Những tín hiệu tích cực tiến đến mục tiêu tăng trưởng 6,7%

Mặc dù, nền kinh tế Việt Nam còn những khó khăn, thách thức, nhưng với những kết quả khả quan trong 9 tháng vừa qua, đặc biệt là xu hướng phát triển trong quý III cùng với sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Chính phủ... mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2017 là 6,7% vẫn có khả năng đạt được.

Đây là khẳng định của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm thông tin về tình hình kinh tế 9 tháng năm 2017. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Ông đánh giá như thế nào về tình hình kinh tế 9 tháng năm 2017? Trong đó, những ngành, lĩnh vực nào có dấu hiệu khởi sắc giúp cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng?

Có thể khẳng định kinh tế kinh tế Việt Nam trong 9 tháng năm 2017 đã có chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng được cải thiện rõ nét qua từng quý với nhiều điểm sáng và kết quả ấn tượng trong các ngành, lĩnh vực. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2017 ước tính tăng 6,41%; trong đó, quý I tăng 5,15%, quý II tăng 6,28% (cao hơn mức tăng của quý I là 1,13 điểm %); ước tính quý III tăng 7,46% (cao hơn mức tăng quý II là 1,18 điểm %), đồng thời cũng là quý III có mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.

Mức tăng trưởng 9 tháng năm nay tuy thấp hơn mức tăng 6,53% của 9 tháng năm 2015, nhưng cao hơn mức tăng của cùng kỳ các năm 2011-2016. Điều này khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng thực hiện. Đây cũng là tín hiệu tích cực để nền kinh tế hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,7% của cả năm 2017.

Trong 9 tháng năm nay, sự phục hồi và tăng trưởng cao của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và kết quả ấn tượng của các ngành dịch vụ là những điểm sáng quan trọng thúc đẩy tăng trưởng chung của nền kinh tế. Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bứt tốc mạnh mẽ trong quý III, ước tính tăng 16,63%, cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây do có sự đóng góp quan trọng của các ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính, điện thoại; sản xuất kim loại; sản xuất sản phẩm từ kim loại...

Dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử gia dụng tại công ty LG Electronics Việt Nam. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Trong đó, phải kể tới chỉ số sản xuất ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính, điện thoại quý III/2017 tăng tới 45,5% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 9 tháng năm 2017 tăng 25,1% chủ yếu do Tập đoàn Samsung mở rộng sản xuất các mặt hàng điện tử giá trị cao. Ngành sản xuất kim loại 9 tháng năm nay đạt mức tăng 21,4% với sự đóng góp của Tập đoàn Formosa mới đi vào sản xuất; ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại tăng 14,2%...

Tính chung 9 tháng năm 2017, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tới 12,77% (cao hơn mức tăng của cùng kỳ các năm 2012-2016). Khu vực dịch vụ tiếp tục duy trì tăng trưởng khá với mức tăng 9 tháng đạt 7,25%, mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.

Ngoài ra, 9 tháng năm nay, Việt Nam đón 9,45 triệu lượt khách quốc tế, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu hàng hóa tăng 19,8% với 2 tháng liên tiếp gần đây đạt kim ngạch 19 tỷ USD trở lên; nhập khẩu hàng hoá tăng 23,1%. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cả cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần đạt 25,5 tỷ USD, tăng 34,3%; vốn FDI thực hiện đạt 12,5 tỷ USD, tăng 13,4%. Đây cũng là những kết quả ấn tượng trong 9 tháng năm nay.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn những khó khăn, thách thức tác động tới tăng trưởng, ông nhận định về tình hình này như thế nào?

Đúng là bên cạnh những điểm sáng, những kết quả quan trọng đạt được trong 9 tháng năm nay như đã đề cập phía trên thì kinh tế - xã hội nước ta vẫn đối mặt với những khó khăn, thách thức. Đó là công nghiệp khai khoáng giảm sút mạnh nhất từ trước đến nay, giá trị tăng thêm giảm 8,08% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất nông nghiệp đang có dấu hiệu chững lại. Nguyên nhân chủ yếu do sản lượng lúa 9 tháng giảm 368 nghìn tấn so với cùng kỳ năm trước và sản lượng thịt lợn hơi quý III giảm tới 2,3% so với cùng kỳ năm 2016.

