Cần cẩu nâng vật liệu tại một công trình xây dựng ở Manchester, Anh. Ảnh: Getty Images |
Phóng viên TTXVN tại Pháp dẫn nhận định của giới phân tích cho rằng năm 2016 sẽ là năm có sự phân hóa về tăng trưởng kinh tế trên thế giới với hai xu hướng: một là củng cố sự phục hồi của các nước phát triển với mức tăng trưởng trung bình khoảng 2% so với mức chỉ hơn 1% trong giai đoạn 2010-2014; hai là sự giảm tốc mạnh ở các nước mới nổi với mức tăng trưởng giảm chỉ còn khoảng 2,4% so với mức 5% giai đoạn 2010-2014.
Về xu hướng thứ nhất, các nước phát triển đã cơ bản thoát khỏi khủng hoảng, đang trong giai đoạn phục hồi và có sự phục hồi chắc chắn hơn trong năm tới. Liên minh châu Âu (EU) và khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) được coi là đầu tàu tăng trưởng kinh tế thế giới 2016 bởi đây là khu vực duy nhất sở hữu tiềm năng tăng trưởng ổn định. Các tổ chức tài chính lớn như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và giới chuyên gia đều nhận định năm 2016, Eurozone sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn so với mức tăng trưởng chung ước đạt hơn 1% trong năm nay. Các chỉ số kinh tế gần đây của Mỹ cũng khả quan từ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đến sản xuất công nghiệp, lạm phát, thất nghiệp và tạo việc làm. Dự báo tăng trưởng GDP của nước này năm 2016 có thể đạt trên 3%.
Xét về xu hướng thứ hai, các nước mới nổi sẽ phải hứng chịu nhiều sức ép trong năm 2016: từ năng lực nội tại yếu đến việc suy giảm tốc độ tăng trưởng do bất lợi về giá nguyên liệu đầu vào, cũng như do sự bất ổn từ việc Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED) nâng lãi suất. Trong số các nước mới nổi, khu vực Nam Mỹ là đáng lo ngại nhất vì chịu tác động trực tiếp từ cuộc khủng hoảng giá các loại nguyên liệu đầu vào, cũng như từ sự suy giảm sản lượng xuất khẩu, dẫn tới sụt giảm tổng giá trị xuất khẩu. Tương tự, Brazil cũng có nguy cơ rơi vào giảm phát.
Giới chuyên gia dự đoán, tại châu Âu, Nga có thể sẽ đối diện với tình trạng giảm phát nghiêm trọng với mức tăng trưởng âm -4,7% trong năm tới, đồng thời cảnh báo việc FED nâng lãi suất cơ bản và phát đi tín hiệu thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ có nguy cơ dẫn đến một làn sóng rút vốn, thoái vốn và chạy vốn tại các nước mới nổi về Mỹ. Tình hình kinh tế tăng trưởng thấp tại các nước này cũng sẽ kéo theo nguy cơ về một cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ mới. Tuy vậy, một số nước mới nổi ở châu Á có thể tận dụng giai đoạn giá nguyên liệu đầu vào thấp để kích thích tăng trưởng (trường hợp của Ấn Độ) còn các nước phát triển được lợi từ việc giá nguyên liệu đầu vào giảm, lãi suất ở mức rất thấp và chính sách tiền tệ nới lỏng ở châu Âu.