Phát triển điện hạt nhân cũng như việc lựa chọn công nghệ cho phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, nhưng vẫn là lựa chọn quan trọng trong tương lai, bởi lẽ sau thủy điện, nhiệt điện... chỉ có điện hạt nhân mới đáp ứng nhu cầu năng lượng cho quốc gia, còn các nguồn năng lượng tái tạo khác vẫn là thứ yếu. Theo đánh giá của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, phát triển điện hạt nhân sẽ mang lại nguồn điện ổn định, lâu dài, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội.
Theo dự báo, đến năm 2020, sẽ xảy ra nguy cơ thiếu điện trầm trọng do nhu cầu về điện năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta ước khoảng trên 360 tỉ KWh, trong khi việc phát triển các nguồn thủy điện, nhiệt điện, năng lượng tái tạo đang gặp nhiều áp lực về nguồn cung và giá. Vì vậy phát triển điện hạt nhân không chỉ giải quyết được nguồn cung mà giá điện năng sẽ ổn định, tránh phụ thuộc từ bên ngoài...
Ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ hạt nhân, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Xây dựng Nhà máy điện hạt nhân vì mục đích hòa bình và đáp ứng nhu cầu cấp thiết của phát triển kinh tế - xã hội là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đã nhận được sự đồng thuận lớn của dư luận trong và ngoài nước. Tuy nhiên, ngoài việc phát triển điện hạt nhân đảm bảo an ninh, an toàn hiệu quả, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và có đánh giá đa chiều về những tác động đến đời sống người dân…
Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Ảnh: TTXVN |
Cũng theo các chuyên gia, khó khăn và thách thức trong việc phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, vốn đầu tư và cơ sở hạ tầng ở mức thấp. Bên cạnh đó, Viêt Nam chưa có kinh nghiệm trong quản lý, triển khai dự án điện hạt nhân, cơ sở hạ tầng cần thiết cho phát triển điện hạt nhân của Việt Nam còn đang ở mức độ thấp. Theo các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), kế hoạch phát triển nguồn nhân lực hạt nhân của Việt Nam phải dựa vào thực tế, đòi hỏi yêu cầu, định hướng của ngành hạt nhân cần được xây dựng kỹ lưỡng, chi tiết. Nếu thực hiện tốt điều này, sau 7-10 năm, Việt Nam sẽ có tương đối đầy đủ nguồn cán bộ về quản lý và vận hành Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị xây dựng công nghiệp điện hạt nhân nên hiểu biết, nhận thức về điện hạt nhân trong cộng đồng chưa đầy đủ, do đó việc tuyên truyền để xây dựng nhận thức, lòng tin cũng như sự ủng hộ của công chúng là việc làm cần được tăng cường và tiến hành một cách có chiến lược và lâu dài.
Đây là một trong những khuyến cáo của IAEA đối với các quốc gia có kế hoạch phát triển điện hạt nhân. IAEA cũng nhấn mạnh những thách thức trong việc tuyên truyền phát triển điện hạt nhân và cho rằng, thông tin, tuyên truyền cũng là một trong 19 vấn đề cần thiết cơ bản để phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân. Công tác tuyên truyền và thông tin đại chúng về điện hạt nhân phải đi trước một bước, trước khi triển khai dự án và phải tiếp tục thực hiện thường xuyên trong quá trình xây dựng, vận hành và thậm chí cả khi nhà máy điện hạt nhân dừng hoạt động.
Thời gian qua, Việt Nam đã nhận được sự hợp tác, giúp đỡ của các nước trên thế giới trong triển khai dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, trong đó điển hình là Nga và Nhật Bản (Nga đã ký kết các hiệp định hợp tác với Việt Nam trong phát triển dự án Ninh Thuận 1 còn Nhật Bản là đối tác dự án Ninh Thuận 2). Đến nay sau nhiều năm chuẩn bị, dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đã khởi công xây dựng hệ thống điện phục vụ xây dựng Nhà máy.
Ông Phan Minh Tuấn – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận khẳng định: Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đang được triển khai đúng lộ trình theo chỉ đạo của Chính phủ về các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án mới. Hiện nay dự án đang ở công đoạn xây dựng và trình hai báo cáo là Hồ sơ xin phê duyệt địa điểm an toàn của dự án và báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án. Với hai báo cáo này, hai tổ hợp tư vấn cho dự án đã được hoàn tất và nộp cho chủ đầu tư. Hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Ban quản lý điện hạt nhân Ninh Thuận đã gửi thẩm định nội bộ, thẩm tra nội bộ báo cáo này và đã trình từng phần của báo cáo lên các Bộ, cơ quan liên quan thẩm định, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định về nội dung, về an toàn, về vấn đề môi trường.
Cũng theo ông Phan Minh Tuấn, về lâu dài, trước việc tăng trưởng dân số và nhu cầu điện năng ở các nước đang phát triển cũng như những lo ngại về biến đổi khí hậu, an ninh cung cấp năng lượng và biến động giá các loại nhiên liệu khác, cần tiếp tục khẳng định tổng công suất phát điện hạt nhân vẫn đóng một vai trò quan trọng trong cơ cấu năng lượng quốc gia. Theo quy hoạch phát triển hệ thống năng lượng Việt Nam, đến năm 2030, sản lượng điện hạt nhân mới chỉ chiếm khoảng gần 7% sản lượng điện tiêu thụ nhưng không thể thiếu vai trò của điện hạt nhân trong tương lai.
Hoàng Linh (TTXVN)