Gia đình ông Ngô Văn Khánh, thôn Tân An, xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa đang tất bật thu hoạch 10 ha mía, sản lượng ước đạt 800 tấn. Những ngày này, giá mía được Công ty Trách nhiệm hữu hạn KCP Việt Nam thu mua với mức 1,2 triệu đồng/tấn đối với mía có 10 trữ đường nên gia đình đã thuê thêm 50 nhân công tất bật thu hoạch mía nhập cho nhà máy.
"Đây là vụ mía có lãi cao, mặc dù trữ đường của ruộng mía không đat ở mức cao nhất, nhưng với việc mía được thu mua cao nhất kể từ thời điểm nhà máy KCP liên kết trồng mía với nông dân Phú Yên và sản lượng mía tăng cao, trừ chi phí vụ này gia đình tôi lãi hơn 300 triệu đồng". Ông Khánh nói.
Tại xã Sơn Phước, gia đình ông So Minh Hùng, cũng đang tất bật thu hoạch 3 ha mía. Theo ông Hùng, năm đầu tiên gia đình áp dụng trồng mía theo mô hình đào hố, tưới nước, nhờ chủ động nước tưới, không trông chờ nước trời như các trước do vậy cây mía phát triển rất tốt, đạt năng suất cao khoảng 80 tấn/ha. Với giá thu mua mía hiện tại gia đình lãi trên 100 triệu đồng trong vụ mía năm nay. Đây là lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay.
Không chỉ hộ ông Khánh, ông Hùng mà hầu hết các hộ trồng mía ở huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân vui mừng vì cây mía được mùa, được giá. Các nông hộ cho biết, giá thu mua mía đầu vụ đã được nâng cao nên nông dân rất phấn khởi, vụ mía năm nay trừ các chi phí nông dân Phú Yên sẽ thu lãi từ 30 đến 40 triệu đồng/ha. Hiện sau Tết lượng lao động thu hoạch mía ở các địa phương của tỉnh cũng khá dồi dào, mía thu hoạch đến đâu được vận chuyển đến các nhà máy tiêu thụ đến đó.
Theo Alê Y Bớ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Hòa, niên vụ mía 2020-2021, toàn huyện có 12.400 ha mía. Cây mía được trồng nhiều tại các xã Sơn Nguyên, Sơn Hà, Suối Bạc, Ea Chà Rang.
"Năm 2021, mặc dù gặp bất lợi do khô hạn trong tháng 6/2021 khiến gần 300 ha mía bị cháy lá và gần 3.000 ha bị héo, khô nhưng cây mía được người dân chăm sóc phục hồi ngay sau đó, đồng thời do thời tiết thuận lợi mưa nhiều trong các tháng cuối năm giúp cây mía sinh trưởng phát triển rất tốt, cho năng suất cao hơn so với những năm trước. Hiện diện tích mía có nguồn nước tưới ổn định tại huyện (khoảng 2.400 ha) đạt năng suất 100 tấn/ha, diện tích mía không có nước tưới cũng đạt từ 58-60 tấn/ha". Ông Alê Y Bớ nói.
Tại Phú Yên, Công ty Trách nhiệm hữu hạn KCP Việt Nam liên kết với nông dân đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu mía gần 16.000 ha. Từ vụ mía 2021, nhà máy đường KCP đã đưa máy thu hoạch về hỗ trợ thu mía cho người dân. Thu hoạch bằng máy giúp nông dân tiết kiệm được được 60.000 đồng/tấn so với chặt tay. Vụ mía năm nay, Công ty KCP còn đầu tư xây dựng, tu sửa các tuyến đường giao thông nội đồng để thuận lợi trong khâu áp dụng cơ giới hóa; ngoài ra, công ty còn đầu tư giống mía mới, phân bón; hỗ trợ giàn trồng mía, máy thu hoạch để phụ vụ phát triển vùng nguyên liệu.
Theo ông SUBBAIAH -Tổng Giám đốc Công ty KCP Việt Nam, năm 2021 KCP hỗ trợ không hoàn lại cho nông dân 40 tỷ đồng để trồng, chăm sóc mía. Công ty cũng đã cố gắng thu mua mía giá cao giúp nông dân có thêm thu nhập, để nông dân nhận thấy được hiệu quả và gắn bó với cây mía. Niên vụ mía năm 2022-2023, công ty dự kiến sẽ đầu tư 50 tỷ đồng cùng nhiều chính sách ưu đãi để hỗ trợ nông dân trồng mía.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, mía là một trong những trồng chủ lực của các huyện miền núi của tỉnh. Phú Yên hiện duy trì phát triển 21.369 ha mía. Ngoài việc trồng thuần, nông dân các địa phương ở Phú Yên đang áp dụng các biện pháp cơ giới hóa trong trồng mía, tưới nước tiên tiến, tiết kiệm. Vụ mía năm 2021, nông dân trồng mía liên kết với các nhà máy được hỗ trợ nhiều trong trồng, chăm sóc, thu hoạch, cây mía đạt năng suất cao lại bán được giá đây là tín hiệu vui giúp nông dân miền núi nâng cao thu nhập, gắn bó lâu dài, ổn định với cây mía.