Cảnh báo 'tiền mất tật mang' khi đổi tiền lẻ, tiền mới dịp Tết

Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 cận kề, nhu cầu đổi tiền lẻ để sử dụng trong các hoạt động lì xì, cúng bái những ngày này đang "nóng" trở lại.

Đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook..., hàng loạt bài viết quảng cáo xuất hiện, từ đổi tiền lẻ, tiền mới đến rao bán tiền lì xì độc lạ, kèm theo các cam kết hấp dẫn như “giá rẻ nhất thị trường” hay “đảm bảo tiền thật”. Phí đổi tiền dao động từ 1-15%, tùy theo mệnh giá và mức độ khan hiếm.

Theo đó, đối với tiền mệnh giá cao từ 100.000 - 500.000 đồng, mức phí đổi tiền mới thường từ 3-5%. Trong khi đó, tiền mệnh giá nhỏ hơn từ 10.000 - 50.000 đồng có phí đổi cao hơn, khoảng 6-8%, tăng nhẹ so với năm trước.

Không chỉ tiền lẻ, tiền mới, các sản phẩm tiền xu, tiền lưu niệm cũng được rao bán sôi động. Một số loại tiền xu được quảng cáo là “mang lại may mắn” như tiền xu Hong Kong thần tài mạ vàng, tiền xu 5 yen Nhật... được rao bán với giá từ 60.000 - 180.000 đồng.

Tuy nhiên, cùng với nhu cầu lớn là những rủi ro tiềm tàng. Một số đối tượng đã lợi dụng lòng tin và sự thiếu cảnh giác của người dân để thực hiện các hành vi lừa đảo. Chúng yêu cầu khách hàng đặt cọc trước, sau đó không giao tiền hoặc gửi tiền giả, tiền không đủ số lượng. Thậm chí, sau khi nhận tiền cọc, các đối tượng còn chặn liên lạc, khiến người dân mất trắng.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, chỉ các tổ chức tài chính được cấp phép mới có quyền đổi tiền lẻ, tiền mới. Ngoài ra, việc đổi tiền để kiếm lời, đặc biệt trên mạng xã hội, là hành vi trái pháp luật và có thể bị xử phạt nặng. Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định mức phạt từ 20 - 40 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm, trong khi tổ chức, doanh nghiệp vi phạm có thể bị phạt lên tới 80 triệu đồng.

Mặc dù các giao dịch giữa cá nhân với mục đích sử dụng không nhằm kiếm lời không bị cấm nhưng người dân vẫn cần nâng cao cảnh giác để tránh rủi ro.

Để tránh “tiền mất, tật mang”, người dân nên ưu tiên thực hiện giao dịch tại các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính được cấp phép, không đổi tiền qua mạng xã hội để tránh trở thành “con mồi” tiếp tay cho các hành vi lừa đảo.

Ngân hàng Nhà nước cho biết kể từ năm 2021 đã hạn chế việc cấp tiền mới cho các ngân hàng, đặc biệt là các mệnh giá nhỏ dưới 10.000 đồng, nhằm kiểm soát nguồn cung, giảm chi phí in ấn và hạn chế các hành vi lợi dụng đổi tiền trong dịp Tết. Cơ quan chức năng cũng tích cực đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức, giúp người dân tránh bị lợi dụng.

Đối với các loại tiền độc, lạ, Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến cáo người dân thận trọng, cân nhắc kỹ trước khi giao dịch. Bởi các loại tiền này chỉ nên được dùng với mục đích sưu tầm, nếu mua nhầm tiền giả mà dùng để giao dịch, mua bán là hành vi vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, các ứng dụng ngân hàng và ví điện tử hiện nay đều tích hợp tính năng lì xì online với thiết kế phong bao đẹp mắt, lời chúc Tết ý nghĩa, phù hợp văn hóa người Việt. Chỉ với vài thao tác trên ứng dụng, người dùng có thể gửi tiền lì xì đến người thân, bạn bè ở bất cứ đâu mà không cần gặp mặt trực tiếp.

Ngoài sự tiện ích, lì xì online còn giúp minh bạch hóa giao dịch, đảm bảo an toàn pháp lý, đồng thời giảm áp lực in ấn tiền mới trong dịp Tết. Đây là xu hướng vừa tiện lợi, vừa an toàn, đặc biệt trong bối cảnh các giao dịch đổi tiền mới, tiền độc, lạ tiềm ẩn rủi ro như nhận phải tiền giả hoặc bị lừa đảo khi đổi tiền qua mạng xã hội, từ đó góp phần thúc đẩy thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, phù hợp với định hướng phát triển của nền kinh tế số.

Lê Phương (TTXVN)
‘Giải mã luật sư’: Đổi tiền mới hưởng phần trăm chênh lệch có vi phạm pháp luật?
‘Giải mã luật sư’: Đổi tiền mới hưởng phần trăm chênh lệch có vi phạm pháp luật?

Trong chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’ của báo Tin Tức, PV Minh Phương có cuộc trao đổi với luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI về một vấn đề được dư luận quan tâm, đó là dịch vụ đổi tiền mới, đổi tiền lẻ nhân dịp Tết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN