Xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên có 9 km sông Lô chảy qua. Từ năm 2006, người dân trong xã triển khai nuôi cá lồng đặc sản. Tuy nhiên, do ban đầu chỉ là tự phát và không chú trọng vào việc xây dựng thương hiệu sản phẩm nên hiệu quả kinh tế không cao. Do vậy, năm 2016, các hộ dân nuôi cá lồng nơi đây đã cùng nhau thành lập Hợp tác xã Nuôi cá đặc sản Thái Hòa để chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm.
Ông Phan Thanh Bình, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất - Kinh doanh cá đặc sản Thái Hòa cho biết, hiện hợp tác xã có 12 thành viên đều nuôi cá lồng trên sông Lô thuộc thôn Ba Luồng, Bình Thuận, với tổng quy mô 63 lồng nuôi cá chiên, cá bỗng. Nuôi cá lồng, nhất là cá chiên, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là một trong năm loài cá “ngũ quý” trên sông Lô. Mỗi lồng có thể thả khoảng 100 con cá chiên. Mỗi lứa nuôi từ một năm rưỡi đến hai năm, khi cá đạt trọng lượng từ 1,5 đến 2 kg thì có thể xuất bán. Với giá bán cá trung bình từ 500 - 600 nghìn đồng/kg, trung bình mỗi năm trừ chi phí mỗi hộ nuôi cá lãi từ 100 đến 300 triệu đồng.
Cũng theo ông Bình, hiện sản phẩm cá chiên của hợp tác xã đã được công nhận vệ sinh an toàn thực phẩm vê chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Cùng với đó, thực hiện Chương trình quốc gia về Xây dựng nông thôn mới, với phương châm “mỗi xã một sản phẩm” xã Thái Hòa chọn xây dựng thương hiệu cá chiên Thái Hòa là sản phẩm thủy sản mũi nhọn của địa phương.
Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Tuyên Quang, hiện toàn tỉnh có khoảng 100 hộ nuôi cá lồng trên sông Lô, sản lượng khoảng trên 200 tấn/năm. Trong số đó, nhiều địa phương trong tỉnh, nghề nuôi cá lồng đã hình thành được các vùng tập trung quy mô hàng hóa như xã Thái Hòa (Hàm Yên), xã Đông Thọ (Sơn Dương), xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa), phường Nông Tiến (thành phố Tuyên Quang)…
Một điều đáng chú ý, những năm gần đây, các hộ nuôi cá lồng trên sông Lô đang có sự dịch chuyển từ các loài cá truyền thống sang nuôi cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như cá chiên, cá bỗng, cá lăng chấm, cá chình... chiếm khoảng 50%. Nhờ đó, nuôi trồng thủy sản ở Tuyên Quang đang dần khẳng định được vai trò của mình trong phát triển kinh tế xã hội, giải quyết việc làm nâng cao thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, việc phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông cũng đang gặp phải một số vướng mắc như: Diện tích mặt nước trên các sông có thể nuôi cá lồng còn hạn chế; nguồn nước sông chịu tác động của biến đổi khí hậu, việc điều tiết xả nước của các nhà máy thủy điện nơi đầu nguồn đã ảnh hưởng tới việc nuôi trồng thủy sản của các hộ dân ở phía hạ du, ô nhiễm môi trường nước do rác thải sinh hoạt và công nghiệp đã tác động không nhỏ đến việc nuôi cá lồng. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ phụ thuộc chủ yếu vào thương lái, chưa tổ chức được nhiều mô hình liên kết sản xuất nên giá các sản phẩm không ổn định...
Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, thời gian tới, để nghề nuôi cá lồng trên sông mang lại hiệu quả cao, ngoài tập trung thực hiện hiệu quả Đề án phát triển thủy sản tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2019 – 2025, tỉnh Tuyên Quang sẽ đẩy mạnh tập huấn cho người dân quy trình nuôi cá lồng trên sông theo hướng VietGAP; đa dạng hóa các loại cá nuôi, hướng vào các đối tượng thủy sản nước ngọt có giá trị cao, đặc sản như cá chiên, bỗng, lăng chấm…
Đồng thời, tỉnh tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, gắn với truy xuất nguồn gốc để tiêu thụ và quảng bá sản phẩm cho người dân; khuyến khích liên kết sản xuất theo chuỗi giữa doanh nghiệp và người nuôi hoặc hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác tạo điều kiện về nguồn lực đầu tư nhằm phát triển nghề nuôi cá lồng theo hướng tập trung, tăng giá trị sản phẩm, gắn với thị trường tiêu thụ.
Song song với đó, tỉnh Tuyên Quang tập trung nâng cao chất lượng con giống bảo đảm sạch bệnh, chất lượng tốt, có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng. Khuyến khích các tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh đầu tư sản xuất, kinh doanh thức ăn thủy sản đạt chất lượng; trong đó, khuyến khích các hộ nuôi thủy sản, sử dụng máy chế biến thức ăn nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương…
Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025, phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi cá lồng đặc sản trên sông trở thành ngành kinh tế hàng hóa quan trọng trong cơ cấu nông nghiệp của tỉnh; với tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 9.714 tấn; trong đó, các đặc sản đạt hơn 1.144 tấn.