Người dân tại các một số tỉnh miền Tây Nam Bộ có mô hình nuôi lươn trên cạn đem lại hiệu quả kinh tế khá cao và cách nuôi không quá phức tạp.
Với lượng lươn giống ban đầu là 400 kg (bình quân 25 - 30 con/kg), sau 7 - 9 tháng nuôi, ông Phạm Văn Thới, dân tộc Khmer, ở tỉnh An Giang đã cho thu hoạch khoảng 980 kg lươn thịt. Giá bán bình quân 70.000 - 140.000 đồng/kg, trừ chi phí, ông thu lãi gần 29 triệu đồng. Mô hình nuôi lươn trên cạn này được người dân miền Tây áp dụng nhiều trong mùa nước nổi.
Nuôi lươn trên cạn, cho thu nhập cao. |
Theo ông Thới, khi làm bồn nuôi lươn trên cạn nên hướng về phía mặt trời, tránh gió to. Diện tích bồn nuôi thích hợp nhất là 10 - 20 m2, chiều cao 1 - 1,3 m. Trong bồn, người nuôi nên cho thêm đất ruộng để lươn có chỗ cư trú, đồng thời độn thêm cỏ mục, trồng lục bình, rau mác, rau dừa để tạo bóng râm cho lươn.
Mực nước trong bồn khoảng 20 - 30 cm vì nếu sâu quá sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của lươn. Người nuôi cũng cần giữ sạch môi trường sống cho lươn bằng cách thay nước trong bồn mỗi ngày. Đồng thời, lươn giống khi mới đem về không nên cho ăn ngay trong thời gian đầu.
Cũng theo ông Thới, người dân có thể tận dụng diện tích đất quanh nhà, để bố trí bồn nuôi. Thời điểm nuôi lươn trên cạn lý tưởng nhất là mùa nước lũ, vì đây là lúc phù hợp với thời gian sinh trưởng, phát triển của loài này. Ngoài ra, giai đoạn này, nguồn con giống khá dồi dào.
Thức ăn cho lươn vào mùa nước nổi cũng dễ kiếm hơn so với các giai đoạn khác. Nuôi lươn mùa này, người dân cũng có thể thu hoạch vào những tháng sau Tết nên giá bán khá cao, lợi nhuận tốt hơn, để tránh thất thu hay tái diễn vòng luẩn quẩn "được mùa, rớt giá".
KT