Phát triển các trung tâm logistics tại Lào Cai để đẩy mạnh xuất nhập khẩu

Ngày 22/11, tại thành phố Lào Cai, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương và Sở Công Thương tỉnh Lào Cai đã phối hợp tổ chức Hội thảo về đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, phát huy vai trò cầu nối của Lào Cai trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Hội thảo có sự tham gia của khoảng 200 đại biểu đến từ các bộ, ngành như: Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; các tỉnh, thành phố: Yên Bái, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Sơn La, Nghệ An, Tiền Giang, Bến Tre, Đắk Lắk, Bình Thuận, Lâm Đồng; các hiệp hội, doanh nghiệp cung ứng, sản xuất kinh doanh.

Năm 2021, chi phí logistics tại Việt Nam chiếm khoảng 16,8% giá trị hàng hóa trong khi mức chi phí này trên thế giới hiện chỉ khoảng 10,6%. Có thể thấy, chi phí logistics đã và đang là “gánh nặng” trên vai các doanh nghiệp xuất khẩu và tình trạng này còn có thể kéo dài nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ từ chính quyền các cấp cũng như từ phía các doanh nghiệp. Do đó, tại hội thảo, các đại biểu đã bàn thảo và đưa ra các giải pháp về đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu gắn với xây dựng hệ thống logistics tại Lào Cai nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của các doanh nghiệp.

Lào Cai có hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng, liên quốc tế gồm: đường bộ cao tốc, đường sắt, đường thủy... và tương lai gần có đường hàng không. Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai với gần 16.000 ha có cơ sở hạ tầng, dịch vụ tương đối đầy đủ và là 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm được Chính phủ đầu tư.

Các quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa, Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đã được phê duyệt, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương xây dựng thành phố Lào Cai trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa trên tuyến hành lang kinh tế, là trung tâm kinh tế, thương mại, đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Chính sách Công thương Nguyễn Văn Hội, để phát huy hơn nữa vai trò cầu nối xuất khẩu, nhập khẩu, Lào Cai cần phát triển các trung tâm logistics tại Lào Cai theo hướng trở thành các trung tâm dịch vụ nòng cốt trong lưu thông và phân phối hàng hóa, phục vụ đắc lực cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Lào Cai cần gắn kết hợp lý với quy hoạch phát triển thương mại, công nghiệp, giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội khác. Đặc biệt, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Chính sách Công Thương nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển các trung tâm logistics trên địa bàn Lào Cai theo hướng bền vững, kết hợp chặt chẽ với bảo đảm an ninh quốc phòng, tạo việc làm tại chỗ, bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh.

Để đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Lào Cai, theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Đại học Thái Nguyên Đinh Hồng Ninh, Lào Cai cần khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào các hiệp hội, nhóm doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng để tăng năng lực cạnh tranh. Bởi các doanh nghiệp dịch vụ logistics của Lào Cai có quy mô vốn khá nhỏ, chủ yếu từ 1 đến dưới 5 tỷ đồng, việc tự hoạt động một cách manh mún, nhỏ lẻ hiện nay sẽ làm giảm hiệu quả và tính chuyên nghiệp của dịch vụ, gây ra tình trạng cạnh tranh giá.    

Thảo luận về giải pháp xây dựng hệ thống logistics và liên kết chuỗi cung ứng thông minh tại tỉnh Lào Cai, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần logistics Việt Trung Nguyễn Xuân Quỳnh đề xuất Lào Cai cần sớm thành lập Hội doanh nghiệp logistics nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi logistics triển khai các nội dung: thông tin về cơ chế, chính sách phát triển dịch vụ logistics; ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình quản lý chuỗi cung ứng, logistics; công tác đào tạo nghiệp vụ... để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về logistics.

Đồng thời, Lào Cai cần nghiên cứu, xây dựng hệ thống đánh giá chỉ số LPI (chỉ số hiệu quả logistics) đáng tin cậy và xác thực, làm cơ sở để căn cứ, đánh giá và định hướng phát triển dịch vụ logistics tại địa phương.

Tổng giá trị xuất, nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hoá qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong 10 tháng năm 2022 ước đạt 1.807,35 triệu USD (giảm 40,57% so với cùng kỳ 2021) đạt  41,08% so với kế hoạch.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Lào Cai Nguyễn Huy Tưởng cho biết, trong thời gian tới, để hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu Lào Cai trở lại bình thường và có những bước đột phá, tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục đổi mới cách thức xúc tiến và thu hút đầu tư, tiếp cận nhà đầu tư theo hướng chủ động. Cùng đó, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư đối với các tập đoàn, doanh nghiệp có thế mạnh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại các thị trường: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, châu Âu, Trung Đông, Trung Quốc…

Các đơn vị quản lý chuyên ngành tại cửa khẩu tiếp tục rà soát, cắt giảm những thủ tục hành chính không cần thiết; công khai, minh bạch thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và thực hiện đầy đủ, thuận lợi.

Đồng thời, khẩn trương hoàn thành và đưa vào vận hành chính thức cổng dịch vụ công tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành nhằm minh bạch hóa các thủ tục, quy trình tại cửa khẩu, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

Hương Thu (TTXVN)
Phối hợp giải phóng phương tiện chở hàng 'mắc kẹt' tại cửa khẩu Lào Cai
Phối hợp giải phóng phương tiện chở hàng 'mắc kẹt' tại cửa khẩu Lào Cai

Chiều 24/8, ông Phạm Hùng, Phó Ban quản lý cửa khẩu Lào Cai thông tin, các lực lượng chức năng quản lý cửa khẩu Lào Cai đang nỗ lực phối hợp để giải phóng cho số phương tiện chở hàng hiện còn “mắc kẹt” tại cửa khẩu này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN