Doanh nghiệp cần đáp ứng tiêu chuẩn chung
Theo các chuyên gia kinh tế, Hiệp định EVFTA mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Do đó, để tận dụng được Hiệp định EVFTA, các DN cần chủ động nắm vững các cam kết trong Hiệp định EVFTA, đồng thời liên kết với nhau để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ông Lý Hoàng Hải, Tổng Giám đốc Công ty Eurofins Sắc Ký Hải Đăng, cho biết sự kết nối giữa các doanh nghiệp - doanh nghiệp và doanh nghiệp - nhà nước còn yếu, thiếu thông tin về thị trường EU trên các trang thông tin chính thống, chất lượng sản phẩm nông nghiệp chưa đạt chuẩn quốc tế…
“Vì vậy, muốn tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA để đưa hàng hóa vào thị trường EU, trước mắt cần nâng cao nhận thức của người nông dân về không sử dụng chất cấm trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản… Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, cần ban hành kịp thời những quy định, chính sách phù hợp với yêu cầu của EU, phản biện những quy định không hợp lý, cung cấp thông tin chính thống về các thị trường cho doanh nghiệp nắm rõ để chuẩn bị các sản phẩm xuất khẩu phù hợp…”, ông Lý Hoàng Hải cho biết thêm.
Trong khi đó, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công thương), cho biết hiện nay một số thị trường khó khăn do dịch COVID-19 sẽ phục hồi sản xuất chậm hơn Việt Nam, đây là cơ hội cho ngành nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp Việt Nam đưa sản phẩm vào thị trường EU. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu nông sản, thủy sản, lâm nghiệp của Việt Nam sang các nước còn bị hạn chế từ nhiều yếu tố như: sản xuất manh mún và nhỏ lẻ, thiếu và yếu các tcơ sở hạ tầng, phân phối…
“Thực tế, muốn đáp ứng được các tiêu chuẩn của các thị trường này, các DN phải rất nỗ lực trong nhiều năm liên tục và phải hình thành sản phẩm có tiêu chuẩn hài hoà so với thế giới, cụ thể như GobalGap. Ngoài ra, còn cần phải làm tốt các khâu mà các thị trường đang cần, trong đó một yêu cầu quan trọng là đáp ứng được các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc. Để đáp ứng được yêu cầu này, các DN cần đặc biệt quan tâm phương thức sản xuất cũng như tiếp cận hệ thống công nghệ thông tin”, ông Lương Hoàng Thái nói.
Tái cơ cấu lại doanh nghiệp
Dưới góc độ nhà quản lý, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết thành phố xác định Châu Âu là thị trường lớn để các DN đa dạng hóa đối tác, tự khẳng định mình trong môi trường cạnh tranh toàn cầu. Do đó, để hỗ trợ DN tận dụng cơ hội phát triển xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường Châu Âu, TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung vào công tác tuyên truyền, chú trọng các điểm yếu mà DN cần khắc phục. Cụ thể, thành phố sẽ đẩy mạnh hoạt động kết nối cho các doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính, nỗ lực tái cơ cấu kinh tế, tăng cường các biện pháp sở hữu trí tuệ, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, từ đó mang lại những lợi ích cho DN khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, thành phố sẽ hình thành các chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa. Có như vậy, DN mới có thể nâng chất lượng hàng hóa xuất khẩu lên một cấp độ mới, tiêu chuẩn hóa theo các tiêu chuẩn quốc tế ở nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản, lâm nghiệp hướng đến xuất khẩu.
“Về lâu dài, TP Hồ Chí Minh cũng sẽ đẩy mạnh hỗ trợ để DN thành phố nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do Châu Âu quy định; xem trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất; đặc biệt đảm bảo quy tắc xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu vào Châu Âu. Hiện nay, thành phố đang nghiên cứu sẽ nghiên cứu, ban hành “Đề án phát triển xuất khẩu đến năm 2025, định hướng năm 2030” để cơ cấu lại ngành hàng xuất khẩu theo hướng chuyển sang xuất khẩu sản phẩm tinh chế, có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng cao, trong đó ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp”, ông Nguyễn Thành Phong thông tin.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, Hiệp định EVFTA sau khi được ký kết và có hiệu lực, ngành nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ có thể tiếp cận được một thị trường đầy tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người và GDP đạt 18.000 tỷ USD. Đặc biệt, Hiệp định EVFTA có những cơ chế ưu đãi về thuế quan thương mại, về điều kiện liên quan hạ tầng kỹ thuật, quy trình mở cửa thị trường… đây là những cơ hội nhưng cũng đặt ra những vấn đề và thách thức lớn cho các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng…
“Để hỗ trợ DN tận dụng các cơ hội từ Hiệp định và đưa hàng vào thị trường EU, Chính phủ cần sớm ban hành chương trình hành động và tổ chức triển khai thực hiện chương trình hành động này. Hiện nay, Bộ Công thương đã hoàn tất việc tổng hợp chung và xin ý kiến cuối cùng để trình Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra, các bộ ban ngành cũng cần tổ chức đôn đốc, giám sát kiểm tra việc thực hiện chương trình hành động tại các DN để kịp thời tháo gỡ khó khăn”, ông Trần Tuấn Anh nói.
Cũng theo ông Trần Tuấn Anh, các bộ ngành liên quan cần có sự thống nhất, đồng bộ trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn DN thực hiện các quy định theo Hiệp định EVFTA. Bởi những Hiệp định trong khuôn khổ hội nhập trước đây chưa triển khai hiệu quả do không có sự đồng bộ, thống nhất giữa các bộ, ngành, các cơ quan chủ quản trong tổ chức, hướng dẫn DN thực hiện. Song song đó, các bộ, ban, ngành liên quan cũng cần có các hoạt động hỗ trợ cho DN như: lập tổ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về xuất, nhập khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp; sớm xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu chung cho tất cả các DN trong khai thác phát triển thị trường Châu Âu.