Những tín hiệu khởi sắc của thị trường bất động sản

Thị trường bất động sản (BĐS) đang xuất hiện những tín hiệu tích cực, tạo cơ sở bắt đầu chu kỳ phục hồi từ quý II/2024 với hình thái mới chuyên nghiệp, lành mạnh, bền vững hơn.

“Chạy đà”

Báo cáo “Đánh giá tiến trình phục hồi thị trường BĐS Việt Nam quý III/2023 và dự báo tình hình thị trường quý IV/2023” của Hiệp hội BĐS Việt Nam (Vnrea) vừa hoàn thành chỉ rõ, thanh khoản trên thị trường bất động sản trong quý III/2023 đã được cải thiện so với giai đoạn khó khăn cuối năm 2022 và những tháng đầu năm, thị trường bắt đầu ghi nhận nhiều "điểm sáng" tại các địa phương như: Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… những nơi được thúc đẩy đầu tư hạ tầng, giao thông, có nhiều nguồn cung phù hợp với nhu cầu. 

Chú thích ảnh
Những tín hiệu khởi sắc của thị trường bất động sản.

Theo khảo sát mới đây của Hội môi giới BĐS Việt Nam (Vars), có tới 60% số nhà đầu tư đã tham gia thị trường BĐS sẽ tiếp tục đầu tư nếu lãi suất ngân hàng tiếp tục giảm. Thị trường BĐS từ đầu năm đến nay ghi nhận lượng giao dịch đang tăng dần, nếu quý II/2023 thị trường ghi nhận 3.700 giao dịch, tăng 37% so với mức 2.700 giao dịch ở quý I, quý III thị trường đã ghi nhận gần 6.000 giao dịch, gấp 1,5 lần quý II và hơn 2 lần so với quý I… 

Theo đại diện các doanh nghiệp kinh doanh BĐS, thị trường chung cư, nhà đất tại các thành phố lớn hiện đã có dấu hiệu hấp thụ tốt, tập trung ở phân khúc giá dưới 10 tỷ đồng tại khu vực lõi trung tâm. Để tiếp tục duy trì chu kỳ tăng trưởng của thị trường hiện nay, cần có các cơ chế, chính sách cải thiện nguồn cung đang bế tắc. Các chính sách về BĐS cần hướng đến mọi tầng lớp trong xã hội. 

TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Vnrea nhận định, nhu cầu ở thật đang tăng cao và chắc chắn sẽ tăng cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, đô thị hóa... Dự kiến tại Diễn đàn BĐS cuối năm 2023, Vnrea sẽ công bố các chỉ số BĐS, là cơ sở để các nhà phát triển dự án tham chiếu, để khi dự án hình thành có thể đáp ứng được từ 60 - 70% nhu cầu thật, đảm bảo các yêu cầu để thu hút sự nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Các chuyên gia BĐS cũng nhận định, nếu các dự thảo Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, kéo theo các “nút thắt” về pháp lý, nguồn vốn được tháo gỡ, niềm tin của nhà đầu tư quay lại thị trường chính… sẽ là những điều kiện quyết định để thị trường thật sự trở về trạng thái bình thường. Thị trường BĐS quý IV/2023 sẽ là bước đệm cho sự phục hồi thị trường từ năm 2024, đặc biệt tại những khu vực đang còn nhiều dư địa phát triển, có quy hoạch đồng bộ, hiện đại, hạ tầng được quan tâm, chú trọng đầu tư, mặt bằng giá chưa cao...

“Vượt bão”

Theo ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), BĐS là một trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, liên quan mật thiết tới các ngành: Xây dựng, tài chính, du lịch, sản xuất kinh doanh… Thời gian qua, thị trường và doanh nghiệp BĐS gặp nhiều khó khăn, có tới 70 - 80% số dự án đang tạm ngừng thi công, cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý, thiếu phân khúc nhà ở có giá phù hợp với người thu nhập thấp và doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn. Tuy nhiên trước đây, các doanh nghiệp thường chờ đợi Chính phủ tháo gỡ khó khăn, còn hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã chủ động, linh hoạt, đồng hành cùng Chính phủ giải quyết những vướng mắc chung của thị trường. 

Còn TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho hay, thị trường BĐS đang chịu nhiều yếu tố tác động gồm: Kinh tế vĩ mô; pháp lý và quản lý giám sát; quy hoạch và cơ sở hạ tầng; cung - cầu; thông tin dữ liệu minh bạch… Nếu được kiểm soát, duy trì ổn định, thị trường BĐS sẽ “vượt bão” thành công. Phân tích cụ thể theo chuyên gia này, tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam đang phục hồi và từ năm 2024 - 2025 sẽ tốt đẹp hơn; lạm phát và lãi suất ngân hàng đang giảm dần từ quý III/2023 tạo điều kiện cho nhà đầu tư dễ tiếp cận vốn; vướng mắc về pháp lý, thể chế cũng đang dần được tháo gỡ và thực thi. Ngoài ra, quy hoạch tại các địa phương đang hoàn thiện; đầu tư công và phát triển cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh, trong 9 tháng đầu năm, giải ngân đầu tư công đã đạt hơn 352.000 tỷ đồng; nguồn cung - cầu các dự án BĐS giá đang tiến tới cân bằng hợp lý hơn...

“Nhờ các yếu tố trên, thị trường BĐS đã đi qua giai đoạn khủng hoảng, đang bước vào giai đoạn sàng lọc, lành mạnh hoá và thị trường BĐS nhiều quốc gia trên thế giới đang đi theo hướng đi này”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh. 

“Vấn đề ưu tiên nhất của thị trường BĐS hiện nay là việc hoàn thiện thể chế để phát triển bền vững và giải quyết thị trường theo nguyên tắc Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo 'khó khăn vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào, cơ quan nào thì cấp đó, cơ quan đó phải giải quyết dứt điểm'. Song, thời gian tới, các bộ, ngành địa phương cần tập trung, khẩn trương hoàn thành công tác quy hoạch với các ngành, vùng, địa phương, phân khu, với sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa, giải quyết dứt điểm các thủ tục pháp lý và hành chính cho doanh nghiệp", TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Vnrea khẳng định.

 

Vân Sơn/Báo Tin tức
Mạng lưới môi giới bất động sản công nghệ tạo giá trị mới cho thị trường nhà đất
Mạng lưới môi giới bất động sản công nghệ tạo giá trị mới cho thị trường nhà đất

Ngày 27/10, tại Hà Nội, hàng nghìn môi giới bất động sản (BĐS) đã tham gia sự kiện ra mắt Mạng lưới hợp tác môi giới BĐS công nghệ OneHousing và nền tảng công nghệ phục vụ giao dịch BĐS dưới sự bảo trợ của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (Vars - Hiệp hội BĐS Việt Nam).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN