Phát triển cà phê đặc sản thay vì chỉ xuất khẩu thô

Thay vì dừng lại ở vai trò xuất khẩu nguyên liệu thô, Gia Lai đang dần hình thành hướng đi mới trong hành trình phát triển cà phê đặc sản.

Chú thích ảnh
Cà phê đặc sản Gia Lai được trồng và chăm sóc theo hướng canh tác hữu cơ thuận tự nhiên, kiểm soát chặt chẽ từ khâu thu hái đến chế biến. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN

Hiện nay, Gia Lai sở hữu hơn 57.000 ha cà phê đạt các chứng nhận 4C, UTZ, Rainforest, Organic, chiếm trên 53% tổng diện tích cà phê của tỉnh. Thay vì dừng lại ở vai trò xuất khẩu nguyên liệu thô, Gia Lai đang dần hình thành hướng đi mới trong hành trình phát triển cà phê đặc sản, thông qua việc đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm, đồng hành cùng chính quyền và ngành nông nghiệp.

Doanh nghiệp tiên phong

Cà phê đặc sản (Fine Robusta) được đánh giá là dòng sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao, với giá bán cao gấp 1,5 - 2 lần so với cà phê nhân thông thường. Để đạt được chứng nhận cà phê đặc sản, sản phẩm phải trải qua các quy trình sản xuất nghiêm ngặt từ khâu canh tác, thu hái, sơ chế, rang xay đến bảo quản, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Hiệp hội Cà phê Đặc sản Thế giới (SCA).

Từ chỗ gần như vắng bóng trên bản đồ cà phê đặc sản, Gia Lai nay đã ghi dấu ấn khi đã đưa sản phẩm Fine Robusta thâm nhập thành công vào những thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ. 

Ông Nguyễn Tiến Định, Giám đốc Công ty CP Cà phê Việt Nam United chia sẻ, thách thức lớn nhất khi đưa cà phê Việt Nam ra thế giới là sự kiên trì. Khách hàng quốc tế không chỉ quan tâm đến chất lượng mà còn muốn hiểu rõ hơn về câu chuyện đằng sau sản phẩm. Chính vì vậy, đơn vị đang từng bước xây dựng niềm tin với khách hàng thông qua việc nâng cao tiêu chuẩn sản xuất và phát triển bền vững.

Hiện Gia Lai đã hình thành được 34 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cà phê, với tổng diện tích hơn 43.000 ha thông qua 26 doanh nghiệp và 8 hợp tác xã. Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư công nghệ chế biến hiện đại để tăng sức cạnh tranh và gia tăng giá trị sản phẩm. Thay vì chỉ xuất khẩu cà phê nhân giá trị thấp, các công ty đi đầu như Tam Ba, Công ty CP Cà phê Việt Nam United, Hợp tác xã Lam Anh, Ngon Avatar… đã phát triển quy trình trồng, rang xay đạt chuẩn quốc tế, tạo ra những dòng cà phê Fine Robusta vượt trội.

Ông Nguyễn Hữu Anh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh, huyện Đăk Đoa cho biết, hợp tác xã luôn kiên trì canh tác vườn cây theo hướng hữu cơ thuận tự nhiên, kiểm soát chặt chẽ từ khâu thu hái đến chế biến. Ngoài ra, hợp tác xã còn phối hợp với chính quyền địa phương vận động, hỗ trợ người dân thay đổi tư duy sản xuất, gắn kết cộng đồng xây dựng vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn. Nhờ đó, sản phẩm cà phê đặc sản của hợp tác xã đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh, dần chinh phục được các thị trường khó tính trong và ngoài nước.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai Lưu Trung Nghĩa, bên cạnh chất lượng, yếu tố thương hiệu cũng là chìa khoá giúp sản phẩm cà phê Gia Lai cạnh tranh hiệu quả trên thị trường quốc tế. Tỉnh đang khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng câu chuyện thương hiệu để tạo dấu ấn riêng cho sản phẩm của mình.

Như Công ty TNHH MTV Ngon Avatar, thay vì chỉ quảng bá cà phê như một sản phẩm thương mại thông thường, doanh nghiệp này đã kể câu chuyện về sự kiên trì và giá trị độc đáo của cà phê đặc sản Gia Lai.

Ông Văn Quốc Việt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Ngon Avatar chia sẻ, công ty muốn mỗi sản phẩm đều là hình ảnh đại diện đặc trưng cho vùng đất Tây Nguyên trù phú, mang theo những câu chuyện về niềm đam mê vô tận từ ly cà phê thơm ngon nhất. Chính cách làm này đã tạo ra sự khác biệt, giúp sản phẩm cà phê của công ty ghi dấu ấn trên thị trường trong và ngoài nước.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã khác trên địa bàn tỉnh Gia Lai còn chú trọng đầu tư vào mẫu bao bì, thiết kế sản phẩm theo phong cách tối giản nhưng tinh tế, bắt mắt phù hợp với thị hiếu của thị trường Nhật Bản và châu Âu.

Chính quyền đồng hành

Chú thích ảnh
Sản phẩm cà phê Robusta nhân chất lượng cao phục vụ xuất khẩu của Công ty Cổ phần Cà phê Việt Nam United, Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN

Theo Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, Gia Lai đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển diện tích cà phê Robusta lên khoảng 2.340 ha, tập trung tại 6 vùng chuyên canh cà phê đặc sản có quy mô lớn tại các huyện Đăk Đoa (720 ha), Ia Grai (900 ha) và Chư Prông (720 ha). Mục tiêu này nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu chất lượng tốt nhất phục vụ cho chế biến và xuất khẩu. 

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai Lưu Trung Nghĩa cho biết, để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, trong đó tập trung vào việc xác định chi tiết vùng trồng cà phê đặc sản; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến. Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đang tập trung thực hiện là kiến tạo, kết nối các tác nhân tham gia chuỗi giá trị, lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong xây dựng và phát triển chuỗi giá trị cà phê đặc sản của tỉnh. 

Theo ông Lưu Trung Nghĩa, sự hỗ trợ từ chính quyền và ngành nông nghiệp đóng vai trò quan trọng giúp nâng tầm cà phê đặc sản của Gia Lai. Việc xác định việc phát triển cà phê đặc sản là hướng đi chiến lược giúp Gia Lai gia tăng giá trị xuất khẩu, đồng thời xây dựng được thương hiệu bền vững. Chính quyền cũng đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân chuyển đổi sản xuất theo hướng chất lượng cao, bền vững và thân thiện với môi trường.

Cụ thể, Gia Lai đang tập trung hỗ trợ chứng nhận chất lượng cho các doanh nghiệp và hợp tác xã; làm việc với các tổ chức trong và ngoài nước để các sản phẩm đạt được các chứng nhận hữu cơ như USDA, EU và chứng nhận cà phê đặc sản theo tiêu chuẩn SCA, giúp các sản phẩm dễ dàng tiếp cận các thị trường cao cấp. Cùng với đó, tỉnh cũng đang kết nối doanh nghiệp với thị trường xuất khẩu thông qua việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ và triển lãm quốc tế. Điển hình, tại triển lãm cà phê đặc sản ở Tokyo, sản phẩm Fine Robusta Gia Lai đã thu hút được sự quan tâm lớn từ khách hàng Nhật Bản.

Tỉnh khuyến khích đầu tư khoa học công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là ứng dụng công nghệ chế biến sâu và rang xay tiên tiến để gìn giữ hương vị đặc trưng của Fine Robusta. Tái cơ cấu ngành cà phê theo hướng bền vững thông qua mô hình trồng cà phê hữu cơ kết hợp với bảo tồn đa dạng sinh học, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo chất lượng cà phê đạt chuẩn quốc tế.

Dấu ấn của sản phẩm cà phê đặc sản Gia Lai là kết quả của sự chung tay giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân và chính quyền địa phương. Với định hướng chiến lược và những chính sách hỗ trợ thiết thực, cà phê Gia Lai sẽ không dừng lại ở việc nâng cao giá trị kinh tế mà còn khẳng định được vị thế của mình trên bản đồ cà phê đặc sản thế giới.

Hoài Nam - Xuân Huy (TTXVN)
Xuất khẩu cà phê hướng tới kỷ lục 8 - 10 tỷ USD
Xuất khẩu cà phê hướng tới kỷ lục 8 - 10 tỷ USD

Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) ước tính trong quý đầu của năm 2025, xuất khẩu cà phê sẽ đạt khoảng 2,8 tỷ USD; nếu mức giá này duy trì được trong 3 quý còn lại, cả năm có thể thiết lập mốc kỷ lục 8 tỷ USD.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN