Sức khỏe doanh nghiệp bị bào mòn, liệu có hạ chuẩn vay?
Kinh tế thế giới tiếp tục biến động nhanh, khó lường, sản xuất thương mại toàn cầu khó khăn; xung đột địa chính trị giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; lạm phát ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt và lãi suất tăng rất nhanh, kéo dài.
Tại Việt Nam, tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản đề ra trong bối cảnh tổng cầu thế giới giảm cùng những khó khăn nội tại của nền kinh tế; các thị trường xuất nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam đều gặp khó khăn từ sau COVID-19; sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn; lạm phát đối diện với nhiều yếu tố tiềm ẩn rủi ro.
“Chưa bao giờ NHNN điều hành chính sách tiền tệ khó như hiện nay, khó như thời điểm cuối năm 2022, mức độ gay gắt đã hơn nhiều. Bởi lẽ, điều hành chính sách tiền tệ trong nền kinh tế mở cửa không thể tránh những tác động từ chính sách tài chính, tiền tệ nói chung và từ các quốc gia khác. Đặc biệt, kinh tế Việt Nam cũng rất khó khăn sau 2 năm đại dịch; sức chống chịu của doanh nghiệp đã bị bào mòn”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.
Lãnh đạo NHNN nhấn mạnh: Sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các TCTD sẽ quyết định sự an toàn, lành mạnh của nền tài chính quốc gia trong cả ngắn hạn, trung và dài hạn. Đây là nhiệm vụ khó khăn của NHNN.
Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV) đề xuất: “Về điều kiện cho vay, liệu thời điểm này có hạ thấp được không? Phía ngân hàng không thể làm được bởi họ cho vay phải đúng quy định.
“Nếu không có đột phá về mặt thể chế, các ngân hàng không thể mạnh dạn cho vay được. Điều mà doanh nghiệp rất mong muốn được tháo gỡ để làm sao ngân hàng cho DNNVV vay vốn nhiều hơn, nhưng đảm bảo an toàn không bị mất vốn. Trong bối cảnh hiện nay rất cần hướng giải pháp thực tế, thiết thực dựa trên cân đối giữa cái được – mất”, ông Nguyễn Văn Thân trăn trở.
Bên cạnh việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp cận gói vay có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội DNNV vẫn băn khoăn về vấn đề “hậu kiểm”. Việc thanh tra, kiểm tra theo yêu cầu của hoạt động “hậu kiểm” hiện vẫn có thiên hướng nhằm phát hiện vi phạm để xử lý hơn là hỗ trợ, giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật tốt hơn. Do đó, các doanh nghiệp rất ngại tiếp cận chính sách có liên quan đến ngân sách Nhà nước.
Hiện nay, tốc độ giải ngân chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định 31 của Chính phủ kém hiệu quả. Do vậy, để DNNVV tiếp cận được các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước một cách dễ dàng, thuận lợi, chính sách thuế, chính sách ưu đãi phải rõ ràng, nhất quán.
“Tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm do sức cầu yếu, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái khiến hoạt động thương mại yếu kém, ảnh hưởng xấu đến sản xuất trong nước, qua đó ảnh hưởng xấu đến thu nhập và tiêu dùng”, ông Ketut Ariadi Kusuma - chuyên gia cao cấp, Trưởng nhóm Tài chính cạnh tranh và sáng tạo của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết.
Tuy nhiên, ông Ketut Ariadi Kusuma cũng cho rằng: Lãi suất trong nước giảm trong môi trường lãi suất toàn cầu cao đồng nghĩa với chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và các nước sẽ cao hơn. Điều này có thể có nghĩa là áp lực cao hơn đối với tiền tệ (đồng Việt Nam).
Việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cao trong môi trường nhu cầu yếu có thể đồng nghĩa với việc chuyển tín dụng sang các lĩnh vực hoặc hoạt động phi sản xuất, từ đó có thể dẫn đến tỷ lệ nợ xấu cao hơn. Điều này, có thể dẫn đến sự bất ổn tài chính.
Thay vì tập trung vào tăng trưởng tín dụng, điều quan trọng hơn là tín dụng phải dành cho các lĩnh vực và hoạt động có năng suất cao. Vì lý do này, WB đang nghiên cứu để xem xét hiệu quả phân bổ tín dụng ở Việt Nam. “Chúng tôi kiến nghị NHNN xem xét lại hiệu quả của trần lãi suất đối với các lĩnh vực ưu tiên, như doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và nông nghiệp. Mặc dù trần lãi suất nhằm mục tiêu giữ cho các khoản vay ở mức hợp lý đối với các lĩnh vực này, nhưng nó có thể phản tác dụng vì người cho vay có thể hạn chế cung cấp các khoản vay cho các lĩnh vực này do rủi ro không được bù đắp”, ông Ketut Ariadi Kusuma đề xuất.
Nhiều hồ sơ vay vốn không đáp ứng được yêu cầu
Theo ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Agribank, mặc dù ngân hàng đã giảm lãi vay từ 2 -4% (tuỳ theo đối tượng khách hàng) nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn thấp.
“Việc tín dụng tăng trưởng thấp do tính chất mùa vụ trong hoạt động nông nghiệp nhưng bên cạnh đó còn do nhiều khách hàng không đáp ứng các điều kiện cho vay. Có khách hàng vay để đảo nợ tránh nợ xấu tại ngân hàng khác, vay để cơ cấu lại tài chính, thanh toán trái phiếu đã phát hành nhưng không đáp ứng điều kiện vay. Có những trường hợp, khách hàng trong tình trạng hoạt động cầm chừng, không có nhu cầu vay vốn vì không có thị trường tiêu thụ, thậm chí khi có nguồn sẵn sàng trả để giảm dư nợ để chờ thời cơ phục hồi kinh doanh”, ông Phạm Đức Ấn cho biết.
Trong điều kiện hiện nay, theo lãnh đạo Agribank, chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt phải khơi thông được giải ngân đầu tư công, qua đó sẽ góp phần tăng nguồn lực cho nền kinh tế, nâng sức cầu trong nước.
Ông Đinh Ngọc Dũng - Phó Giám đốc phụ trách Khối Ngân hàng Doanh nghiệp, SHB cho biết: “Một số doanh nghiệp có tình hình tài chính suy yếu, không có phương án kinh doanh khả thi dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu vay vốn của ngân hàng. Mặt khác, nguồn vốn thị trường như chứng khoán và thị trường bất động sản phục hồi chậm”.
Bên cạnh tiếp tục có các gói vay với lãi suất ưu đãi, ngân hàng đẩy mạnh cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp tục quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới.
Theo ông Nguyễn Văn Thân, về phía doanh nghiệp, nhất là đối với DNNVV cần phải nâng tầm trình độ quản lý, năng lực tài chính… “Sức khoẻ, trình độ của doanh nghiệp được nâng tầm, ngành Ngân hàng mới có thể hỗ trợ cho vay được nhiều hơn. Còn nếu chưa đảm bảo các yêu cầu, điều kiện vay, ngân hàng vẫn còn thận trọng”, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV nhấn mạnh.
Bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, về mặt chiến lược, Nhà nước, đặc biệt là Chính phủ phải làm sao hỗ trợ, nâng tầm DNNVV thông qua nhiều giải pháp như: sớm sửa đổi Luật Hỗ trợ DNNVV theo hướng từng bước chuyển hướng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ chiều rộng, dàn trải sang chiều sâu; tạo điều kiện cho doanh nghiệp cơ cấu lại năng lực sản xuất; tập trung thực thi có hiệu quả nhóm giải pháp hỗ trợ DNNVV phát triển bền vững, phát triển chuỗi…
“Làm được điều ấy với lực lượng gần 800 nghìn doanh nghiệp trong đó DNNVV chiếm 97% chắc chắn sẽ hấp thụ được vốn, hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng phát triển”, ông Nguyễn Văn Thân kỳ vọng.
Số dư nợ xấu tại nhiều ngân hàng tăng
Tổng số dư nợ xấu tại nhiều ngân hàng đã tăng vọt trong nửa đầu năm, phản ánh tình hình kinh doanh kém khởi sắc không chỉ của riêng ngành ngân hàng mà của cả nền kinh tế.
Theo báo cáo tài chính của TPBank, tổng số dư nợ xấu tính đến hết quý II/2023 của ngân hàng này tăng mạnh gần gấp 3 lần so với đầu năm, lên 3.912 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng gấp 5,6 lần lên thành 2.146 tỷ đồng; nợ nghi ngờ cũng tăng gần gấp 2,5 lần, lên gần 1.130 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ của ngân hàng vì thế đã tăng mạnh từ mức 0,84% hồi đầu năm lên mức 2,21%.
Tại BaoVietBank, tổng nợ xấu tại ngày 30/6/2023 ghi nhận mức 1.756 tỷ đồng, tăng 58% so với đầu năm. Trong đó đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn của BaoVietBank tăng gấp đôi lên 1.523 tỷ đồng, nợ nghi ngờ cũng tăng 41% lên 154 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 3,34% lên tới 4,69%. Tại PGBank, nợ xấu sau 6 tháng qua cũng tăng thêm gần 12,7% kéo tỷ lệ nợ xấu lên mức 2,77% tính đến hết tháng 6/2023.
Clip ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV trăn trở về điều kiện được vay vốn tại ngân hàng và lãnh đạo Agribank nói về tài sản đảm bảo khi doanh nghiệp tiếp cận các gói vay: