Xã Bình Yên, huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang từ lâu đã chọn cây mía là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế. Toàn xã hiện có hơn 140 ha mía nguyên liệu, với trên 300 hộ trồng mía.
Những năm trước đây, nhờ trồng mía, nhiều hộ dân của xã có cuộc sống ổn định, nhiều hộ thoát nghèo. Thế nhưng, vụ thu hoạch mía năm nay, nhiều hộ dân ở Bình Yên cảm thấy chán nản khi giá mía nguyên liệu do Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương thu mua đã giảm 100 đồng/kg so với năm trước.
Chị Hoàng Phương Thảo, thôn Cao Tuyên, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương cho biết, theo hợp đồng giữa người dân với Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương đã ký từ đầu vụ thì giá thu mua mía nguyên liệu vụ năm nay vẫn là 900 đồng/kg. Tuy nhiên đến khi thu hoạch, công ty thu mua mía với giá 800 đồng/kg khiến người dân không khỏi bức xúc.
Gia đình chị Thảo có hơn 1 ha mía, năng suất đạt 70 tấn/ha, với giá thu mua mía như hiện nay, trừ hết chi phí người dân có lãi rất ít. Đến vụ thu hoạch, người dân không dám thuê nhân công chặt, bốc vác mà phải huy động lực lượng trong gia đình hoặc đổi công cho nhau để giảm bớt chi phí.
Chị Thảo mong muốn vụ mía năm nay công ty vẫn thu mua mía với giá 900 đồng/kg như cam kết trong hợp đồng. Đối với việc giảm giá mía nguyên liệu, công ty với người dân sẽ bàn bạc và cam kết trong mua vụ sau.
Ông Lô Chung Khẩn, thôn Cao Tuyên, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương cho biết, với giá mía như hiện nay gia đình ông không muốn mở rộng diện tích trồng mía mà chỉ duy trì diện tích mía gốc đã trồng từ năm trước. Nếu hạ giá xuống thấp quá thì người dân sẽ phá bỏ cây mía, chuyển đổi sang trồng những loại cây khác vì chi phí về nhân công khai thác, phân bón, chăm sóc mía rất lớn.
Ông Khẩn mong muốn công ty giữ đúng giá thu mua như cam kết trong hợp đồng để người dân yên tâm sản xuất.
Xã Bình Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang có địa hình, thổ nhưỡng phù hợp để canh tác cây mía. Từ năm 2011, xã đã đưa cây mía vào trồng đại trà và diện tích mía nguyên liệu tăng lên theo từng năm. Tuy nhiên đến năm 2018, diện tích mía nguyên liệu của xã đã giảm từ 148 ha xuống còn 140 ha và sẽ tiếp tục giảm xuống khi giá thu mua mía nguyên liệu đang xuống thấp như hiện nay.
Ông Lưu Văn Lương chủ tịch UBND xã Bình Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang cho biết, đến nay toàn xã đã thu hoạch được khoảng 70% tổng diện tích mía của niên vụ ép 2018 - 2019.
Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương giảm giá thu mua từ 900 đồng/kg xuống còn 800 đồng/kg khiến bà con rất bức xúc. Hiện nay, nhiều hộ dân trồng mía trong xã có ý định chuyển đổi sang trồng cây lâm nghiệp, cây màu hoặc đi làm công nhân tại các nhà máy.
Trước tình hình trên, xã đã giải thích đây là khó khăn chung của ngành mía đường, tuy nhiên cần có sự bàn bạc thống nhất giữa công ty và người dân để thực hiện đúng cam kết như trong hợp đồng để người dân đỡ thiệt thòi, giúp bà con yên tâm sản xuất giữ vững vùng nguyên liệu.
Theo ông Nguyễn Tiến Thành, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương, hiện nay công ty đang ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với trên 21.000 hộ dân trồng mía, tạo công ăn việc làm cho trên 3 vạn lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và trên 700 lao động trong sản xuất công nghiệp.
Thời gian gần đây, tình trạng nhập lậu và việc bán phá giá của đường Thái Lan khiến đường trong nước khó cạnh tranh càng làm cho việc tiêu thụ đường gặp khó khăn. Đến thời điểm này, giá bán đường của công ty là 10.400 đồng/kg, bao gồm cả thuế. Dù giá đường bán ra giảm nhưng vẫn không bán được. Hiện lượng đường tồn kho của công ty là 13.500 tấn.
Theo ông Nguyễn Tiến Thành, vụ ép năm 2017 - 2018, công ty đã lỗ khoảng 40 tỷ đồng, năm 2018-2019 nếu tiếp tục duy trì mức giá thu mua 900 đồng/kg, thì công ty sẽ lỗ khoảng 90 tỷ đồng. Để giải bài toán về vấn đề vốn, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương đã trình hạn mức với các ngân hàng trên địa bàn tỉnh nhưng việc cấp vay vốn cũng gặp không ít những khó khăn. Công ty rất mong được sự ủng hộ giúp đỡ của các cấp và người dân cùng chia sẻ để công ty vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, trước năm 2018 diện tích mía của tỉnh đạt trên 10.000 ha, đến nay diện tích mía đã giảm xuống chỉ còn hơn 8.000 ha. Có nhiều nguyên nhân khiến diện tích mía nguyên liệu giảm; trong đó, chủ yếu là do thu nhập từ cây mía đã giảm so với cây trồng khác, nhất là những loại cây trồng có múi. Bên cạnh đó vấn đề thiếu hụt lao động khiến việc đầu tư thâm canh, mở rộng diện tích vùng nguyên liệu mía gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở nông nghiệp và Phát triển nôn thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, trước những khó khăn của Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; đề nghị các ngân hàng trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi để công ty tiếp cận với các nguồn vốn vay, từ đó có kinh phí trả cho các hộ gia đình; tập trung thâm canh tăng năng suất mía, tạo thu nhập cao, tạo ra vùng nguyên liệu vững chắc đối với sản xuất mía; đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất như cây giống chất lượng cao, sử dụng máy móc nhằm giảm chi phí sản xuất và giữ ổn định giá thu mua mía nguyên liệu trên địa bàn.
Sở cũng đề nghị công ty thu mua kịp thời những diện tích đã trồng trong năm 2018 và triển khai các giải pháp trồng mới theo kế hoạch năm 2019.