Các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang ráo riết thực hiện các giải pháp ứng phó để đảm báo sinh kế cho người dân toàn vùng.
Toàn dân trữ nước
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh từ tháng 12/2019 và liên tục tăng cao cho đến nay, hiện đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long (trừ An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ).
Hiện có khoảng 95.600 hộ dân đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt hàng ngày, nhiều nơi ở Bến Tre, Tiền Giang, Long An... các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn phải hỗ trợ nước ngọt cho dân. Do đó, các địa phương đã cấp tốc thực hiện các giải pháp vận hành công trình thủy lợi, tăng cường giải pháp trữ nước ngọt để phục vụ cho người dân trong khu vực bị ảnh hưởng.
Ông Bùi Văn Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, tỉnh đã sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vận chuyển nước ngọt từ tỉnh khác về cung cấp cho người dân trong thời điểm hạn mặn tăng cao như hiện nay.
Bên cạnh đó, tỉnh Bến Tre cũng đầu tư các trạm bơm để bơm nước ngọt bổ cấp vào các đập tạm, đưa nước ngọt về hồ chứa, nhà máy cung cấp nước để có nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Đối với nguồn nước sông nhiễm mặn hiện nay, tỉnh Bến Tre cũng đã đầu tư 12 hệ thống xử lý nước mặn RO tại các nhà máy cấp nước nông thôn để cấp nước ngọt sạch cho 13.000 hộ dân ở khu vực nông thôn chưa tiếp cận được nước sạch.
Đối với các công trình thủy lợi điều tiết mặn – ngọt trong tỉnh Bến Tre, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đẩy nhanh tiến độ vận hành các trạm bơm, trạm quan trắc tự động để kịp thời bơm cấp nước bổ sung cho hồ chứa nước ngọt, các đập tạm khi độ mặn ở mức cho phép, nhất là hồ chứa tạm trên sông Ba Lai. Tỉnh Bến Tre cũng đẩy nhanh tiến độ nạo vét các tuyến kênh để khơi thông dòng chảy dẫn nước ngọt đến các nhà máy cấp nước.
Gần đây nhất, UBND tỉnh Bến Tre cũng đã triển khai dự án Quản lý nước Bến Tre (JICA3) với tổng mức đầu tư hơn 6.100 tỷ đồng, bằng nguồn vốn vay của Chính phủ Nhật Bản. Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, dự án triển khai trên các huyện Châu Thành, Bình Đại, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam và thành phố Bến Tre, với mục tiêu kiểm soát mặn cho 204.270 ha diện tích đất tự nhiên; trong đó có khoảng 110.442 ha đất nông nghiệp và cấp nước ngọt cho hơn 207.000 hộ dân.
Dự án này tăng cường bảo vệ và nâng cao việc sử dụng nguồn nước để bảo vệ sản xuất nông nghiệp, vùng dự án không bị đe dọa bởi xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sự khai thác quá mức thượng nguồn sông Mekong.
Hướng đến thuận thiên
Trước đây, vì vấn đề an ninh lương thực, vùng Đồng bằng sông Cửu Long được quy hoạch xây dựng hệ thống đê bao khép kín để sản xuất lúa 3 vụ, đồng thời, cả hệ thống thủy lợi ngăn mặn trữ ngọt cũng được đầu tư mạnh mẽ để phục vụ cho nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, lịch sử hàng trăm năm qua của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long chính là biết chủ động thích ứng, thuận thiên, hợp địa, tôn trọng quy luật tự nhiên để chuyển kế mưu sinh.
Theo TS. Trần Hữu Hiệp (Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cũ), trong một số tiểu vùng bị hạn, mặn nghiêm trọng, vẫn có nhiều nông dân “né hạn” nhờ chủ động thay đổi lịch thời vụ, sử dụng giống ngắn ngày, chủ động trữ nước tưới trong vườn.
Hệ thống thủy lợi của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong những năm qua chủ yếu để ngăn mặn, thoát lũ thì hiện nay có thể tích hợp trữ ngọt, trữ lũ để tích nước cho đồng bằng trong mùa khô. Tư duy đó cần được nâng tầm lên bằng việc rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể vùng, từng tiểu vùng, ngành, nhất là quy hoạch sản xuất thủy lợi, giao thông.
Đặc biệt, đối với sản xuất nông nghiệp áp dụng 3 chuyển dịch, đó là chuyển dịch lịch thời vụ né hạn mặn, sử dụng giống cây trồng vật nuôi phù hợp hạn mặn, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả hơn cây lúa, kèm theo các giải pháp kỹ thuật, gắn với thị trường tiêu thụ để đảm bảo thành công.
Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long phân tích, ranh giới mặn - ngọt ở khu vực này là sự "tranh chấp" ngày đêm giữa sông và biển. Khi nào nước sông yếu thì biển mạnh, mặn lấn vào sâu. Năm nào nước lũ trên sông Mekong thấp, mùa khô năm sau sẽ gay gắt. Vì vậy, các giải pháp ứng phó hạn, xâm nhập mặn cũng phải dựa trên 2 yếu tố này để quy hoạch, chuyển đổi, người dân đồng bằng cũng nương theo điều kiện thời tiết mà sinh sống. Do đó, không thể vì thời điểm hạn hán, xâm nhập mặn khắc nghiệt đỉnh điểm như năm nay mà đưa ra các quy hoạch chống lại thiên nhiên.
Cũng dựa trên yếu tố thuận thiên này, tỉnh Kiên Giang đã có những quy hoạch phù hợp với biến đổi khí hậu hiện nay. TS. Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, rút kinh nghiệm từ hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016, thời điểm trước Tết Nguyên đán 2020 một tháng, UBND tỉnh Kiên Giang đã có quyết định đóng cửa các cống ngăn mặn ngay thời điểm còn nước ngọt bên ngoài cửa cống.
Chính vì vậy, dù là một trong 5 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nằm trong diện báo động thiên tai, nhưng người dân tỉnh Kiên Giang vẫn không rơi vào tình trạng thiếu nước ngọt sử dụng. Đối với diện tích lúa bị thiệt hại, đây là khu vực của vùng U Minh Thượng, hiện chưa có hệ thống cống ngăn mặn nên nước mặn theo vào các cửa sông này. Tuy nhiên, so với năm 2016, tỉnh đã khắc phục đáng kể.
Hiện nay, tỉnh Kiên Giang đang thực hiện dự án sông Cái Lớn - Cái Bé, song song với việc thay đổi hệ thống điều khiển các cửa cống trong tỉnh, chuyển sang hệ thống cống điều tiết mặn - ngọt thay vì chỉ ngăn mặn như trước đây, giúp hệ thống thủy lợi của tỉnh Kiên Giang linh hoạt hơn trong việc điều tiết nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Qua đó, có thể thấy việc ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là đối phó với thiên tai, mà các địa phương còn phải chủ động linh hoạt với thiên nhiên, đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, thuận theo điều kiện tự nhiên để sản xuất, sống cùng đồng bằng dài lâu.