Lý Sơn (Quảng Ngãi) là hòn đảo tiền tiêu đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và an ninh biển đảo Tổ quốc, nhưng Lý Sơn đang phải đứng trước nhiều khó khăn trong quá trình phát triển.Thiếu nước và ô nhiễmSau vài lần đào giếng nhưng đều không có nước, nhiều năm nay, bà Phạm Thị Nương (Khu dân cư số 3, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn) phải đi mua nước về để sinh hoạt. Mỗi khối nước dao động từ 15.000 - 20.000 đồng, dùng tiết kiệm thì mỗi tháng nhà bà Nương cũng phải tốn hơn 500.000 đồng tiền nước. “Nước mua về rồi lọc, lọc 3 phần chỉ lấy được 1 phần để làm nước nấu ăn; nước còn lại để tắm rửa, tưới cây vườn nhưng phải dùng dè xẻn. Nhà có lu để hứng nước mưa, nhưng cũng không đáng là bao”, bà Nương cho biết.
Nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp ở Lý Sơn đứng trước nguy cơ khô hạn do thiếu nước sản xuất. Ảnh: Thu Trang |
Thiếu nước, nắng nóng kéo dài, nhiều hộ phải sử dụng nước giếng nhiễm mặn để tưới tiêu, với nhiều rủi ro cận kề. Tình trạng thiếu nước đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. |
Không chỉ riêng nhà bà Nương mà hầu hết người dân ở Lý Sơn đều phải đối mặt với tình trạng thiếu nước. Ông Lê Hoài Ân, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đảo Lý Sơn cho biết, để đối phó với tình trạng thiếu nước hiện nay, nhiều hộ phải đào thêm giếng mà chưa chắc có nước hoặc mở rộng giếng hiện có, khiến nguy cơ bị cạn kiệt là rất cao. “Không có nước nên bà con cũng giảm diện tích gieo trồng, ví như trước trồng 5 sào thì nay chỉ giảm xuống 2 để đảm bảo đủ nước cho sản xuất”, ông Ân cho biết.
Không chỉ đứng trước khó khăn về nước ngọt, người dân Lý Sơn đang phải đối mặt với bài toán về xử lý rác thải. Ông Phạm Hoàng Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, rác thải đang là vấn đề bức xúc của Lý Sơn. Năm 2006, huyện đầu tư bãi rác tạm sát bãi biển ở thôn Đồng Hộ, xã An Hải, với phương pháp xử lý chủ yếu là thủ công chôn lấp, đốt và phun hóa chất. Nhưng sau một thời gian, thì xuất hiện rất nhiều ruồi, môi trường sống của người dân quanh bãi rác bị ô nhiễm nghiêm trọng. Năm 2009, sau trận bão thì bãi rác bị cuốn trôi, người dân địa phương kiến nghị không cho bãi rác tiếp tục hoạt động. Sau đó, huyện chỉ đạo mỗi xã chọn một điểm tự xử lý rác, nhưng đến nay, xã An Hải vẫn chưa chọn được nơi tập trung xử lý rác, còn xã An Vĩnh đã hoàn thành xây dựng đưa vào xử lý khu xử lý rác nhưng đến nay cũng đã quá tải.
Cần đầu tư cho đảo Ông Phạm Hoàng Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, hiện huyện đảo Lý Sơn có 3 dự án để cung cấp nước sinh hoạt gồm: Hồ chứa nước Thới Lới với tổng mức đầu tư 32 tỉ để cấp nước tưới tiêu và sinh hoạt cho 1.000 người, 300 thuyền đánh bắt hải sản; Nhà máy xử lý nước biển thành nước ngọt xã An Bình có được đầu tư xây dựng vào năm 2012 cấp nước sinh hoạt cho 500 người dân; Dự án cấp nước sinh hoạt trung tâm huyện Lý Sơn hiện đang triển khai giai đoạn 1 cấp nước cho 2.000 hộ dân ở khu vực trung tâm, dự kiến năm 2020 sẽ đủ nước cấp cho 6.000 hộ. “Huyện cũng đề xuất xây dựng dự án lọc nước biển thành nước ngọt với vốn đầu tư 12 - 15 tỷ theo nguồn ODA của Hàn Quốc nhưng hiện nay đang chờ phê duyệt”, ông Linh cho biết.
Huyện đảo Lý Sơn có diện tích tự nhiên gần 10,32 km2 gồm 3 xã: An Vĩnh, An Hải (đảo Lớn) và An Bình (đảo Bé), dân số gần 22.000 người, chủ yếu làm nghề chài lưới và nông nghiệp. Theo thống kê, Lý Sơn hiện có khoảng 420 giếng đào và gần 150 giếng khoan nhưng nguồn nước không đủ cung cấp cho sinh hoạt và tưới tiêu của bà con, hiện nhiều giếng đã bị khô cạn hoặc nhiễm mặn. |
Ông Triệu Đức Huy, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã điều tra nguồn nước ngầm ở Lý Sơn, trữ lượng khoảng 10.000 m3/ngày. Xác định Lý Sơn là đảo tiền tiêu đóng vai trò quan trọng nên Bộ đã đặt mục tiêu thí điểm xây dựng trạm cấp nước công suất 1.000 m3/ngày cho trên 10.000 hộ dân, dự án này sẽ được thực hiện trong thời gian tới.
“Tình trạng chung của các đảo Việt Nam là thiếu nước ngọt, do đó, cần có điều tra và quy hoạch tài nguyên nước trên đảo mới đảm bảo khai thác, phát triển bền vững. Nhưng hiện nay, chưa đảo nào có quy hoạch tài nguyên nước, trừ đảo Phú Quốc”, ông Huy trăn trở.
Về việc xử lý rác thải, ông Phạm Hoàng Linh cho biết, mới đây, nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở Lý Sơn đã được đưa vào vận hành. Đây là nhà máy xử lý rác thí điểm ở huyện đảo đầu tiên trong cả nước với công suất 15,5 tấn/ngày, tổng vốn đầu tư hơn 30 tỷ đồng do Tổng cục Môi trường làm chủ đầu tư. Phương pháp chủ yếu là đốt rác thành tro, chôn lấp và ủ mùn hữu cơ sinh học thành phân bón giúp cải tạo đất trên đảo. Tuy nhiên, trung bình mỗi ngày lượng rác sinh hoạt ở Lý Sơn khoảng 20 - 30 tấn thì nhà máy này sẽ không thể đủ công suất để xử lý.
“Hiện chúng tôi đã có kiến nghị xin đầu tư thêm và nâng cấp nhà máy rác để đảm bảo xử lý lượng rác thu gom hàng ngày. Việc nhanh chóng giải quyết bài toán rác thải ở Lý Sơn vừa giúp bảo vệ được môi trường, tài nguyên biển, vừa để phát triển kinh tế và du lịch bền vững”, ông Linh nhấn mạnh.