Ốc hương bị chết được thu gom vào bao tải để ở ven đường ở xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN |
Kết quả này do Trung tâm Nghiên cứu giống và dịch bệnh thủy sản – Trường Đại học Nha Trang đưa ra, sau khi tiến hành xét nghiệm nhiều mẫu để xác định tác nhân gây bệnh.
Trong khi đó, theo điều tra, phân tích thực địa của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Khánh Hòa, vùng nuôi ốc hương không bị ảnh hưởng bởi các khu vực ô nhiễm như khu công nghiệp, sinh hoạt khu dân cư. 40% số lượng giống có nguồn gốc nhập từ thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) nhưng không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Người dân sử dụng thức ăn nuôi ốc hương là thực phẩm tươi, gồm các loại cá tạp, tôm, cua… Khu vực nuôi chỉ có một mương cấp thoát nước chung nên dễ lây lan dịch bệnh ra diện rộng trong vùng nuôi.
Ngoài ra, đa số đìa nuôi chưa trang bị các dụng cụ đo môi trường như pH, độ kiềm, amoniac… nên chưa kiểm soát được sự thay đổi của các yếu tố môi trường đìa nuôi để kịp thời xử lý khi có sự cố. Đây là những nguyên nhân chủ quan khiến môi trường nuôi bị ô nhiễm, bệnh dịch trên ốc hương bùng phát và lây lan.
Về yếu tố khách quan, thời tiết gần đây có sự biến đổi lớn, ảnh hưởng của các đợt áp thấp và bão, gây mưa lớn bất thường, làm biến động các yếu tố môi trường ao nuôi, gây hiện tượng giảm sức khỏe của thủy sản nuôi.
Như tin đã đưa, hiện tượng ốc hương chết diễn ra rải rác và lan rộng tại các xã Ninh Thọ, Ninh Hải, Ninh Phước và Ninh Phú thuộc thị xã Ninh Hòa, kéo dài từ giữa tháng 7/2017 đến nay. Cả vùng nuôi ốc hương nói trên có diện tích khoảng 300 ha; trong đó xã Ninh Thọ chiếm hơn phân nửa.
Ốc hương bị chết để ở ngay trên bờ ao ở xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN |
Hiện nay, ngoài việc giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh ở các vùng nuôi ốc hương, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Khánh Hòa cũng khuyến cáo người nuôi ốc hương cần chú ý theo dõi dự báo sự thay đổi của thời tiết, kiểm soát chặt chẽ số lượng và chất lượng thức ăn, dừng cho ăn khi ốc có dấu hiệu giảm ăn, không thay nước nếu nghi ngờ nguồn nước cấp.
Trong trường hợp ốc chết nhiều, người nuôi cần chủ động lấy mẫu và gửi mẫu (còn sống) về phòng xét nghiệm Trung tâm Nghiên cứu giống và dịch bệnh thủy sản thuộc Trường đại học Nha Trang để xét nghiệm và làm kháng sinh đồ.
Bên cạnh đó, người nuôi nên ngưng thả giống khi trong vùng đang còn dịch bệnh và chọn phương thức nuôi san thưa ốc để đảm bảo mật độ không quá dày nhằm dễ quản lý và xử lý khi có hiện tượng bệnh. Đặc biệt, cần giữ vệ sinh môi trường chung và thực hiện chế độ vệ sinh định kỳ đìa nuôi.