Nhân dịp kỷ niệm 35 năm ký kết hợp tác toàn diện Việt - Lào và “Năm đoàn kết hữu nghị Việt -Lào 2012”, chúng tôi đã có dịp sang thăm một số tỉnh phía Nam Lào. Vượt qua chặng đường dài trên 700 km từ thành phố Quy Nhơn lên cửa khẩu Ngọc Hồi , tỉnh Kon Tum (Việt Nam) và đi qua các tỉnh bạn Atapư - Sê Kông và Chămpasắk, cũng như qua những đồi núi rừng trùng trùng điệp điệp ở độ cao từ 500 -1.500 m so với mặt nước biển.
Thăm nhà máy chế biến mủ cao su bên đất bạn. |
Đây là lần đầu tiên được sang thăm đất nước “Triệu voi” giàu tiềm năng, tươi đẹp và đang trên đường phát triển, đã để lại cho chúng tôi sau chuyến đi một cảm xúc dâng trào. Đặc biệt, khi được đến đất bạn, các đồng chí lãnh đạo các công ty liên doanh Cao su hữu nghị Lào - Việt (LVF), Công ty CBF và Công ty Cà phê đưa đến thăm rừng cao su bạt ngàn và nhà máy chế biến mủ cao su tại bản Pa Lay, huyện Thà Tèng tỉnh Sê Kông; trồng cây cà phê tại huyện Pắc Xoàng và nhà máy chế biến dược phẩm tại trung tâm Parse, tỉnh Chămpasắk đã cho chúng tôi chứng kiến tận mắt hiệu quả từ những dự án đầu tư liên doanh thắm tình hữu nghị Việt - Lào.
Rừng cao su với 3.000 ha, năm đầu tiên đã đưa vào thu hoạch 900 ha và dự kiến từ năm 2013 trở đi, mỗi năm đưa vào thu hoạch 900 - 1.000 ha. Dự án này đã tạo việc làm thường xuyên và ổn định cho từ 800 - 1.200 công nhân và vào thời gian cao điểm thu hút 1.500 lao động với mức thu nhập bình quân đạt 1 triệu kíp (tương đương 2,6 triệu đồng VND) và nộp ngân sách cho Nhà nước Lào đến cuối năm 2011 đạt 143.000 USD (tương đương trên 1,3 tỷ kíp Lào). Ông Nguyễn Duy Hùng, Phó Giám đốc Công ty cao su hữu nghị Lào Việt (LVF) cho biết: Dự án liên doanh trồng cây cao su tại huyện Thà Tèng, tỉnh Sê Kông, có tổng diện tích dự kiến 8.000 ha, với tổng nguồn vốn đầu tư 20 triệu USD, trong đó phía Việt Nam chiếm 16 triệu USD, đến nay mới trồng được 3.000 ha từ năm 2006 và đã bắt đầu cho thu hoạch. Dự kiến từ năm 2013 khi bạn bàn giao tiếp diện tích đất sẽ trồng thêm 2.000 ha cao su. Đi đôi với trồng và khai thác mủ, LVF cũng đã đầu tư gần 40 tỷ đồng xây dựng Nhà máy chế biến mủ cao su tại bản Pa Lay, công suất 6.500 tấn sản phẩm/năm, cuối năm 2012 chính thức khánh thành và đưa nhà máy vào hoạt động.
Anh Khâm Bèng, 31 tuổi, công nhân Công ty cao su hữu nghị Lào - Việt cho biết: Trước đây chưa có đầu tư dự án trồng và chế biến cao su tại bản Pa Lay - Thà Tèng, hầu hết người dân đều làm ăn khó khăn. Nhưng kể từ khi thực hiện dự án trồng cao su đến nay, người dân địa phương đều có việc làm và thu nhập ổn định. Riêng anh một tháng thu nhập bình quân 1,5 - 1,7 triệu kíp/tháng.
Ông Nguyễn Văn Ninh, Phó Chủ tịch HĐQT - kiêm Giám đốc LVF cho biết thêm: Trong những năm qua, đơn vị không chỉ lo phát triển kinh tế mà còn tham gia giúp đỡ xây dựng cơ sở vật chất phục vụ đời sống dân sinh trong vùng dự án. Chỉ từ khi triển khai dự án này đến nay, công ty (LVF) đã kéo mạng lưới điện sinh hoạt cho tất cả 27 bản trong vùng dự án, với tổng kinh phí trên 600 triệu kíp, ngoài ra còn hỗ trợ xây dựng trường học, y tế và học bổng cho sinh viên Lào qua học tại trường Đại học Quy Nhơn (Bình Định) trên 500 triệu kíp.
Rời huyện Thà Tèng, tỉnh Sê Kông, chúng tôi lại tiếp tục hành trình đến công ty liên doanh cà phê tại huyện Pắc Xoàng, tỉnh Chămpasắk. Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc công ty cho biết: Dự án trồng 400 ha cà phê từ năm 2000, với tổng số vốn đầu tư trên 3 triệu USD, đến nay đã đưa vào thu hoạch 160 ha và chế biến được 200 tấn sản phẩm hạt khô, giải quyết việc làm cho 190 lao động chủ yếu là người địa phương.
Đến công ty Liên doanh Dược phẩm CBF, ông Chin đa Vông Su Ly, Giám đốc công ty CBF cho biết: Được sự quan tâm của Đảng, nhà nước Việt Nam - Lào và chính quyền hai tỉnh Bình Định và Chămpapắk, đây là liên doanh xây dựng nhà máy sản xuất dịch truyền và thuốc chữa bệnh sớm nhất tại Lào vào năm 1994, với tổng số vốn điều lệ đầu tiên 2 triệu USD và đến nay là 3,5 triệu USD, trong đó Công ty Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar) chiếm tỷ lệ vốn đầu tư 80%, phía bạn là 20%. Sau 17 năm phát triển, tăng trưởng bình quân hàng năm 22%, từ năm 2004 trở lại đây sản phẩm thuốc tiêm và dịch truyền đã đáp ứng 100% nhu cầu của nước Lào. Sắp tới sẽ chuyển giao toàn bộ cơ sở nhà máy cho bạn và giải quyết việc làm cho 185 người (trong đó chỉ còn 4 chuyên gia Việt Nam) với mức thu nhập bình quân đạt 1.550 USD/người/tháng.
Trong chuyến sang thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định mới đây, ông Sonexây Siphan Đone Bí thư, Tỉnh trưởng Chămpasắk cho biết: Lãnh đạo tỉnh Chămpapắk đánh giá cao sự hỗ trợ đầy tình nghĩa anh em của Bidiphar đối với công ty liên doanh CBF Pharma và ghi nhận vai trò quan trọng của Bidiphar đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh Chămpasắk. Chính Bidiphar, bằng kết quả thực hiện chủ trương chung của hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Lào đã góp phần củng cố mối quan hệ đoàn kết gắn bó và tình hữu nghị đặc biệt trong giai đoạn mới.
Bài và ảnh: Viết Ý