Nới lỏng điều kiện cho vay nhưng không quá tràn lan

Trước tình trạng doanh nghiệp“khát” vốn trong lúc nguồn tiền huy động được trong các ngân hàng đang khá dồi dào, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng hạ lãi suất cho vay, gồm cả các hợp đồng cho vay cũ. Cùng lúc, một số ngân hàng cũng đã nới lỏng các điều kiện cho vay để doanh nghiệp “dễ thở hơn” khi tiếp cận vốn.

 

Khách hàng giao dịch tại Sở giao dịch Vietcombank - Chi nhánh Thanh Hóa.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong 6 tháng đầu năm, thanh khoản VND của toàn hệ thống được đảm bảo và có xu hướng cải thiện so với cuối năm 2011 do huy động vốn tăng cao, cụ thể: Số dư tiền gửi bình quân của các tổ chức tín dụng (TCTD) tại NHNN đã tăng dần qua các tháng; tỷ lệ tín dụng/huy động vốn giảm dần qua các tháng từ mức 103,23% cuối năm 2011 xuống mức 90,33% đến ngày 30/6; lãi suất thị trường liên ngân hàng giảm mạnh, dư thừa thanh khoản. Thanh khoản bằng ngoại tệ của toàn hệ thống ngân hàng vẫn đảm bảo được mức dư thừa và có xu hướng cải thiện so với những tháng đầu năm, hầu hết các TCTD đều có tỷ lệ tín dụng/huy động vốn trong và ngoài nước dưới 100%.


Phó Tổng giám đốc phụ trách Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Kiều Trọng Tuyến nói: “Các ngân hàng đều muốn đẩy mạnh cho vay. Bản thân chúng tôi cũng đang tồn đọng tiền rất lớn nên muốn cho vay. Với những điều kiện tín dụng của khách hàng, Agribank cũng đã xem xét và hạ lãi suất xuống nhưng các doanh nghiệp (DN) vẫn đang rất khó khăn. Khó khăn lớn nhất nằm ở thực trạng sản xuất kinh doanh của DN như: Tồn kho lớn, tiêu thụ hàng hóa không được thì làm sao chúng tôi dám cho vay tiếp. DN phải có phương án sản xuất kinh doanh tốt, chúng tôi mới có thể tiếp tục đồng hành”.


Không chỉ Agribank mà nhiều ngân hàng đồng tình rằng: Yếu tố quan trọng nhất vẫn phải phụ thuộc vào năng lực của DN. Ngay tại thời điểm mới nhất hiện nay, nhiều DN cũng thừa nhận: Lãi suất đã hạ nhưng khó khăn lớn nhất vẫn nằm ở đầu ra của thị trường. Lo ngại rủi ro nợ xấu, các ngân hàng vẫn rất thận trọng xét các tiêu chí để tiếp tục cấp vốn cho DN.


Lãnh đạo Công ty cổ phần Cơ điện Hòa Bình chia sẻ: “Các ngân hàng cho vay với điều kiện khá ngặt nghèo. DN Cơ điện Hòa Bình do có uy tín trên thị trường còn được tín chấp, các DN nhỏ và vừa không có tài sản đảm bảo thế chấp thì rất khó khăn. DN chúng tôi tiếp cận vốn vay không khó nhưng cũng không dễ vì các ngân hàng đã siết chặt thủ tục vay vốn. Cũng đúng - vì ngân hàng sợ nhất là vay mà không có khả năng chi trả”.

 

Chú ý điều kiện pháp lý


Trước vấn đề này, ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN) cho biết: Các điều kiện cho vay mà ngân hàng đang áp dụng vẫn duy trì quy định như trước đây nhằm đảm bảo an toàn vốn. Bình thường thủ tục vay vốn được các TCTD đã siết chặt; giờ nền kinh tế khó khăn nhưng ngân hàng vẫn áp dụng điều kiện cũ cũng là sự sẻ chia. Bản thân việc DN khó vay tiền cũng còn do chính năng lực hiện tại của DN.


Theo các DN, ngân hàng cho vay thường căn cứ theo tiêu chí xếp hạng tín dụng của DN như loại A, 2A, B, C. “Nếu khách hàng thuộc nhóm A- nhóm tốt thì điều kiện cho vay và lãi suất sẽ ưu đãi hơn so với khách hàng B hoặc C, ông Nguyễn Văn Lê - Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) nói.


Tăng trưởng tín dụng đang dần khởi sắc Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, các giải pháp cơ cấu lại nợ, mở rộng đối tượng cho vay, hạ lãi suất tín dụng dành cho 4 nhóm đối tượng được ưu tiên và hạ trần lãi suất huy động thời gian qua bước đầu đã giúp cho DN có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, hỗ trợ nguồn vốn lưu động của DN. Số liệu từ NHNN cho thấy: Tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 12/6 đã tăng 0,17% so với đầu năm, cải thiện đáng kể so với mức -0,28% tính đến ngày 31/5.

Chia sẻ các quan điểm trên, ông Phạm Quang Tùng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhìn nhận: ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát giảm là điều kiện đầu tiên NHNN cần có để giảm lãi suất đầu vào. Trên cơ sở đầu vào thấp, các ngân hàng mới có cơ sở đưa nguồn vốn hợp lý ra thị trường. Để có nguồn vốn rẻ còn phải phụ thuộc vào cách quản trị ngân hàng, chất lượng nguồn vốn từng ngân hàng, chất lượng khách hàng. “Tôi nghĩ, các ngân hàng cần xem xét tháo gỡ các điều kiện không cần thiết nhưng không tháo gỡ một cách tràn lan các điều kiện và quá rộng vì mặc dù vốn ra nhanh hơn với các DN nhưng hậu quả khó có thể lường trước. Vốn quay về sẽ khó khăn hơn và các ngân hàng sẽ có nợ xấu tăng cao. Vì vậy, chỉ giảm những điều kiện mang tính chất thủ tục hành chính, tinh giản tối đa điều kiện không cần thiết để tập trung vào điều kiện pháp lý hơn”, đại diện BIDV nói.


Minh Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN