Mặc dù đã có một vài tín hiệu khởi sắc hiếm hoi trong những
tháng cuối năm, nhưng bức tranh chung của kinh tế thế giới năm 2012 vẫn
bao phủ một màu u ám. Trong khi tốc độ phục hồi của những nền kinh tế
chủ chốt như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản,… còn rất mong manh, các nền kinh tế
mới nổi ở châu Á - khu vực vốn được xem là động lực tăng trưởng của nền
kinh tế toàn cầu, bắt đầu chững lại do chịu sự tác động của tình trạng
suy giảm chung.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự báo
kinh tế châu Âu sẽ tiếp tục ảm đạm trong hai năm tới với tốc độ tăng
trưởng của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) giảm 0,5% năm 2012
và giảm 0,3% năm 2013 trước khi có thể tăng nhẹ 1,2% vào năm 2014 nhờ
chính sách lãi suất thấp, lòng tin được cải thiện và nhu cầu toàn cầu
tăng.
Trong khi châu Âu lún sâu vào cuộc khủng hoảng nợ công,
tốc độ phục hồi của nền kinh tế Mỹ chậm hơn nhiều so với dự báo, thậm
chí nền kinh tế số một thế giới hiện đang bên bờ vực của sự suy thoái.
Mặc dù thị trường lao động đã có dấu hiệu cải thiện và thị trường nhà
đất đang có xu hướng ổn định dần, song theo các nhà phân tích, nếu hai
đảng tại Quốc hội Mỹ không đạt được thỏa thuận ngăn chặn kế hoạch tăng
thuế và cắt giảm chi tiêu tự động trị giá 600 tỷ USD có hiệu lực từ đầu
năm 2013, nhằm tránh va vào “vách đá tài chính,” kinh tế Mỹ có nguy cơ
mất đi 4% GDP và rơi trở lại suy thoái. Nguy cơ Mỹ vấp phải “vách đá
tài chính” có thể khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng âm,
cản trở đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Liên hợp quốc dự báo kinh
tế Mỹ sẽ chỉ tăng trưởng 2,1% năm 2012, 1,7% năm 2013 và 2,7% năm 2014.
Lãnh đạo thiểu số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell tới dự cuộc họp của Thượng viện tại Washington DC bàn cách tháo gỡ nguy cơ nền kinh tế va vào vách đá tài chính. ngày 27/12. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Cùng với những dấu hiệu không mấy sáng sủa trên, việc Văn
phòng Nội các Nhật Bản xác nhận rằng nền kinh tế lớn thứ ba thế
giới này đã tăng trưởng âm trong quý III năm nay càng làm dấy lên
những lo ngại rằng xứ sở Mặt Trời mọc đang trượt dần vào suy thoái.
Theo những số liệu do Văn phòng Nội các Nhật Bản vừa công bố, kinh tế
Nhật Bản trong quý III đã giảm 0,9% so với quý trước và giảm
3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng trong quý II cũng được
điều chỉnh giảm âm 0,03% (so với các số liệu sơ bộ trước đó là tăng
trưởng 0,1%). Và nếu nền kinh tế này tiếp tục tăng trưởng âm trong
quý IV, viễn cảnh Nhật Bản rơi vào suy thoái lần thứ 5 trong vòng 15
năm qua càng được củng cố. Sự rối loạn tài chính ở châu Âu,
đồng yên tăng giá mạnh ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu và quan hệ
ngoại giao căng thẳng với đối tác thương mại lớn là Trung Quốc
đã tác động mạnh đến kinh tế Nhật Bản, dập tắt những hy vọng
rằng nền kinh tế này đã củng cố được đà phục hồi sau thảm họa
động đất - sóng thần năm ngoái.
Những tác động từ cuộc
khủng hoảng nợ công ở châu Âu, nỗi lo về “vách đá tài chính” ở Mỹ, nguy
cơ suy thoái tại Nhật Bản, đà hồi phục kinh tế toàn cầu chậm lại, cộng
thêm những thách thức về cơ cấu, đầu tư yếu đi và sản lượng dư thừa đã
khiến cho các nền kinh tế mới nổi ở châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ đánh
mất đà tăng trưởng nhanh. Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng thế giới
(WB), kinh tế Trung Quốc năm nay chỉ tăng trưởng 7,9%, cao hơn đôi chút
so với mục tiêu 7,5% do chính phủ đề ra và là mức thấp nhất kể từ năm
1999, do xuất khẩu yếu và tác động của các biện pháp hạ nhiệt thị trường
nhà đất. Nhìn chung, xuất khẩu sụt giảm là lý do cơ bản khiến các nền
kinh tế đang phát triển ở châu Á tăng trưởng chậm lại trong năm 2012.
Theo WB, khu vực Đông Á đang phát triển là điểm sáng hiếm hoi
của nền kinh tế toàn cầu năm 2012. Thành tích khá ấn tượng của các nền
kinh tế như Indonesia, Malaysia, Philippines và Myanmar sẽ đẩy mức tăng
trưởng của khu vực này (không tính Trung Quốc) lên 5,7% năm 2013 và 5,8%
năm 2014. Kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương ước đoán tăng
trưởng lần lượt 7,5% và 7,9%, trong khi khu vực Đông Á và Nam Á tăng
trưởng lần lượt 5,8% và 4,4% năm 2012; 6,2% và 5% năm 2013. Về triển
vọng tăng trưởng của kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, các nhà kinh tế lạc
quan rằng nhu cầu tăng mạnh trong khu vực sẽ bù đắp mức tăng xuất khẩu
chậm lại.