Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, tiêu cực trong đăng kiểm xe cơ giới vừa qua nguyên nhân là do phân cấp, phân quyền cho Sở Giao thông Vận tải các địa phương nhưng không đi cùng với giám sát, kiểm tra.
Việc nở rộ nhiều trung tâm đăng kiểm dẫn đến một số trung tâm đăng kiểm không đủ doanh thu để bù đắp chi phí. Từ đó, xảy ra tình trạng lôi kéo các phương tiện vận tải đến thực hiện đăng kiểm và gây ra những tình huống tiêu cực như du di bỏ qua lỗi không đạt. Thậm chí còn có hành vi dung túng, thông đồng cùng các chủ phương tiện để cơi nới và kiểm định cho các phương tiện cơi nới.
Bộ trưởng nhấn mạnh: Cục Đăng kiểm Việt Nam đã nhận hết trách nhiệm tuy nhiên, vai trò, trách nhiệm của các địa phương trong vấn đề này rất lớn, không chỉ của riêng Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Bộ trưởng cho biết tới đây, Bộ Giao thông Vận tải thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý hoạt động kiểm định xe cơ giới cho các địa phương nhưng sẽ siết chặt kiểm tra, song song với các giải pháp liên quan đến con người, ứng dụng công nghệ.
Bộ trưởng cũng đề nghị UBND tỉnh, Sở Giao thông Vận tải các địa phương phối hợp cùng Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đăng kiểm Việt Nam phân tích rõ, phát hiện và kịp thời bịt những lỗ hổng trong hoạt động đăng kiểm; đề xuất các giải pháp siết chặt những quy định đang hổng, hoặc nới lỏng những quy định đang siết chặt.
Trước đó, phát biểu tại hội nghị, ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, có 3 yếu tố liên quan đến an toàn giao thông: hạ tầng, con người và phương tiện. Từ đó, giải pháp là tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe, bố trí nguồn kinh phí duy tu bảo dưỡng hạ tầng đường bộ hàng năm nhằm đảm bảo an toàn giao thông.
Về phương tiện, ông Mai Xuân Liêm đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo vai trò, trách nhiệm của Sở Giao thông Vận tải các tỉnh trong thực hiện quản lý Nhà nước về hoạt động các trạm đăng kiểm trên địa bàn.
"Chỉ riêng lực lượng của Cục Đăng kiểm Việt Nam khó có thể kiểm soát toàn bộ hoạt động của các trung tâm đăng kiểm tại 63 tỉnh, thành trên cả nước. Do đó, cần gắn trách nhiệm của địa phương trong quản lý các trung tâm đăng kiểm cao hơn", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhìn nhận.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023 tổ chức chiều tối 2/2 vừa qua, trả lời câu hỏi về kết quả điều tra tại các Trung tâm đăng kiểm và làm gì để các hoạt động điều tra vẫn đúng quy định mà không làm ảnh hưởng đến hoạt động đăng kiểm xe của nhân dân, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, với vụ án xảy ra tại một số Trung tâm đăng kiểm, hiện nay công an các địa phương đã khám xét 32 Trung tâm đăng kiểm, khởi tố 248 bị can với các tội danh: nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ, giả mạo trong công tác, sản xuất, mua bán trao đổi công cụ, thiết bị phần mềm sử dụng vào mục đích trái pháp luật.
Có thể nói đây là vụ án tham nhũng có tổ chức, hành vi sai phạm tiêu cực có hệ thống được tổ chức xuyên suốt từ lãnh đạo Cục Đăng kiểm, lãnh đạo phòng kiểm định xe cơ giới đến giám đốc nhiều Trung tâm đăng kiểm, gây hậu quả đặc biệt lớn cho xã hội.
Qua điều tra cho thấy, một số lãnh đạo phòng kiểm định của Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận tiền hối lộ định kỳ theo tháng, theo quý của một số Trung tâm đăng kiểm để bỏ qua lỗi trong hồ sơ xin cấp phép hoạt động, bỏ qua lỗi vi phạm trong quá trình kiểm tra, đánh giá định kỳ hoặc đột xuất; ký duyệt mã đăng kiểm hoặc thuê viết phần mềm có tính năng chỉnh sửa kết quả kiểm định về khí thải, phanh hay đèn…
Trung tướng Tô Ân Xô cho biết thêm, khi cơ quan công an tiến hành khám xét một số Trung tâm đăng kiểm, có ý kiến cho rằng cơ quan công an làm ảnh hưởng đến hoạt động đăng kiểm, nhưng thực tế không phải như vậy.
Từ khi điều tra vụ án đến nay, cơ quan công an không ra quyết định nào, không ra một văn bản tố tụng nào về việc dừng hay tạm dừng hoạt động của các Trung tâm đăng kiểm và hoạt động tố tụng này hoàn toàn đúng theo quy định pháp luật. Cơ quan công an chỉ thu giữ vật chứng, tài liệu của đối tượng phạm tội.