Theo các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn, đến hết ngày 25/3/2014 trên địa bàn tỉnh đã có khoảng trên 2.000 xe chở hàng nông sản bị dồn ứ chờ xuất hàng qua Cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn). Trước tình trạng này, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tạo mọi điều kiện tốt nhất để hàng hóa được xuất bán thuận tiện, nhanh chóng.
Đến hẹn lại lên
Trên tuyến đường từ thành phố Lạng Sơn lên Cửa khẩu Tân Thanh những ngày qua, hàng nghìn xe chở nông sản nối đuôi nhau chờ xuất hàng sang Trung Quốc; trong đó có tới trên 70% là dưa hấu, còn lại là thanh long, chuối xanh và các mặt hàng khác. Việc ách tắc hàng là hiện tượng “thường niên” mỗi khi dưa hấu ở các tỉnh phía Nam vào vụ thu hoạch, thương lái ồ ạt mua và chở xuất bán sang Trung Quốc qua Cửa khẩu Tân Thanh. Mặc dù tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các cơ quan chức năng như Hải quan, Biên phòng, Công an… nỗ lực làm thủ tục cho các xe hàng xuất khẩu nhanh chóng, thuận tiện nhưng khi có lượng hàng quá lớn dồn về thì việc các xe phải chờ đợi đến lượt được xuất bán là điều đương nhiên.
Hàng ngàn xe tải hạng nặng các loại chở hoa quả tươi của Việt Nam phải xếp hàng chờ đợi nhiều ngày chưa qua được biên giới tại cửa khẩu Hữu Nghị Quan. Ảnh: Phùng Triệu |
Lái xe Nguyễn Văn Dũng ở tỉnh Bình Định cho biết: Trung bình mỗi tháng tôi chở khoảng 3 chuyến hàng xuất khẩu qua đây, mọi thủ tục đều thuận tiện, nhanh chóng. Nếu hàng có người mua rồi thì chúng tôi qua luôn bên đó còn như chủ hàng chưa thống nhất được giá cả với người mua thì có khi phải chờ tới hai ba ngày; vì chi phí bến bãi, sinh hoạt ở bên Trung Quốc cao hơn gấp 5 đến 6 lần nên chúng tôi thường ở lại bên này khi nào bán được hàng mới sang. Hiện nay đang là vụ thu hoạch dưa hấu ở trong Nam nên hàng ra nhiều và chỉ có thể xuất hàng qua cửa khẩu Tân Thanh nên xe bị dồn ứ lại.
Chị Vũ Thị Thành, ở thành phố Lạng Sơn, một chủ hàng hoa quả chuyên xuất qua Cửa khẩu Tân Thanh cho biết: “Năm nay dưa hấu và thanh long được mùa, hàng nhiều, chất lượng tốt. Các loại hàng cao cấp đã được xuất khẩu qua đường biển, còn lại được xuất qua Cửa khẩu Tân Thanh sang Trung Quốc bán theo kiểu hàng chợ. Khi đến cửa khẩu làm thủ tục giấy tờ rất nhanh, nhưng bến bãi phía Trung Quốc cũng chỉ chứa được khoảng 200 xe mỗi ngày, nên khi nào bán được hết hàng thì mới tiếp tục đưa sang. Một điều nữa là chi phí bến bãi phía Trung Quốc rất đắt, mỗi xe lên tới cả tiền triệu một ngày, trong khi đó ở bên mình chỉ 200.000-300.000 đồng nên chúng tôi phải tính toán sao cho chi phí giảm thấp nhất”.
Như muối bỏ bể
Ông Nguyễn Hữu Vượng, Cục phó Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết: Cục Hải quan Lạng Sơn đã chỉ đạo Chi cục Hải quan Tân Thanh tăng cường thêm người, làm thêm giờ, tạo điều kiện làm thủ tục nhanh chóng nhất để xuất khẩu các loại hàng hóa tươi, tránh tình trạng hàng hóa tồn đọng lâu ngày dẫn tới hư hỏng gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Hiện tại mỗi bộ hồ sơ khai Hải quan chỉ mất từ 5 - 10 phút là hoàn thành; trung bình mỗi ngày Chi cục Hải quan Tân Thanh làm thủ tục cho khoảng 300 xe hàng xuất khẩu các loại.
Dưa hấu không kịp xuất khẩu bày bán tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh. Ảnh: Thái thuần |
Với thực tế đó, năm nay tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp với các lực lượng khác phân luồng, điều tiết lượng xe lên cửa khẩu để tránh tình trạng dồn tắc tại cửa khẩu như mọi năm. Lực lượng chức năng chỉ cho một số lượng nhất định lên cửa khẩu, còn lại điều tiết để những xe lên sau nằm rải rác dọc các tuyến đường tránh tình trạng chen lấn gây mất trật tự an toàn khu vực biên giới. Những chuyến xe trước bán xong hàng, quay về thì tiếp tục cho xe sau lên. Với cách làm này, tuy lực lượng chức năng phải căng mình ra để làm việc 24/24 giờ nhưng tình hình an ninh trật tự tại khu vực cửa khẩu cũng như dọc tuyến được đảm bảo hơn mọi năm.
Để tránh tình trạng ách tắc hàng khi vào mùa thu hoạch rộ, ông Nguyễn Quốc Hải, Phó Giám đốc Sở Công thương Lạng Sơn cho rằng: “Hàng năm chúng tôi thường phối hợp thông báo với các tỉnh, các doanh nghiệp có trái cây xuất khẩu khi vào vụ thu hoạch không nên dồn dập đưa hàng lên biên giới. Mỗi ngày chỉ nên đưa khoảng 250 xe, như vậy mới không xảy ra tình trạng ách tắc. Đặc biệt Sở Công thương các tỉnh và hiệp hội các ngành hàng các địa phương cũng cần khuyến cáo các doanh nghiệp không dồn dập đưa hàng lên trong những ngày phía Trung Quốc nghỉ lễ, nghỉ Tết. Về việc hợp tác với Trung Quốc, hai bên đã chủ động phối hợp thống nhất kéo dài thời gian thông quan, có thể tới 21-22 giờ. Khi khối lượng hàng hóa vận chuyển lên cửa khẩu vượt quá năng lực bến, bãi của cả hai bên sẽ tăng cường huy động tất cả các bến, bãi được phân định chức năng để chứa hàng khi hàng tăng cao.
Mặc dù các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn đã nỗ lực tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hàng nông sản được xuất khẩu, nhưng thực tế việc buôn bán này vẫn còn nhiều rủi ro. Theo ông Nguyễn Quốc Hải, Phó Giám đốc Sở Công thương Lạng Sơn, nguyên nhân là quan hệ thương mại biên giới nên các cam kết cũng như các hợp đồng ký kết về tiêu chuẩn mẫu mã, đóng gói bao bì, tiến độ thời gian, chất lượng sản phẩm, quy cách hàng hóa… được thực hiện ở mức độ nhất định nên khi người mua xác định số lượng hàng vượt quá nhu cầu; chất lượng, tiến độ thời gian giao hàng chậm thì người mua sẽ có sự điều chỉnh về giá nên doanh nghiệp Việt Nam thường là người bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Do vậy các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động thực hiện các cam kết theo các quy định chặt chẽ của hợp đồng kinh tế. Bên cạnh đó cũng cần phối hợp, thống nhất với đối tác là các doanh nghiệp Trung Quốc cùng thực hiện. Tuy nhiên phía Trung Quốc vẫn duy trì thương mại biên giới theo nhu cầu tiêu thụ chất lượng sản phẩm hàng hóa ở mức thấp (như hàng hóa đóng gói đơn giản, không cần thanh lọc, phân loại kỹ…) chính vì vậy, việc khắc phục hiện tượng như trên cần phải có thời gian.
Thái Thuần