Ngoài ra, tiến độ thu, chi ngân sách Nhà nước và giải ngân vốn đầu tư công nhìn chung còn chậm. Tổng thu từ đầu năm đến 15/9/2017 bằng 64,9% dự toán năm; trong đó, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước mới bằng 47,8%. Tổng chi ngân sách Nhà nước đến thời điểm trên bằng 61,2% dự toán năm; trong đó chi đầu tư phát triển chỉ bằng 42,8% dự toán năm.

Bên cạnh đó, thiên tai, bão, lũ diễn biến phức tạp, bất thường cũng đã ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống. Ngoài ra, việc gia tăng chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ sản xuất, bảo hộ mậu dịch cùng với những điều chỉnh chính sách của Mỹ và một số nước cũng tác động đáng kể tới hoạt động xuất khẩu của nước ta.

Vậy theo ông cần phải có những giải pháp gì để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra?

Mặc dù còn những khó khăn, thách thức, nhưng theo tôi, với những kết quả khả quan trong 9 tháng vừa qua, đặc biệt là xu hướng phát triển trong quý III cùng với sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, việc triển khai thực hiện có hiệu quả của bộ, ngành, địa phương, mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2017 là 6,7% vẫn có khả năng đạt được.

Để đạt được mục tiêu trên, các ngành, các cấp, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp phải tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp đã được đề ra tại các Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện kịch bản tăng trưởng cả năm 2017.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Công nghiệp Vĩnh Tường (Khu công nghiệp Hiệp phước, TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Theo đó, cần tập trung điều hành chính sách tài chính, tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần ổn định thị trường tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng và kiểm soát lạm phát; thực hiện giảm lãi suất cho vay, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm 2017 đạt 21%; tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên; tăng cường các biện pháp chống thất thu, chuyển giá và nợ đọng thuế; triệt để tiết kiệm chi tiêu thường xuyên.  

Tiếp theo là chủ động bám sát diễn biến thời tiết để hạn chế tối đa ảnh hưởng của thiên tai, bão, lũ tới sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; tiếp tục hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Cùng với đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo thực hiện và giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công được giao năm 2017.

Ngoài ra, tiếp tục thúc đẩy nhu cầu trong nước, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước đối với hàng nhập khẩu, góp phần duy trì tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, nhất là nhập khẩu tiểu ngạch và các hoạt động tạm nhập, tái xuất hàng nông sản. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch, có chính sách, biện pháp hiệu quả thu hút khách du lịch quốc tế...

Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất 0,5%; đồng thời, đưa mức tăng trưởng tín dụng lên 21% nhằm hỗ trợ đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Ông có đánh giá như thế nào về luồng tiền này đối với nền kinh tế. Liệu có khả năng đẩy lạm phát lên cao?

Đầu năm 2017, Ngân hàng Nhà nước xây dựng mục tiêu tín dụng cả năm tăng khoảng 18%. Tuy nhiên, căn cứ vào thực tế hoạt động kinh tế 8 tháng 2017, Ngân hàng Nhà nước vừa mới điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng lên 21% nhằm hỗ trợ và mở rộng sản xuất nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm.

Trong đó, 80% tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh với tín dụng đối với một số ngành kinh tế trọng điểm tăng cao hơn so với mức tăng chung của toàn hệ thống, như: tín dụng đối với ngành công nghiệp tăng 14,58%; ngành xây dựng tăng khoảng 15,01%; tín dụng đối với nông nghiệp và phát triển nông thôn tăng 14,5%.

Với chủ trương hạ lãi suất cho vay và nâng mức tăng trưởng tín dụng cao hơn kế hoạch đầu năm tập trung vào sản xuất, đây sẽ là một luồng tiền huy động trong nước bơm trực tiếp vào sản xuất. Việc sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn vốn tín dụng này sẽ kích thích sản xuất dẫn tới tăng trưởng kinh tế. 

CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm trước ước tăng 3,79% và tăng 1,83% so với cuối năm 2016. Những năm gần đây, Chính phủ luôn chủ động kiểm soát lạm phát, khi tăng trưởng tín dụng sẽ tác động tới lạm phát tuy nhiên có độ trễ sau 6 đến 12 tháng. Như vậy, nếu tăng trưởng tín dụng lên trên 21% sẽ tác động tới lạm phát năm 2018.

Xin cảm ơn ông!

Thúy Hiền (TTXVN)
GDP 9 tháng tăng 6,41%, cả năm có thể đạt 6,7%
GDP 9 tháng tăng 6,41%, cả năm có thể đạt 6,7%

Đó là thông tin vừa được Tổng cục Thống kê đưa ra tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2017 tổ chức sáng nay (29/9).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN