Những năm gần đây, hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Cộng hòa Czech đã có bước phát triển đáng kể. Cộng hòa Czech hiện là bạn hàng lớn của Việt Nam tại Đông Âu. Những năm qua, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa hai nước luôn giữ được tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn, khủng hoảng kinh tế của EU.
Theo ông Tạ Hoàng Linh, vụ trưởng vụ thị trường Âu - Mỹ (Bộ Công Thương), thương mại hai chiều giữa hai nước trong những năm gần đây có mức tăng trưởng khoảng 10%. Năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Cộng hòa Czech tăng gần 16% so với năm 2017, đạt 298,01 triệu USD; trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Czech đạt 156,478 triệu USD tăng 3,3%; nhập khẩu từ Czech vào Việt Nam đạt 141,593 triệu USD tăng 32% so với năm 2017.
Riêng, Quý I năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Cộng hòa Czech đạt 64,643 triệu USD, giảm 12%; trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Czech đạt 37,766 triệu USD tang 2,4%; nhập khẩu từ Czech vào Việt Nam đạt 26,876 triệu USD giảm 27,6%). Với giá trị trao đổi thương mại như vậy, hiện nay Cộng hòa Czech là một trong những bạn hàng quan trọng nhất trong khu vực Trung và Đông Âu.
Bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu- châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, xuất khẩu của Việt Nam sang Cộng hoà Czech chủ yếu là các hàng hóa trong nhóm hàng Việt Nam xuất sang EU như: giày dép, sản phẩm may mặc, thủy hải sản, hàng tiêu dùng, máy tính và linh phụ kiện, điện thoại di động và một số hàng hóa thích hợp với nền công nghiệp hướng xuất khẩu của Séc như gia công máy móc, trang thiết bị, phụ tùng, phụ kiện lĩnh vực cơ khí, năng lượng, khai khoáng…
Song các loại nông sản tiêu biểu của Việt Nam như trái cây, gạo, chè, cao su, hạt tiêu, điều, đồ gỗ... vẫn chưa chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường Czech. Theo bà Nguyễn Khánh Ngọc, nguyên nhân là do thời gian, thủ tục của việc nhập khẩu hàng hoá gồm cả việc đặt hàng và nhận hàng từ Việt Nam đến Czech là quá lâu; trong khi đó, giá cả, nhu cầu về chủng loại hàng hoá trên thị trường lại biến động từng ngày; chất lượng nông thủy sản và sự ổn định chất lượng cũng là vấn đề cần nâng cao chú ý.
Trong số những chủng loại hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Czech sang Việt Nam phải kể đến các loại máy móc: máy dệt, máy gia công da, máy bơm, máy nén khí, máy biến thế, máy phát điện, máy nông nghiệp…; thiết bị phụ tùng, linh kiện điện tử, hoá chất các loại, dược phẩm, phụ liệu may mặc, các mặt hàng thuỷ tinh pha lê, sữa và các sản phẩm từ sữa, thuốc chữa bệnh...
Tại Khóa họp lần thứ VI Ủy ban liên Chính phủ (UBLCP) Việt Nam - Cộng hòa Czech về hợp tác kinh tế vào tháng 3 năm 2018 tại Hà Nội, hai bên bày tỏ mong muốn tiếp tục tăng cường quan hệ ngoại giao và phát triển hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, vì lợi ích chung của Việt Nam và Cộng hòa Czech.
Trong khuôn khổ khóa họp, hai Bộ Công Thương Việt Nam và Cộng hòa Czech đã thống nhất thành lập Nhóm công tác về Hợp tác khai thác, chế biến khoáng sản, năng lượng và sẽ tiến hành chương trình làm việc của Nhóm theo Biên bản thỏa thuận về Hợp tác khai thác, chế biến khoáng sản và năng lượng giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Cộng hòa Czech.
Đặc biệt, trong Chiến lược thương mại quốc tế giai đoạn 2012-2020, Cộng hòa Czech đã đưa Việt Nam vào danh sách 12 nước thị trường chủ chốt, ưu tiên về ngoại thương. Điều này rất có ý nghĩa khi mà trong danh sách nêu trên gồm có nhiều quốc gia là đối tác chiến lược truyền thống của Czech như Đức, Pháp, Slovakia, Nga, Ba Lan, Braxin, Nhật, Hàn quốc, Trung quốc… khu vực ASEAN duy nhất chỉ có Việt Nam.
Bộ Công Thương Czech luôn khẳng định chủ trương thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - giao thương giữa hai nước Việt Nam và Czech mạnh hơn, sâu rộng hơn.
Hiện nay, Cộng hòa Czech ủng hộ mạnh mẽ tự do hóa thương mại và thực hiện chính sách mở cửa thị trường, vì vậy trong thời gian tới việc xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này sẽ thuận lợi, không gặp phải khó khăn, trở ngại nhiều bởi hàng rào kỹ thuật hay các biện pháp phi quan thuế. Đặc biệt, khi Hiệp định EVFTA được thông qua, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này kỳ vọng sẽ có bước chuyển biến đáng kể.
Tuy nhiên, có thể nói các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này sẽ phải cạnh tranh với nhiều nước, cụ thể: mặt hàng thủy sản: các nước châu Á như Thái Lan, Trung Quốc, và cả các nước Bắc Âu; Gạo: Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Campuchia; Trái cây: Các nước nam Âu như Tây Ban Nha, Ý, vùng Balkan; May mặc: Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc; Giầy, dép: Trung Quốc...
Theo bà Nguyễn Khánh Ngọc, để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm vào Cộng hòa Séc, bên cạnh việc đẩy mạnh bán hàng trực tiếp cho các nhà nhập khẩu và phân phối nước sở tại thì giải pháp lâu dài và hiệu quả là tham gia vào chuỗi cung ứng của các hệ thống bán lẻ lớn tại nước sở tại hoặc thông qua các doanh nghiệp tại địa bàn để đưa hàng trực tiếp vào các chuỗi bán lẻ này. Để làm được việc này, cần có sự tham gia đồng bộ của các cơ quan quản lý, các tổ chức xúc tiến, Hiệp hội và quan trọng hơn cả là sự hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.