Trước đó, Bộ Tư pháp Mỹ và một tòa án tại thủ đô Washington đã đưa ra cáo buộc trên đối với Panasonic Avionics Corp, một công ty con của Panasonic chuyên thiết kế các hệ thống giải trí trên máy bay.
Bộ Tư pháp Mỹ đã đồng ý hoãn truy tố hình sự đối với Panasonic Avionics. Đổi lại, công ty này sẽ phải nộp hơn 137 triệu USD tiền phạt. Bên cạnh đó, công ty "mẹ" Panasonic cũng phải trả 143 triệu USD để dàn xếp các cáo buộc dân sự với Ủy ban giao dịch và chứng khoán Mỹ (SEC), cơ quan chịu trách nhiệm điều tra những hành vi vi phạm luật chống đút lót. Những cáo buộc dân sự của SEC đối với Panasonic Avionics còn bao gồm cả tội gian lận tài chính. Như vậy, tổng tiền phạt của Panasonic trong cả hai vụ kiện lên tới 280 triệu USD.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết hành vi phạm tội của Panasonic Avionics diễn ra từ năm 2007-2013. Trong đó điển hình có vụ việc diễn ra vào tháng 7/2007, khi Panasonic đã trả cho một quan chức ở nước ngoài khoản tiền 875.000 USD trong suốt 6 năm, để có được các hợp đồng làm ăn với các hãng hàng không. Nhưng các khoản này vẫn được hạch toán vào sổ sách của Panasonic Avionics như những khoản thanh toán cho các dịch vụ tư vấn hợp pháp.
Những năm gần đây, Bộ Tư pháp Mỹ vẫn cho các doanh nghiệp được hưởng "khoan hồng" nếu họ tự thú nhận các khoản tiền bất hợp pháp trả cho các quan chức nước ngoài. Tuy nhiên, trong trường hợp của Panasonic Avionics, bộ trên cho biết phải đến khi SEC bắt đầu tiến hành điều tra thì công ty này mới thừa nhận.