“Tuy nhiên, vấn đề phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công vẫn là một “điểm mờ” trong bức tranh sáng của tổng thể nền kinh tế. Việc phân tích, làm rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng cá nhân để rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra các giải pháp hiệu quả là rất cần thiết”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2019 ước đạt trên 192 nghìn tỷ đồng, bằng 45,17% so với kế hoạch Quốc hội giao và bằng 49,14% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2018; trong đó, giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ và ODA đều đạt thấp.
Theo đó, có 7 Bộ, ngành và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70%; trong đó, 4 Bộ ngành và 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 80%. Nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn dưới mức bình quân chung, có 31 Bộ, cơ quan trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%; trong đó, 17 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%.
Nhìn chung, thực trạng giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 9 tháng năm 2019 cơ bản tương tự như các năm trước, tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp, xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm.
Bên cạnh nguyên nhân do tâm lý ngại giải ngân nhiều lần, ngại làm thủ tục thanh quyết toán vốn nhiều lần của cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án và cả nhà thầu, chủ yếu thực hiện vào thời điểm kết thúc năm, thì xu hướng giải ngân tăng dần vào cuối năm còn do nguyên nhân cơ bản về tính chất đặc thù của chi đầu tư so với chi thường xuyên.
Bộ trưởng Dũng cho biết, chi thường xuyên là để đảm bảo các hoạt động hằng tháng, nhu cầu chi tiêu và giải ngân cơ bản giống nhau giữa các tháng. Chi đầu tư đòi hỏi phải có một quá trình thực hiện và tích lũy giá trị khối lượng hoàn thành mới có thể thực hiện các thủ tục giải ngân vốn tại kho bạc, thậm chí có trường hợp hoàn thành toàn bộ gói thầu mới thực hiện thanh toán, đặc biệt là dự án mua sắm trang thiết bị.
Cụ thể, ước thực hiện 9 tháng vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước đạt trên 230 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 55% kế hoạch được giao. Theo đó, có khoảng 38 nghìn tỷ đồng giá trị khối lượng thực hiện chưa làm thủ tục hoặc đang làm thủ tục giải ngân tại kho bạc. Nếu số vốn này được giải ngân hết thì tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn 9 tháng cao hơn cùng kỳ.
Tỷ lệ giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ và ODA thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, chủ yếu là do năm 2019 phải thực hiện đồng thời với thủ tục điều chỉnh kế hoạch trung hạn, điều chỉnh hiệp định, nhiều dự án chưa kịp điều chỉnh để đi vào thực hiện, nhiều dự án trái phiếu Chính phủ vào chu kỳ cuối, kết thúc thực hiện và giải ngân, các dự án trái phiếu Chính phủ quy mô lớn như: dự án đường cao tốc Bắc - Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án hạ tầng giao thông... chiếm tới gần 50% tổng số vốn trái phiếu Chính phủ của kế hoạch năm 2019 nhưng tiến độ giải ngân rất chậm, nên đã ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.
Để hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2019 trong những tháng cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất cần tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến các quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, góp phần đẩy mạnh phân bổ, giao kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ xem xét, cho phép không áp dụng quy định dự án phải có quyết định đầu tư trước 31/10 năm trước, bao gồm cả nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư; không áp dụng quy định tiết kiệm 10% trên tổng mức đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ. Đồng thời, Bộ nghiên cứu để trình cấp có thẩm quyền cho phép giao kế hoạch năm 2020 theo hướng đổi mới, phù hợp với Luật Đầu tư công năm 2019, rút kinh nghiệm triệt để tình trạng giao chậm, giao nhiều lần như trước đây.
Bên cạnh đó, cần xác định các nhiệm vụ cụ thể của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các bộ, ngành trung ương và địa phương trong toàn bộ các hoạt động liên quan đến phân bổ, giao kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư công của kế hoạch năm 2019; trong đó, đặc biệt là tăng cường trách nhiệm trong phối hợp giữa các cơ quan tổng hợp, cơ quan chuyên môn trong việc đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian góp ý kiến, giải quyết các thủ tục liên quan đến phân bổ, giao kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch, đăng ký thanh toán, xét duyệt hồ sơ thanh toán vốn tại kho bạc....
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công; trong đó, các cơ quan chuyên môn về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát cần vào cuộc để góp phần phát hiện, xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với giải ngân, ngăn chặn những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật, bảo đảm đầu tư công được công khai, minh bạch, hiệu quả.
“Đối với người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải ngân không chỉ cho năm 2019 mà còn có trách nhiệm đối với dự kiến kế hoạch năm 2020 của đơn vị mình. Bộ cũng kiến nghị kiên quyết không bố trí vốn kế hoạch năm 2020 đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước (vốn trong nước) đến ngày 30/11/2019 giải ngân đạt dưới 50% kế hoạch vốn năm 2019 được giao đầu năm, trừ những dự án mua sắm trang thiết bị”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.