Phát triển kiểm toán môi trường phù hợp với xu hướng, thông lệ quốc tế

Môi trường và phát triển bền vững hiện không chỉ là vấn đề riêng của mỗi quốc gia mà đã trở thành vấn đề toàn cầu, đang được hầu hết các nước trên thế giới đặc biệt quan tâm.

Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề đặt ra các thách thức với nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Thực tế đó đòi hỏi phải có sự liên kết, hợp tác giữa các nước trong khu vực để tìm ra các giải pháp chung làm giảm thiểu tình trạng suy giảm sinh học và biến đổi khí hậu. Với nhận thức trên, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để kiểm toán môi trường nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với xu hướng và thông lệ quốc tế.

Phát triển theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế

Chú thích ảnh
Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc cho biết: Môi trường và phát triển bền vững hiện không chỉ là vấn đề riêng của mỗi quốc gia mà đã trở thành vấn đề toàn cầu, đang được hầu hết các nước trên thế giới đặc biệt quan tâm. Ở Việt Nam, vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, mặc dù có phần đi sau so với cộng đồng thế giới nhưng được quan tâm sâu sắc. Hàng năm, ngân sách nhà nước và các nguồn lực lớn của nhân dân và các tổ chức đã đầu tư cho việc bảo vệ môi trường. Vấn đề đặt ra cấp thiết hiện nay là làm sao giám sát, kiểm soát việc quản lý và sử sụng các nguồn lực đó cho hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường.

Bước vào năm 2008, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) quyết định thành lập Nhóm công tác về kiểm toán môi trường, đưa nội dung về kiểm toán môi trường vào kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2022. Có thể nói, đây là một bước phát triển quan trọng trong hoạt động của Kiểm toán Nhà nước với cách tiếp cận phát triển các loại hình, lĩnh vực kiểm toán mới phù hợp với xu hướng và thông lệ quốc tế.

Cho đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện một số các cuộc kiểm toán có nội dung liên quan đến môi trường như: Kiểm toán Dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng; Dự án xử lý nước thải, chất thải rắn và bảo vệ môi trường Thành phố Hội An; các vấn đề về nước sông Mê Công... bước đầu đã có kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, các cuộc kiểm toán nói trên vẫn chủ yếu được lồng ghép trong các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ nhưng chưa có cuộc kiểm toán môi trường theo đúng nghĩa; chưa có một tổ chức bộ máy cơ sở pháp lý, quy trình, hướng dẫn đầy đủ cho hoạt động kiểm toán môi trường ở Kiểm toán Nhà nước. Trong khi nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống con người và làm hủy hoại đến môi trường, ô nhiễm ngày càng trở nên bức xúc với lợi ích cộng đồng, xã hội như ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí...|

Xác định trách nhiệm và vai trò 

Trước những thách thức đó, Kiểm toán Nhà nước đã xác định trách nhiệm và vai trò của mình trong việc bảo vệ môi trường nói riêng và thúc đẩy phát triển bền vững nói chung. Sau khi trở thành thành viên Nhóm công tác về kiểm toán môi trường của Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á, Kiểm toán Nhà nước đã nghiên cứu, thiết lập bộ máy và triển khai thí điểm các cuộc kiểm toán về môi trường. Đây là các cuộc kiểm toán nhằm đánh giá công tác quản lý môi trường đối với các khu công nghiệp của địa phương; việc thực hiện giải pháp giảm sử dụng túi nilon thông thường tại Thành phố Hồ Chí Minh… Qua kiểm toán bước đầu phát hiện và kiến nghị một số bất cập trong quản lý của cơ quan nhà nước đối với các hoạt động tiềm ẩn rủi ro tác động xấu tới môi trường. Đây là tiền đề để Kiểm toán Nhà nước tổ chức đúc kết kinh nghiệm, nghiên cứu ưu, nhược điểm của các phương pháp tổ chức kiểm toán môi trường hiện nay, từ đó có giải pháp hoàn thiện và tổ chức hiệu quả hoạt động của lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước thực hiện đánh giá tác động môi trường thông qua việc lồng ghép trong các cuộc kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ. Trong đó, thực hiện đánh giá tác động của các vấn đề môi trường đến báo cáo tài chính; việc tuân thủ các quy định về quản lý môi trường của các dự án, đơn vị được kiểm toán; đánh giá rủi ro về môi trường trong hệ thống kiểm soát nội bộ và hệ thống kiểm soát môi trường của đơn vị được kiểm toán. Việc đánh giá tác động môi trường trong kiểm toán tuân thủ và kiểm toán tài chính đã góp phần hỗ trợ kiểm toán viên đạt được các mục tiêu kiểm toán đề ra, mặt khác cũng là cơ sở để kiểm toán viên đưa ra các kết luận, kiến nghị và giải pháp về các vấn đề môi trường nói riêng và phát triển bền vững nói chung. Đây cũng là cơ sở để Kiểm toán Nhà nước tiếp tục nghiên cứu vận dụng mở rộng lồng ghép đánh giá tác động môi trường trong các cuộc kiểm toán thời gian tới.

Kiểm toán Nhà nước cho rằng, cần phải tăng cường hợp tác quốc tế về kiểm toán môi trường, vì đây là lĩnh vực mới, liên quan đến nhiều quốc gia trong khu vực và trên toàn thế giới. Kiểm toán Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kiểm toán môi trường để vừa học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm vừa phối hợp thực hiện các mục tiêu kiểm toán chung, trong đó phải kể đến các nỗ lực về tổ chức kiểm toán phối hợp với Lào, Campuchia đối với cuộc kiểm toán các vấn đề nước sông Mê Công; tham gia hội thảo và chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia trong khu vực về kiểm toán môi trường.

Với nỗ lực của các quốc gia, những năm qua, Nhóm công tác về kiểm toán môi trường của Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á đã gặt hái được những thành công nhất định và đóng góp vào công tác bảo vệ môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững tại nhiều quốc gia trong khu vực châu Á. Các chủ đề kiểm toán môi trường được các cơ quan thành viên quan tâm thực hiện gồm: Các vấn đề về nước (nước sạch, quản lý tài nguyên nước, nước thải khu công nghiệp, ...), quản lý chất thải đô thị (chất thải rắn, lỏng, cấp thoát nước,...), quản lý rừng, chuyển đổi sử dụng đất đô thị, khai khoáng, giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu ... 

Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững 

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã đề xuất và được cộng đồng các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á chấp thuận chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” cho Đại hội ASOSAI 14 tại Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để Kiểm toán Nhà nước tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực kiểm toán môi trường, đồng thời thể hiện nỗ lực, đóng góp thiết thực của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đối với công cuộc theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững của thế giới nói chung và giải quyết thách thức về môi trường toàn cầu nói riêng.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc cho biết: Chủ đề này sẽ tập trung làm rõ vai trò của kiểm toán môi trường trong việc hỗ trợ các Chính phủ nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững, cung cấp cái nhìn tổng thể về các vấn đề môi trường hiện nay, đồng thời xem xét mối liên hệ giữa các vấn đề này và các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs). Các đơn vị thành viên sẽ trình bày các bài tham luận nghiên cứu về những thách thức, chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả chức năng kiểm toán môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Với ý nghĩa đó, Đại hội các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ đóng góp cho cộng đồng kiểm toán tối cao khu vực và thế giới những văn kiện quan trọng như các cam kết, chính sách, giải pháp hữu hiệu để phát triển kiểm toán môi trường trong khu vực, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc tại các quốc gia thành viên.

Đỗ Bình/TTXVN
 Nâng cao tính chuyên nghiệp theo hướng tuân thủ chuẩn mực kiểm toán quốc tế 
Nâng cao tính chuyên nghiệp theo hướng tuân thủ chuẩn mực kiểm toán quốc tế 

Việc đưa vào áp dụng hệ thống chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước theo hướng tuân thủ chuẩn mực kiểm toán quốc tế (ISSAIs) đã góp phần đưa hoạt động kiểm toán phát triển theo hướng chuyên nghiệp, bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN