Mong muốn của các hộ nuôi con vật này là đàn cá chép đỏ mạnh khỏe, sinh trưởng tốt, hình thể cá và màu sắc vật nuôi tươi đẹp, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của đông đảo người dân.
Ông Bùi Thanh Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lập, huyện Vĩnh Tường, cho hay, Hiện toàn xã Yên Lập có khoảng 300 hộ gia đình tham gia nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích ao nuôi khoảng 60 ha; trong đó có khoảng 30 hộ nuôi cá chép đỏ ở các thôn Phủ Yên 1, Phủ Yên 2, Phủ Yên 3... Mỗi năm, các hộ dân ở các thôn trong xã Yên Lập cung cấp cho thị trường chục tấn cá chép đỏ phục vụ Tết ông Công, ông Táo (Ngày 23 tháng Chạp).
Ông Bùi Văn Hòa, ở thôn Phủ Yên 1, xã Yên Lập cho biết, gia đình có khu ao rộng 2 ha để nuôi các loại cá. Trong số đó, có nghề nuôi cá chép đỏ gia đình đã duy trì được 15 năm trong một phần khu ao của gia đình khoảng 7.000 m2. Mỗi năm gia đình ông Hòa cung ứng ra thị trường khoảng trên dưới 2 tấn cá chép đỏ và thời điểm bán nhiều nhất, tập trung vào ngày 19 đến 22 tháng Chạp hàng năm.
Đặc điểm của cá chép đỏ là nuôi thời gian ngắn khoảng 4 đến 5 tháng và lúc thu hoạch đưa ra thị trường cá chép đạt 25 đến 30 con/kg, đây là tầm vóc cá đang được người dân ưa chuộng. Giá cá chép đỏ bán buôn cho các tiểu thương từ nới khác về lấy tại ao, hồ giao động ở mức 80-120 nghìn đồng/kg. Thông thường người nuôi cá chép đỏ có mức lãi chiếm tới 50% doanh thu và mức lời này cao hơn so với các loài tôm, cá khác.
Những năm gần đây, mỗi năm gia đình ông Bùi Văn Hòa cung ứng cho thị trên dưới 2 tấn cá chép đỏ vào dịp trước ngày Tết ông Công, ông Táo thu về trên dưới 200 triệu đồng; trong đó lời khoảng 100 triệu đồng/năm từ con cá chép đỏ. Ngoài ra, mỗi năm gia đình ông Hòa còn thu lời khoảng 1 tỷ đồng từ việc nhân cá giống và nuôi cá thịt tại diện tích ao nuôi của gia đình.
Ở thôn Phủ Yên 1, xã Yên Lập còn có gia đình anh Bùi Văn Tiếp và anh Bùi Văn Kế cũng là người nuôi cá chép đỏ thành công… Riêng gia đình Tiếp mỗi năm vào dịp 23 tháng Chạp cũng cung ứng cho thị trường trên 1 tấn cá chép đỏ thu về cho gia đình trên 100 triệu đồng.
Anh Quảng- một công chức địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường xã Yên Lập cho biết tuy nuôi cá chép đỏ có tính thời vụ, nhưng lại mang giá trị kinh tế cao và đã trở thành vụ thu nhập chính cho nhiều hộ dân trong xã.
Để tránh những rủi ro, chính quyền xã thường xuyên tuyên truyền vận động người dân tìm hiểu, nghiên cứu kỹ nhu cầu của thị trường để sản xuất cá chép đỏ mức độ phù hợp, tránh sản xuất ồ ạt, chạy đua, vật nuôi này làm ra quá nhiều, dư thừa dẫn tới không tiêu thụ được. Hầu hết các hộ dân nuôi cá chép đỏ trong xã Yên Lập đã xây dựng kế hoạch sản xuất, chăn nuôi kết hợp với các loại cá thịt, cá giống…để đa dạng hóa sản phẩm.
Theo một số hồ nuôi cá chép đỏ ở Yên Lập, cá chép đỏ là con vật có sức đề kháng tốt, dễ nuôi, thức ăn là cám, ngô, bèo tấm… Năm nay khí hậu, thời tiết thuận lợi, nên cá chép đỏ sinh trưởng, phát triển tốt. Năm 2022, nhiều dân nuôi trồng thủy sản ở xã Yên Lập đã trúng vụ cá giống, được mùa nuôi cá thịt và hy vọng con cá chép đỏ trong dịp Tết ông Công, ông Táo tới đây đem lại cho người dân Yên Lập nguồn thu cao, nguồn lợi nhuận lớn, góp phần xây dựng nông thôn mới của quê hương Vĩnh Phúc thành công…