Để giải quyết được các thách thức của hệ thống sông Hồng - Thái Bình nhằm phục vụ việc lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2050, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quý III năm 2022, sáng 29/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức hội thảo “Định hướng quản lý, khai thác, sử dụng phát triển bền vững tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình”.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, lưu vực sông Hồng - Thái Bình là một lưu vực sông liên quốc gia chảy qua 3 nước: Việt Nam, Trung Quốc, Lào với tổng diện tích tự nhiên khoảng 169.000 km2, trong đó phần lưu vực nằm ở Việt Nam là lớn nhất, với hơn 50%. Đây là lưu vực sông lớn nhất cả nước chảy qua 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với hơn 30 triệu người dân đang sinh sống. Tuy vậy, hệ thống sông Hồng - Thái Bình đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như: Phân bố nguồn nước không đều giữa mùa khô và mùa mưa; ô nhiễm nước dẫn đến chất lượng nước không bảo đảm, ảnh hưởng của các hồ chứa ở thượng lưu tác động đến bồi xói lòng, bờ bãi sông, bồi xói cửa sông và xâm nhập mặn vùng cửa sông; sự cạnh tranh trong sử dụng nước giữa các ngành, đặc biệt là giữa phát điện và sản xuất nông nghiệp… Do vậy, Hội thảo này có ý nghĩa hết sức quan trọng, với mục tiêu bám sát quan điểm nhất quán của Chính phủ về phát triển bền vững tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình. Trong đó, tài nguyên nước phải được quản lý tổng hợp theo lưu vực sông, thống nhất về số lượng, chất lượng, đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy hoạch của các ngành có khai thác, sử dụng nước, tôn trọng quy luật tự nhiên, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đa mục tiêu, nâng cao giá trị của nước, bảo đảm an ninh tài nguyên nước và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nói về nội dung chủ yếu của quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho biết, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình có tính chất kỹ thuật chuyên ngành lần đầu tiên được lập cho lưu vực sông Hồng - Thái Bình. Trong đó, quy hoạch gồm có: Phân đoạn sông, phân vùng chức năng nguồn nước, mục đích sử dụng nước và mục tiêu chất lượng nước; lượng nước có thể khai thác, sử dụng trên từng nguồn nước theo không gian, thời gian; dòng chảy tối thiểu trên sông và ngưỡng giới hạn khai thác của các tầng chứa nước; lượng nước phân bổ cho các đối tượng sử dụng theo không gian, thời gian; công trình điều tiết, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước...
Định hướng bảo vệ, phòng, chống sạt lở bờ sông, bãi sông vùng Đồng bằng sông Hồng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Văn Trường, Khoa Công trình, Trường Đại học Thủy lợi cho rằng, biến đổi khí hậu cùng với các hoạt động kinh tế - công trình Đồng bằng sông Hồng đã và đang làm gia tăng các tác động gây sạt lở bờ, bãi sông ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân, an toàn hệ thống đê điều và công trình xây dựng. Mặt khác, rủi ro thiên tai có chiều hướng gia tăng đặt ra những thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững Đồng bằng sông Hồng…
Vì thế, để bảo vệ, phòng, chống sạt lở bờ sông, bãi sông vùng Đồng bằng sông Hồng, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Văn Trường, trước hết cần chủ động thực hiện đồng bộ, linh hoạt tổ hợp các giải pháp công trình, phi công trình; tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý nhằm giảm thiểu các tác động; đồng thời khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách, chế tài, xây dựng đồng bộ các quy hoạch khai thác tài nguyên nước, phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, sạt lở bờ, bãi sông… Cùng với đó, chú trọng phát triển, nghiên cứu khoa học công nghệ hiện đại hóa, tự động hóa trong dự báo, quản lý, vận hành hệ thống tạo thế chủ động trong phòng, chống sạt lở bờ, bãi sông; tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển, áp dụng hiệu quả các giải pháp, khai thác hiệu quả, bền vững tài nguyên nước…
Tại Hội thảo, đại diện 14 Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh đã trao đổi và thảo luận một số nội dung như: Mô hình dòng chảy ngoài lãnh thổ vào Việt Nam trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình; nguồn nước ngầm của Hà Nội, giải pháp khai thác hợp lý bảo đảm cấp nước sạch bền vững và an ninh nguồn nước của Thủ đô Hà Nội; công nghệ và giải pháp khai thác thấm xuyên nước dưới đất… Đồng thời, các đại biểu và các chuyên gia đã đề xuất, kiến nghị góp phần tối ưu hóa các giải pháp công trình mang tính truyền thông, đồng thời phát triển các giải pháp mới, hiện đại nâng cao hiệu quả trong bảo vệ, phòng, chống sạt lở bờ, bãi sông.