Toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng trên 204.217 ha; trong đó diện tích đất có rừng trên 155.423 ha, diện tích đất chưa có rừng trên 48.794 ha, độ che phủ rừng đạt 45,59%. Rừng tự nhiên tại Ninh Thuận cơ bản vẫn được giám sát chặt chẽ, không để xảy ra điểm nóng phá rừng, cháy rừng trên diện rộng.
Mặc dù là địa phương thường xuyên đối mặt với khô hạn, nhưng việc bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ ven biển, rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng của tỉnh vẫn đảm bảo kế hoạch đề ra. Trong năm 2020, Ninh Thuận tiếp tục trồng 505 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; chuyển tiếp giao khoán bảo vệ rừng gần 66.000 ha, thực hiện khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng với diện tích 3.027 ha; sản xuất lâm nghiệp có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh đã trình các cấp thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương cho chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên của 10 dự án đầu tư gồm: dự án Hồ chứa nước Sông Than, dự án đường dây 220kV Nha Trang - Tháp Chàm, dự án đường giao thông liên xã Phước Đại đi Phước Tân (huyện Bác Ái), dự án tuyến đường từ xã Ma Nới đi thôn Tà Nôi (huyện Ninh Sơn), dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy, dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Bãi Hỏm, dự án Khu du lịch Mũi Dinh Ecopark, dự án Khu Resort Vườn San hô, dự án Hồ chứa nước Kiền Kiền và hạng mục đầu tư đường dây 500kV, 220kV đấu nối thuộc dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450MW.
Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, tỉnh luôn ý thức việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tại những khu vực rừng nghèo kiệt, không có khả năng phát triển mới chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Những dự án tỉnh đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đều là những dự án rất quan trọng phục vụ mục tiêu an sinh xã hội, an ninh năng lượng và phát triển kinh tế - xã hội của của các địa phương. Việc xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng nhằm đảm bảo việc triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 115/NQ – CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ về thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân giai đoạn 2018 – 2023.
Cùng với kiến nghị xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, rừng tự nhiên, Ninh Thuận cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ – CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều Luật Lâm nghiệp; trong đó, có hướng dẫn, quy định cụ thể về tiêu chí đối với các dự án cấp thiết, dự án đặc biệt được chuyển mục đích sử dụng rừng; quy định về đối tượng, mức đầu tư và trình tự đầu tư giai đoạn sau 2020 đối với chính sách bảo vệ và phát triển rừng theo quy định tại Chương VI, Nghị định số 156/2018/NĐ – CP của Chính phủ.
Đồng thời, tỉnh kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương sớm có các cơ chế, chính sách đặc thù đối với các đơn vị thực hiện nhiệm vụ công ích về bảo vệ rừng; cho phép chuyển đổi mô hình hoạt động của hai công ty lâm nghiệp trên địa bàn sang mô hình Ban quản lý rừng phòng hộ; các thủ tục hành chính về giao rừng, cho thuê rừng; thu hồi rừng để đảm bảo tính thống nhất trong triển khai. Cùng với đó, làm rõ chức năng, thẩm quyền quyết định của địa phương đối với các dự án đầu tư trên đất không có rừng thuộc quy hoạch rừng đặc dụng dưới 20 ha; việc quản lý rừng tự nhiên liên quan an ninh quốc phòng; tháo gỡ khó khăn diện tích rừng sử dụng khi xây dựng hồ chứa nước Sông Than; việc liên kết, liên doanh trồng rừng, xây dựng các dự án du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đánh giá cao kết quả mà tỉnh đã đạt được trong việc quản lý, bảo vệ rừng trong những năm qua. Với những kiến nghị của tỉnh và lĩnh vực thuộc thẩm quyền xử lý, giải quyết của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đã giải đáp, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ngay tại cuộc họp.
Đối với các dự án cụ thể, Thứ trưởng yêu cầu địa phương khẩn trương rà soát, hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ theo các quy định để trình các Bộ, ngành tham mưu Chính phủ xem xét, quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo đảm bảo đúng quy định của pháp luật.