Tính đến nửa tháng 7, thu ngân sách nhà nước đã đạt 68,5% dự toán, tăng khoảng 15% so với năm 2023.
Bộ trưởng cho biết, 4 năm qua, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp và có nhiều sáng kiến, sáng tạo, toàn ngành tài chính đã vượt thu ngân sách. Nếu như năm 2021, thu ngân sách nhà nước vượt gần 15%; đến năm 2022, thu ngân sách nhà nước đã vượt 26,4%. Năm 2023, thu ngân sách nhà nước vượt hơn 8% với số tiền tương đương là hơn 131 nghìn tỷ đồng phân bổ cho các dự án đầu tư.
Do đó, theo Bộ trưởng việc lập dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 và cho 3 năm tới là vô cùng quan trọng. Bộ trưởng đề nghị các địa phương dự toán được các nguồn thu - chi; dự báo tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để khi lập dự toán phải sát, đúng với thực tiễn.
Theo ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính), khi xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2025, Bộ Tài chính đặt mục tiêu phấn đấu, thu nội địa năm 2025 tăng tối thiểu khoảng 5 - 7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2024.
Do đó, các bộ, cơ quan trung ương quản lý ngành, lĩnh vực khi xây dựng dự toán cần tính tới việc rà soát lồng ghép, bãi bỏ các chế độ, chính sách (nhất là các chính sách an sinh xã hội) chồng chéo, trùng lặp, kém hiệu quả.
Ngoài ra, chỉ đề xuất ban hành chính sách, đề án, nhiệm vụ mới khi cân đối được nguồn thực hiện; dự kiến đầy đủ nhu cầu ngân sách nhà nước theo phân cấp thực hiện các chính sách, chế độ, nhiệm vụ mới đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Đặc biệt, bố trí dự toán để thu hồi các khoản ứng trước chi ngân sách nhà nước đến hạn thu hồi trong năm theo quy định tại Điều 50 Luật ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công. Không bố trí dự toán chi cho các chính sách, chế độ chưa ban hành.