậy, tại Đại hội VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới và trọng tâm là đổi mới chính sách kinh tế; trong đó xác định phương hướng tập trung vào việc mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại.
Kế đó, tại thời điểm đầu những năm 90 của thế kỷ XX, hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành một xu thế của thời đại, diễn ra mạnh mẽ trên nhiều phương diện với sự xuất hiện của nhiều khối kinh tế, mậu dịch trên thế giới.
Với một nước có nền kinh tế còn thấp kém, lạc hậu như Việt Nam tại thời điểm đó, hội nhập kinh tế quốc tế là con đường nhanh nhất để rút ngắn khoảng cách với các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, phát huy những lợi thế và tìm cách khắc phục hạn chế thông qua việc học hỏi kinh nghiệm của các nước.
Chính vì vậy, Đại hội VI mở đầu cho thời kỳ đổi mới đất nước, Đảng đã đưa ra chủ trương tranh thủ những điều kiện thuận lợi về hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật, tham gia ngày càng rộng rãi vào việc phân công và hợp tác quốc tế trong “Hội đồng tương trợ kinh tế và mở rộng với các nước khác". Đây chính là phương hướng khởi đầu cho các chủ trương tiếp theo của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế.
Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, cho đến nay, Việt Nam đã và đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), cả ở cấp độ song phương và nhiều bên. Về song phương, Việt Nam đã ký kết và thực thi FTA với Nhật Bản, Chile và Hàn Quốc.
Về hợp tác nhiều bên, khu vực hoặc đa phương, Việt Nam đã ký kết và triển khai thực thi FTA với khối Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA).
Trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam cùng các thành viên ASEAN ký kết một loạt FTA với các nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand và Hồng Kông (Trung Quốc).
Ngoài ra, Việt Nam đang tiến hành đàm phán FTA với Khối Khu vực thương mại tự do châu Âu (EFTA) gồm 4 nước là Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein.
Theo ông Lương Hoàng Thái, đến nay Việt Nam đã thiết lập được quan hệ thương mại tự do với hầu hết các nước đối tác quan trọng nhất trên thế giới, tạo cơ sở vững chắc cho việc tăng cường và thúc đẩy trao đổi thương mại - đầu tư song phương cũng như tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế trong khu vực và trên toàn cầu.
Với hàng loạt các FTA đang thực thi và đàm phán, Việt Nam đã trở thành tâm điểm của mạng lưới khu vực thương mại tự do rộng lớn, chiếm 59% dân số thế giới và 68% thương mại toàn cầu, góp phần gia tăng đan xen lợi ích của Việt Nam với hầu hết các đối tác hàng đầu khu vực và thế giới.
Chia sẻ về tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, ông Trịnh Minh Anh, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế thuộc Bộ Công Thương cho hay: Kể từ khi Việt Nam tham gia WTO đến nay, GDP của Việt Nam đã tăng hơn 300%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 350%, độ mở của nền kinh tế liên tục tăng; riêng năm 2020 tăng trên 200%.
Vì thế, có thể khẳng định hội nhập kinh tế quốc tế thực chất là chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp với tình hình quốc tế, phù hợp với các định chế kinh tế thương mại song phương và đa phương. Hội nhập kinh tế quốc tế là cùng các quốc gia, nền kinh tế tuân thủ các cam kết để giải quyết vấn đề thị trường, hàng hóa và dịch vụ, làm cho các thị trường hoạt động có trật tự, giúp giảm thiểu các hành động “bóp méo” thương mại, hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định và bền vững.
Đặc biệt, các FTA thế hệ mới còn giúp cho Việt Nam hội nhập sâu hơn, giảm thuế nhanh hơn cũng như góp phần xoay trục thị trường, tạo sự chuyển hướng và đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại giúp người tiêu dùng trong nước ngày càng được hưởng nhiều lợi ích.
Động lực tăng trưởng
Nhận định về lợi ích từ những FTA mang lại, ông Phạm Tất Thắng, chuyên gia - cố vấn cấp cao Bộ Công Thương cho rằng: Hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nằm trong chiến lược lớn mà Bộ Chính trị đã vạch ra với phương châm Việt Nam sẵn sàng làm bạn, đối tác tin cậy đối với tất cả các quốc gia trên thế giới và thể hiện trên tất cả các mặt từ chính trị, xã hội, kinh tế.
Theo ông Phạm Tất Thắng, hội nhập kinh tế là một trong những khía cạnh quan trọng và những năm qua Việt Nam đã làm tốt qua việc xuất nhập khẩu và đầu tư. Đây luôn là điểm sáng và tạo động lực cho sự phát triển cho nền kinh tế.
Đặc biệt, việc hội nhập, xuất khẩu và tiếp nhận đầu tư tốt sẽ nâng cao vị thế trên trường quốc tế, làm cho cuộc sống người dân được cải thiện, cơ cấu kinh tế và xã hội của Việt Nam được ổn định, phát triển. Thông qua các hiệp định thương mại thế hệ mới đã giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn, tạo sự chuyển hướng cũng như đa dạng các mối quan hệ thương mại.
Tuy nhiên, ông Phạm Tất Thắng cũng chỉ ra, quá trình hội nhập đan xen với cơ hội bao giờ cũng là những thách thức đòi hỏi hàng hóa Việt Nam phải vươn lên tầm thế giới. "Từ đây tất yếu đặt ra vấn đề chúng ta phải căn cứ vào các hiệp định, các thỏa thuận để điều chỉnh, sửa đổi lại thể chế kinh tế cho phù hợp với đòi hỏi về phát triển kinh tế", ông Phạm Tất Thắng chỉ ra.
Ông Phạm Tất Thắng cũng lưu ý, để việc hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam hoà nhập chứ không hoà tan, Việt Nam cần bám sát chủ trương, đường lối của Đảng đó là đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình để đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ với các thị trường trên thế giới. Khi đã hội nhập sâu rộng, phải được bạn bè, đối tác tôn trọng và thấy rằng đây là hợp tác hai bên cùng có lợi qua việc hội nhập, xuất nhập khẩu và tiếp nhận đầu tư đều rất hiệu quả.
Theo ông Trần Thanh Hải-Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), quá trình hội nhập hiệu quả đã giúp tăng trưởng xuất khẩu với kiểm soát có hiệu quả hoạt động nhập khẩu. Điều này giúp cán cân thương mại của Việt Nam chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu.
Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới.
Cùng với đó, công nghiệp phát triển khá nhanh, tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ liên tục tăng và hiện nay chiếm khoảng 85% GDP. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, riêng năm 2020 đạt trên 540 tỷ USD; trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 280 tỷ USD.
Ông Trần Thanh Hải cho hay, việc khai thác các FTA cũng đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần phát triển xuất khẩu nhanh và bền vững, giảm dần phụ thuộc vào một hay một vài thị trường.
Đặc biệt, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại nhiều quốc gia, làm đứt gãy chuỗi cung ứng nhưng thực tế vẫn chứng kiến sự trụ vững thành công của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều tăng trưởng âm. Đó chính là nguồn lực lớn để kinh tế Việt Nam tiếp đà trong năm 2021 và giai đoạn tiếp theo.
Tuy nhiên, với diễn biến khó lường của dịch COVID-19, Việt Nam vẫn đứng trước thách thức nặng nề khi độ mở của nền kinh tế rất cao, tới 200%. Vì vậy, ông Trần Thanh Hải cho rằng các FTA mà Việt Nam đang và sẽ tham gia sẽ mở ra những cánh cửa mới, góp phần đưa Việt Nam trở thành một "mắt xích" quan trọng trong mạng lưới liên kết với các nền kinh tế hàng đầu và chuỗi giá trị toàn cầu.
Liên quan đến hội nhập sâu rộng, theo ông Trần Thanh Hải việc xuất khẩu bền vững là vấn đề đã được đưa ra từ lâu và là vấn đề quan trọng đối với nền kinh tế. Đây là khái niệm có nhiều nội hàm nhưng được thể hiện qua các yếu tố như quy mô xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, tính ổn định trong tăng trưởng xuất khẩu… Và điều quan trọng nhất là xuất khẩu nhưng không đánh đổi những vấn đề quan trọng khác như lao động, môi trường mà phải gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định cán cân thương mại.
Do vậy, để đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu bền vững, việc tạo được nguồn hàng ổn định cho xuất khẩu là yếu tố quan trọng hàng đầu. Vì thế, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ ngành để quy hoạch sản xuất, xuất khẩu theo hướng giảm bớt các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp và tập trung các mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Ngoài ra, Bộ cũng tiến hành rà soát các văn bản pháp lý, tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, thời gian qua, Bộ Công Thương đã có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực trong lĩnh vực xuất khẩu, thích nghi và vượt qua rào cản thương mại.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại vào lĩnh vực công nghệ và cách triển khai hoạt động xúc tiến thương mại sẽ có nhiều điểm phù hợp với bối cảnh hiện nay, tiến hành cả trong và ngoài nước.
Tiếp theo là vấn đề đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đây là yếu tố quan trọng để tránh những rủi ro, bất lợi từ việc phụ thuộc quá lớn vào một thị trường nào đó.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết thêm, Bộ Công Thương đang xây dựng Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2021-2030 và sẽ trình Chính phủ xem xét, ban hành trong thời gian tới. Các quan điểm, định hướng về xuất khẩu bền vững sẽ được thể hiện rõ nét trong văn bản này nhằm hướng tới sự độc lập, tự chủ cũng như mở rộng quan hệ hợp tác, hướng tới việc hội nhập sâu rộng của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đánh giá về thành tựu công cuộc đổi mới trong 35 năm qua ở lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế, trong bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Trong thế giới toàn cầu hóa như hiện nay, sự phát triển của mỗi quốc gia - dân tộc không thể biệt lập, đứng bên ngoài những tác động của thế giới và thời đại, của thời cuộc và cục diện của nó. Chính vì vậy, chúng ta phải chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi".
Quan điểm này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là chủ trương xuyên suốt của Đảng về hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng nhằm dẫn dắt Việt Nam nâng cao vị thế trên trường quốc tế, đảm bảo độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường.
Bài 6: Bệ đỡ cho mọi khát vọng 'bay' lên