Những tháng cuối năm 2022, dịch COVID-19 được kiểm soát, thị trường hoa hồng tại thành phố Hà Nội và một số tỉnh tăng mạnh, giúp gia đình anh Nguyễn Chí Đông ở bản Sùng Phài, xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu có nguồn thu nhập cao, ổn định. Đảm bảo không ngắt quãng nguồn cung, cả trong những ngày nghỉ Tết, anh Đông đều đặn ra ruộng chăm sóc hoa với mong muốn bước sang năm mới 2023 sẽ tiếp tục có thêm những mùa vụ thắng lợi.
Anh Nguyễn Chí Đông chia sẻ, từ đầu năm đến nay sản xuất hoa trong thời tiết đẹp, thu nhập cũng ổn định. Anh mong muốn thời tiết cả năm nay sẽ ôn hòa để người trồng hoa sản xuất thuận lợi, ổn định.
Không chỉ ở khu vực sản xuất hoa, trên đồng ruộng, bà con nông dân cũng đã sẵn sàng cho vụ mới. Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, khắp cánh đồng trên địa bàn tỉnh Lai Châu, nơi thì khẩn trương thu hoạch nốt diện tích cây vụ Đông, nơi thì tích cực làm đất, xuống giống để tiến hành gieo cấy vụ Xuân.
Ngay sau khi ăn Tết xong, gia đình ông Hồ Ngọc Đương ở bản Cẩm Trung 1, xã Mường Than, huyện Than Uyên (Lai Châu) đã ra đồng kiểm tra diện tích lúa gieo sạ trước Tết và thuê nhân công hoàn thành cấy những thửa ruộng còn lại. Thời tiết xen kẽ những đợt lạnh sâu trước và sau Tết, khiến lúa bị ảnh hưởng đến sự phát triển của bộ rễ. Với vai trò là Phó bản Cẩm Trung 1, ông Đương còn hướng dẫn, vận động các hộ dân chủ động kỹ thuật chăm sóc, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Ông Hồ Ngọc Đương cho biết, thời tiết nắng đẹp như này, với vai trò phó bản sẽ khuyến cáo, động viên bà con phun thuốc kích lá, kích lễ để phát triển bộ rễ, từ đó bà con mới chăm bón phân để cây trồng mới phát triển ổn định.
Tại xã Thèn Sin, huyện Tam Đường (Lai Châu), mới mờ sáng nhưng trên các cánh đồng bà con đã ra đồng đắp bờ, vệ sinh đồng ruộng. Trên những thửa ruộng đã đủ nước, tiếng máy cày bừa vang khắp cánh đồng. Vụ Đông Xuân năm nay, toàn xã Thèn Sin gieo cấy trên 93 ha lúa, cơ cấu giống chủ yếu là Séng Cù và Tẻ râu, tập trung chủ yếu ở bản Lở Thàng 1, 2, Thèn Sin 1, 2, Đông Phong và Na Đông. Nhằm đẩy nhanh tiến độ sản xuất, ngay sau kỳ nghỉ Tết, xã đã vận động nông dân sử dụng phương tiện cơ giới hóa trong khâu làm đất, chủ động biện pháp bảo vệ mạ khi nhiệt độ xuống thấp, áp dụng quy trình thâm canh hợp lý. Phấn đấu đến ngày 30/2, hoàn thành gieo cấy toàn bộ diện tích.
Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Thèn Sin, huyện Tam Đường cho hay, xã tập trung vận động bà con xuống đồng để gieo cấy đúng khung thời vụ đối với diện tích đảm bảo đủ nước. Còn đối với diện tích chưa đủ nước, xã phối hợp với công ty thủy lợi để điều tiết nước giúp bà con xuống đồng thực hiện việc cày bừa, gieo cấy, mong muốn bà con nông dân năm mới bội thu, gặt được nhiều thành công thắng lợi trong sản xuất nông nghiệp.
Với sự chủ động, tích cực xuống đồng lao động sản xuất, ngay từ những ngày đầu xuân mới, nông dân toàn tỉnh Lai Châu đã làm đất được trên 6.000 ha, gieo mạ 5.243 ha và cấy hơn 5.000 ha lúa. Ngoài cây lúa, các loại rau màu cũng đang được nông dân tập trung chăm sóc, thu hoạch đảm bảo lịch chăm sóc cũng như cung ứng ra thị trường.
Những ngày đầu năm mới, trên địa bàn tỉnh Lai Châu tổ chức nhiều hoạt động mừng Xuân mới. Các hộ gia đình, đơn vị làm du lịch cũng mở cửa đón khách ngay từ ngày mùng 1 Tết với nhiều dịch vụ vui chơi, trải nghiệm, tham quan đa dạng.
Chị Giàng Thị Chà, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ - Du lịch Nậm Loỏng, thành phố Lai Châu chia sẻ, điểm du lịch Gia Khâu 1 bắt đầu đón khách ngày mùng 1 Tết, tính đến thời điểm hiện tại lượng khách đến tham quan tăng nhiều so với năm trước. Trong mấy ngày Tết, địa phương đón khoảng trên 7.000 lượt khách đến tham quan tại đây. Thời gian tới, địa phương tiếp tục cải tạo khuôn viên, thiết kế lại khuôn viên tạo nhiều điểm cho du khách đến tham quan hơn.
Cùng với khí thế sản xuất đầu năm của nông dân, những ngày đầu Xuân, công nhân trong các doanh nghiệp tỉnh Lai Châu cũng đã ra quân sản xuất đầu năm với khí thế sôi nổi. Kỳ nghỉ Tết năm nay, đối với công nhân, người lao động của các công ty cao su trên địa bàn tỉnh khá đặc biệt. Bởi đã rất lâu, thời điểm này, cây cao su chưa rụng lá, điều đó đồng nghĩa với việc thu hoạch mủ vẫn tiến hành bình thường và công nhân duy trì thu nhập ngay từ những tháng đầu tiên của năm mới. Đảm bảo sản lượng khai thác, Công ty cổ phần Cao su Lai Châu nghỉ cạo ngày 19/1 và ra quân sản xuất vào ngày 28/1 với không khí thi đua lao động sản xuất diễn ra sôi nổi và quyết tâm cao thực hiện khai thác đạt sản lượng 7.000 tấn mủ quy khô năm 2023.
Ông Bùi Thanh Tâm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Lai Châu cho biết, để đạt được mục tiêu sản lượng 7.000 tấn mủ trong năm 2023 là rất khó khăn. Tuy nhiên, công ty cũng đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt về tiền lương, hỗ trợ kỹ thuật để công nhân yên tâm lao động sản xuất và luôn đồng hành cùng công ty, hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2023.
Với khí thế sản xuất đầu năm sôi nổi, nông dân, công nhân Lai Châu hy vọng với quyết tâm, nỗ lực sẽ gặt hái được nhiều thành công mới trong năm 2023.