Năm nay, thời tiết mưa kéo dài khiến khâu thu hoạch gặp khó khăn nhưng giá mía vẫn duy trì ổn định nên người trồng mía phấn khởi và đẩy nhanh tiến độ thu hoạch để bắt kịp thời vụ tiếp theo.
Vụ mía năm nay, gia đình ông Y Bi Niê, xã Krông Jing, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk có hơn 1 ha mía cho thu hoạch, dự kiến đạt 80 tấn mía/ha. Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình nên khi giá mía được duy trì ổn định ông Y Bi cũng rất phấn khởi.
Ông Y Bi chia sẻ, trước đây bà con chủ yếu trồng sắn, bắp tuy nhiên hiệu quả kinh tế thấp, có những năm mất mùa, sâu bệnh mất trắng cả rẫy nên đời sống rất khó khăn. Những năm trở lại đây, bà con chuyển đổi nhiều diện tích sang trồng mía và kinh tế cũng khởi sắc hơn. Cây mía phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương nên sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, đỡ tốn công chăm sóc. Năm nay, dự kiến với 80 tấn mía thu hoạch, bán giá khoảng 1.050.000 đồng/tấn, sau khi trừ chi phí sản xuất gia đình sẽ thu lãi hơn 30 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập chính trong năm của gia đình và cũng là niềm vui lớn trong những ngày đầu năm mới.
Những ngày này chị H Kuông Niê, xã Krông Jing, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk đang tất bật thu hoạch mía của gia đình, hàng chục người dân trồng mía cũng tập trung thu hoạch đổi công cho gia đình chị H Kuông Niê để đẩy nhanh tiến độ và chuẩn bị chu đáo cho vụ mía tiếp theo.
Chị H Kuông cho biết, vào thời điểm trước Tết Nguyên đán thời tiết có mưa kéo dài, các ruộng mía lầy lội khiến xe tải lớn khó di chuyển đến bốc mía nên việc thu hoạch nhìn chung cũng chậm hơn so với các niên vụ trước. Sau Tết Nguyên đán thời tiết thuận lợi hơn nên nông dân trồng mía đang hối hả thu hoạch để kịp niên vụ tiếp theo.
Năm nay, gia đình có hơn 1 ha mía cho thu hoạch, mặc dù giá vật tư đầu vào tăng cao làm phát sinh thêm chi phí sản xuất nhưng giá mía những năm gần đây được duy trì ổn định nên đời sống của người trồng mía cũng bớt khó khăn. Hơn nữa, vào thời điểm thu hoạch cũng tạo thêm công ăn, việc làm cho nhiều người dân, nhất là bà con đồng bào dân tộc thiếu số có thêm thu nhập nên ai nấy đều vui mừng.
Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 12.000 ha mía; trong đó, huyện vùng sâu M’Đrắk có trên 6.000 ha. Do ảnh hưởng của mưa nhiều nên gây khó khăn cho thu hoạch trên địa bàn huyện M’Đrắk nên tiến độ thu hoạch mới được khoảng 1.000 ha. Năng suất trung bình ước đạt 80 tấn/ha, đối với những diện tích đầu tư, chăm sóc tốt và phù hợp thổ nhưỡng thì năng suất có thể lên 120 tấn/ha.
Ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện M'Đrắk, Đắk Lắk cho biết, giá mía đầu vụ được thu mua là 1.050.000 đồng/tấn (cao hơn niên vụ trước 20.000 đồng/tấn). Mía đang là cây trồng được mùa, được giá và đem lại lợi ích kinh tế ổn định cho đồng bào các dân tộc của địa phương. Năm nay thời tiết có phần bất lợi trong thời điểm chuẩn bị thu hoạch khiến việc thu hoạch chậm hơn so với các năm trước.
Để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, huyện đã làm việc với các đơn vị thu mua và chính quyền địa phương, khuyến cáo người dân tập trung nhân công, phương tiện đẩy nhanh tiến độ thu hoạch mía, phấn đấu đến trước thời điểm 30/4/2023 toàn bộ diện tích mía hoàn thành việc thu hoạch, đảm bảo kịp triển khai cho niên vụ tiếp theo để duy trì sự phát triển, sinh trưởng ổn định của cây mía.
“Để người dân an tâm gắn bó lâu dài và tăng hiệu quả kinh tế của cây mía, huyện cũng tập trung xây dựng vùng nguyện liệu mía ổn định ở những khu vực có điều kiện thuận lợi cho cây mía phát triển. Đồng thời, đẩy mạnh khuyến cáo, hỗ trợ người trồng mía chuyển đổi giống mía chất lượng, năng suất cao, có thể thích ứng tốt với biến đổi khí hậu; tăng cường đầu tư khoa học kỹ thuật vào sản xuất; sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị... từ đó phát triển ổn định và bền vững đối với cây mía”, ông Nguyễn Thế Thập cho biết thêm.