Phát hành 1 tỷ đô la Mỹ trái phiếu Chính phủ

Thực hiện Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 16/10/2014 của Chính phủ, vào lúc 1 giờ chiều giờ San Francisco (Mỹ) ngày 6/11/2014 (tức 4 giờ sáng ngày 7/11/2014 giờ Việt Nam) Bộ Tài chính đã phát hành thành công trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm ra thị trường vốn quốc tế với tổng khối lượng 1 tỷ đô la Mỹ theo hình thức 144A/Quy chế S. Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Đức Thụ (ảnh), Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về vấn đề này.

Chúng ta vừa phát hành ra nước ngoài 1 tỷ đô la Mỹ trái phiếu Chính phủ, lãi suất 4,8%, ông có đánh giá gì về thành công này?

Vừa qua Chính phủ đã có báo cáo trước Quốc hội về thực trạng nợ công của chúng ta. Hiện nợ công của chúng ta tương đối cao và trong cơ cấu nợ công của ta phần lớn là vay ngắn hạn (dưới 5 năm) chiếm tỷ trọng tương đối lớn. Vì vậy áp lực trả nợ đối với từng năm rất cao. Tỷ trọng vay trong nước cũng chiếm tỷ lệ đáng kể; trong đó vay trong nước phần lớn là vay thương mại, lãi suất cao. Để cơ cấu lại nợ công, giảm áp lực trả nợ hàng năm, vừa qua Bộ Tài chính đã có đề án trình Chính phủ phát hành trái phiếu ra nước ngoài và đã được Chính phủ chấp thuận với nguồn vốn huy động là 1 tỷ đô la trên thị trường Mỹ. Chúng tôi được biết, số đăng ký đã lên tới cả tỷ đô la lãi suất là 4,8% với thời hạn dài hơi. So với thời kỳ chúng ta phát hành trước, bình quân từ 6 - 6,5%. Tôi cho rằng đây là thành công lớn của chúng ta.

Kiểm tra đấu thầu trái phiếu điện tử.Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN



Sở dĩ chúng ta có thể huy động được với lãi suất thấp hơn thì điều quan trọng nhất tôi cho rằng đó là tình hình kinh tế - xã hội của ta ổn định, an ninh tài chính của Việt Nam đã được các nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Biểu hiện ở chỗ các tổ chức quốc tế đánh giá mức độ tín nhiệm của nền kinh tế Việt Nam đã tăng lên, Việt Nam không chỉ là nước có chính trị ổn định, hạ tầng kinh tế - xã hội tốt, cải cách hành chính của Việt Nam đang đẩy mạnh và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tuy thấp hơn so với 5 - 7 năm về trước, nhưng cũng ở mức bình quân cao trên thế giới cũng như trong khu vực. Chính điều này các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư trên thế giới đánh giá hệ số tín nhiệm của nền kinh tế Việt Nam cao hơn, đầu tư vào Việt Nam an toàn, hiệu quả hơn. Do đó việc huy động vốn của chúng ta ở nước ngoài thông qua việc phát hành trái phiếu quốc tế dễ dàng với lãi suất thấp.

Được như vậy sẽ góp phần cho chúng ta đảo nợ, trả lại những khoản nợ có lãi suất cao, thời hạn ngắn mà chúng ta đã vay đối với nước ngoài.


Để đảm bảo an toàn nợ công, Nghị quyết của Quốc hội đề ra yêu cầu kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ không được thấp hơn 5 năm. Đây là vấn đề khó trong hoàn cảnh phát hành trái phiếu hiện nay, ông có đánh giá gì?

Thứ nhất là nhu cầu huy động vốn của năm 2015 rất lớn, ngoài 226.000 tỷ đồng vay để bù đắp bội chi ngân sách cho năm 2015 thì chúng ta phải huy động 130.000 tỷ đồng để vay đảo nợ, thanh toán những khoản nợ đến hạn là 280.000 tỷ đồng; trong khi chúng ta mới bố trí cân đối ngân sách được 150.000 tỷ đồng. Ngoài ra chúng ta còn phải phát hành thêm 80.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ để thực hiện chi cho các dự án, công trình cấp bách đã được duyệt trong nguồn phát hành trái phiếu Chính phủ. Cộng những khoản này lại cho thấy, năm 2015 lượng trái phiếu Chính phủ cần phát hành lên tới trên 450.000 tỷ đồng. Đây là số vốn lớn mà chúng ta cần tính đến.

Giai đoạn vừa qua, kênh tín dụng ngân hàng chưa được khơi thông, tăng trưởng tín dụng tháng 9, tháng 10 rất thấp, nhưng trong tháng 11 vừa qua tín dụng cho vay đã tăng lên. Vì vậy tiền tồn đọng trong hệ thống ngân hàng đã giảm xuống.

Theo Luật Ngân sách hiện hành và dự án Luật Ngân sách (sửa đổi) thì khi ngân sách nhà nước còn bội chi thì không được phát hành tiền mà phải thực hiện bằng cách vay trong và ngoài nước có thời hạn từ 5 năm trở lên. Đối với các khoản vay nước ngoài phải vay bằng ODA, không được vay thương mại để bù đắp bội chi ngân sách.

Theo Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách năm 2015, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ phát hành trái phiếu có thời hạn từ 5 năm trở lên. Điều này có ý nghĩa thực tiễn bởi tăng vay dài hạn, giảm vay ngắn hạn sẽ giảm áp lực trả nợ hàng năm, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của những năm tiếp theo. Tôi cho rằng với khối lượng vay lớn nhưng lại phải vay trên 5 năm rõ ràng rất khó khăn và là vấn đề đặt ra cho việc vay để bù đắp bội chi cũng như vay đảo rợ, vay để đầu tư các dự án công trình đã được duyệt.

Để xử lý việc trên, tôi đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tài chính và một số đồng chí trong Chính phủ cần làm theo Nghị quyết của Quốc hội đã thông qua. Trường hợp phát hành trái phiếu Chính phủ trên 5 năm không đủ thì theo Điều 62 của Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành là có thể tạm ứng từ ngân hàng Nhà nước và khoản này sẽ phải hoàn trả trong năm, trừ trường hợp đặc biệt phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định. Hiện tại CPI của chúng ta trong tháng 11 tăng trưởng âm và cả năm chỉ số giá tiêu dùng cũng chỉ ở mức trên, dưới 3% thì đây cũng là cơ hội để chúng ta ứng tiền từ ngân hàng Nhà nước theo Điều 62 của Luật Ngân sách. Nhưng tôi cũng cảnh báo rằng, qua theo dõi nhiều năm, tổng thanh toán qua ngân hàng của chúng ta luôn giữ ở mức 16 - 18%, cao hơn mức tăng trưởng kinh tế 3 lần, do đó nguy cơ lạm phát vẫn hiện hữu. Vì vậy việc tạm ứng từ ngân hàng Nhà nước là giải pháp trước mắt. Còn về lâu dài, để ổn định tiền tệ kiểm soát lạm phát thì căn cứ vào sự tín nhiệm thị trường đến giữa năm 2015, nếu thấy việc ứng tiền từ ngân hàng Nhà nước mà ảnh hưởng đến ổn định giá trị đồng tiền, kiềm chế lạm phát thì trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc báo cáo Quốc hội để xem xét cho phép sửa quy định này.

Vậy trong trường hợp huy động không đủ, Chính phủ phải trình Quốc hội về phương án khả thi nào, thưa ông?

Về nguyên tắc, những nội dung đã quy định trong Nghị quyết của Quốc hội thì chỉ có Quốc hội mới được sửa, nhưng theo luật thì có những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng điều chỉnh sửa nó không ảnh hưởng lớn đến mục tiêu thu, chi ngân sách thì theo Luật Quốc hội sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và báo cao lại Quốc hội trong kỳ họp gần nhất. Căn cứ vào quy định đó, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay Quốc hội theo đúng thẩm quyền.

Bởi mọi quy định của Nghị quyết phải đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn, phù hợp với khả năng quản lý của nhà nước, phải đảm bảo tính khả thi nếu không nó sẽ tạo ra những bất cập. Theo luật, nếu Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì với trách nhiệm của mình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Tôi cho rằng nguyên tắc quan trọng nhất là quản lý tài chính ngân sách nhà nước phải đúng thẩm quyền. Phải có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn thu chi của đất nước, khả năng của đất nước huy động của nhà nước. Tất cả những cái đó mới có ý nghĩa tích cực.

Xin cảm ơn ông!

Viết Tôn (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN