Petrolimex đẩy mạnh tái cơ cấu và nâng cao năng lực cạnh tranh

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 60 năm và đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhất (lần 2) do Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tổ chức sáng 12/1, lãnh đạo Petrolimex nhấn mạnh sẽ tiếp tục lấy xăng dầu là trục chính và từng bước áp dụng công nghệ để xây dựng thương hiệu cũng như nâng cao lợi thế cạnh tranh.

Đặc biệt, giai đoạn tới, Petrolimex sẽ tiếp tục thực hiện tái cấu trúc để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Petrolimex, sau cổ phần hóa, công tác quản trị doanh nghiệp từng bước thay đổi nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của hội nhập. Petrolimex là một trong những doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn đã đi đầu trong thực hiện cổ phần hóa, tái cấu trúc hình thành tập đoàn kinh tế đa sở hữu thưc chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng dự Lễ Kỷ niệm 60 năm Petrolimex và trao Huân chương ​Độc lập hạng Nhất cho tập đoàn.

Thực hiện đề án tái cấu trúc tập đoàn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Petrolimex đã đề ra mục tiêu và giải pháp để hoàn thành cổ phần Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam để chuyển đổi sang mô hình  công ty cổ phần hoạt động theo mô hình công ty mẹ và  công ty con, cơ cấu lại các lĩnh vực kinh doanh chính, xây dựng phương án thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu vốn tại ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản theo quy định của Nhà nước…

Ông Bùi Ngọc Bảo nhấn mạnh: “Việc thực hiện tái cơ cấu đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần minh bạch hóa hiệu quả của hoạt động kinh  doanh xăng dầu, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bình ổn thị trường xăng dầu, góp phần thực hiện ổn định các cơ cấu lớn của nền kinh tế.  Petrolimex cũng đã nỗ lực áp dụng công nghệ quản trị doanh nghiệp tiên tiến để nâng cao năng suất lao động. Sau tái cấu trúc, Petrolimex đã trở thành doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn. Tuy cổ phần Nhà nước nắm giữ còn cao nhưng đã về sở hữu đã có sự tham gia của các thành phần kinh tế khác, tạo thay đổi nhận thức tích cực về tư duy quản trị doanh nghiệp  hình thành doanh nghiệp vận hành theo quy luật thị trường, sự tin cậy trong mắt nhà đầu tư và người tiêu dùng được nâng lên đáng kể. Có thể  nói, cổ phần hóa gắn với tái cơ cấu đã tạo ra sự đột phá của Petrolimex, tạo ra sự thay đổi sâu sắc trong nội tại doanh nghiệp”.

Hệ thống bồn bể chứa xăng dầu của Công ty Xăng dầu B12. Ảnh: TTXVN

Về định hướng phát triển giai đoạn 2015 – 2020, Petrolimex xác định sẽ tiếp tục tái cấu trúc tập đoàn để thực hiện các nhiệm vụ sau đây: Một là, thực hiện thành công đề án tái cơ cấu tập đoàn đã được Thủ tướng phê duyệt, tập trung thực hiện kế hoạch tái cấu trúc giai đoạn 2015 – 2020, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có tiềm lực, có kinh nghiệm để trở thành cổ đông chiến lược; thực hiện thoái vốn và cơ cấu lại sở hữu của tập đoàn và các  đơn vị thành viên; xây dựng Petrolimex thành tập đoàn phát triển bền vững, trong đó, kinh doanh xăng dầu là trục chính; đầu tư phát triển đa dạng các lĩnh vực khác như hóa dầu, vận tải xăng dầu và các lĩnh vực trở thành những doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam. Hai là  đổi mới nâng cao năng lực điều hành và hiệu quả sử dụng vốn, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả  sản xuất kinh doanh, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đề nghị Petrolimex chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ, khẳng định thương hiệu trong khu vực và trên trường quốc tế, qua đó thể hiện được vai trò chủ đạo và làm tốt cung ứng, dự trữ xăng dầu phục vụ an ninh năng lượng quốc gia cũng như đảm bảo nhu cầu nhiên liệu của nhân dân.

"Tôi đánh giá cao kết quả mà Petrolimex đạt được thời gian qua; luôn thể hiện tính sáng tạo trong công tác, góp phần nâng cao năng suất lao động và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Công Thương giao", Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Petrolimex đã trở thành tập đoàn kinh tế đa ngành, một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam xét về quy mô doanh thu (bình quân 5 năm trở lại đây khoảng 200.000 tỷ đồng/năm), chỉ sau Petrovietnam; chiếm lĩnh thị phần xăng dầu khoảng 50%, đặc biệt trong bối cảnh thị trường xăng dầu ngày càng cạnh tranh. Bên cạnh trục chính kinh doanh xăng dầu, Petrolimex đang đẩy mạnh hoạt động của một số tổng công ty hàng đầu Việt Nam như: Tổng công ty Vận tải thủy Petrolimex (PG Tanker); Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex (PLC); Tổng công ty Gas Petrolimex (PGC), Tổng công ty Bảo hiểm Petrolimex (Pjico)... Thương hiệu Petrolimex được khách hàng cả nước biết đến.
PV
Petrolimex nhận bàn giao vốn từ Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam
Petrolimex nhận bàn giao vốn từ Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam

Việc bàn giao vốn từ Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam sang Petrolimex đánh dấu bước thay đổi phát triển quan trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN